B2B - Xu hướng mới của doanh nghiệp trên sàn thương mại điện tử

15:07' - 23/03/2021
BNEWS Kênh bán hàng B2B trên sàn thương mại điện tử được xác định là xu hướng mới của thị trường thương mại điện tử toàn cầu, bao gồm Việt Nam.

Nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh đang chủ động tìm đến các nhà cung cấp trên sàn thương mại điện tử để ứng phó với sự đứt gẫy chuỗi cung ứng trên thị trường toàn cầu do tác động của dịch COVID-19 và đáp ứng nhu cầu số hóa doanh nghiệp.

Điều này mang lại cơ hội tăng doanh thu cho nhiều ngành hàng, thúc đẩy thị trường thương mại điện tử, nhất là thương mại điện tử B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp) mới phát triển tại Việt Nam.

*Tiềm năng bán hàng B2B

Kênh bán hàng B2B trên sàn thương mại điện tử được xác định là xu hướng mới của thị trường thương mại điện tử toàn cầu, bao gồm Việt Nam. Hiện nay, kênh bán hàng B2B có hai phương thức là kênh bán hàng trực tiếp (offline) và trực tuyến (online).

Kênh bán hàng offline dựa vào mối quan hệ đối tác, khách hàng, hội chợ, triển lãm, hội thảo... Kênh bán hàng online chủ yếu thông qua website, điện thoại, e-mail, sàn thương mại điện tử...

Trong khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, kênh bán hàng offline bị giới hạn trên phạm vi toàn cầu, doanh nghiệp bắt buộc phải chuyển hướng sang kênh bán hàng online để tìm nhà cung cấp, nguồn cung hàng hóa. Đặc biệt, thương mại điện tử B2B được doanh nghiệp đánh giá cao, bởi không giới hạn không gian và thời gian.

Theo đó, doanh nghiệp có thể tìm kiếm nhà cung cấp và khách hàng 24/7; tiết kiệm chi phí, nguồn nhân lực và tiện lợi trong giao dịch mua bán, thanh toán không tiền mặt.

Thương mại điện tử B2B thu phí trên mỗi lượt giao dịch, theo gói dịch vụ hay từng sản phẩm...; đồng thời cũng cho phép doanh nghiệp cập nhật thông tin liên tục với chi phí quản lý vận hành giảm so với mở hệ thống bán lẻ trực tiếp, gia tăng doanh thu và lợi nhuận từ thị trường online.

Những nhà cung cấp nào đáp ứng được nhu cầu so sánh sản phẩm dịch vụ, thông tin minh bạch, tư vấn, đảm bảo yêu cầu cấp bách liên quan đến chất lượng và thời gian giao hàng sẽ khai thác được tối đa hiệu quả của thương mại điện tử B2B.

Ngoài ra, lợi ích mà thương mại điện tử B2B mang lại cho nhà cung cấp không chỉ đáp ứng nhu cầu mua hàng online của khách hàng, mà còn là giải pháp mở rộng mạng lưới kinh doanh, kết nối chuỗi cung ứng nội địa và tiếp cận thị trường nước ngoài, thử nghiệm sản phẩm mới...

Theo bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc phát triển kinh doanh Công ty cổ phần Công nghệ Atalink, những ngành hàng phù hợp với thương mại điện tử B2B là sản phẩm mà doanh nghiệp có thể đánh giá nhà cung cấp, sản phẩm, dịch vụ thông qua thông tin trực tuyến, dễ tìm kiếm, so sánh nhà cung cấp...

Về mặt sản phẩm, thị trường thương mại điện tử B2B tập trung vào những mặt hàng mà doanh nghiệp có thường có ngân sách cố định mua hàng năm như quà tặng doanh nhân, bảo hộ lao động, hệ thống công nghệ thông tin và thiết bị văn phòng; in ấn và bao bì; thiết bị nội - ngoại thất; sản phẩm tiêu dùng...

Bà Bùi Nhã Uyên, Quản lý đối tác Việt Nam của Alibaba.com cho rằng, ảnh hưởng của dịch COVID-19 tới giao thương quốc tế đã kéo theo xu hướng người mua - bán tham gia thị trường thương mại điện tử. Việc này cũng kích thích xu hướng ngành hàng xuất khẩu qua thương mại điện tử hậu dịch COVID-19.

Trước thực trạng này, doanh nghiệp phải kịp thời chuyển đổi nhân sự để phục vụ hoạt động thương mại điện tử; cùng với đó nâng tầm văn hóa doanh nghiệp như văn hóa thích nghi, chủ động đáp ứng những thay đổi hiện tại...

Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa bị hạn chế tiếp cận nguồn lực cần có những giải pháp chuyển đổi số phù hợp bên cạnh việc nâng cao năng lực kinh doanh. Nếu không đủ năng lực đào tạo, doanh nghiệp có thể tận dụng nguồn cung ứng bên ngoài.

*Cơ hội bán lẻ đa kênh

Thị trường thương mại điện tử đã trở thành một phần không thể thiếu trong mua bán hàng ngày. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải chuyển đổi mô hình bán lẻ truyền thống thành bán lẻ đa kênh offline và online, dẫn đến mô hình bán lẻ đa kênh với điều kiện khách hàng ở đâu thì bán hàng ở đó.

Mô hình bán lẻ đa kênh cho phép đơn vị bán lẻ quản lý tập trung dữ liệu; trong đó, đặt hàng và thanh toán thay đổi theo xu hướng không tiền mặt. Điều chuyển đơn hàng online đến offline, phân nhóm khách hàng cũ và gửi thông điệp cá nhân hóa qua SMS/Messenger. Đối với khách hàng mới, doanh nghiệp tăng nhận diện thương hiệu trên thị trường thương mại điện tử bằng ứng dụng công nghệ.

Theo ông Lê Hoàng Long, chuyên gia Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen cho biết, dịch COVID-19 thúc đẩy thị trường online phát triển; trong đó, thị trường hàng tiêu dùng nhanh FMCG online sẽ ngày càng phổ biến.

Dự báo trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, điểm sáng là kênh phân phối hiện đại (siêu thị tăng trưởng 9%) nên siêu thị và online sẽ là động lực tăng trường cho FMCG trong năm 2021 và những năm tới.

Những nhà bán lẻ mở rộng chuỗi cửa hàng liên tục và có hệ thống sinh thái bán lẻ trải dài, đa dạng mô hình bao trùm thị trường sẽ có lợi thế trên đường đua đến với người tiêu dùng. Tuy nhiên, sự đa dạng loại hình bán lẻ cần đảm bảo tạo tính cạnh tranh, đáp ứng sự khác biệt để phát huy tối đa thế mạnh trên cả thị trường online và offline.

Về phía nhà bán lẻ, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Tp. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho hay, năm 2021, một trong những mục tiêu chiến lược của Saigon Co.op là tập trung hoàn thiện, nâng cao hiệu quả những mô hình hiện hữu, tăng cường số lượng và chất lượng dịch vụ phục vụ khách hàng.

Với thông điệp tối ưu vận hành tối đa hiệu quả hoạt động kinh doanh, tiếp tục phát huy hiệu quả đã tạo đột phá cho hàng Việt trong mùa dịch, Saigon Co.op tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, phối hợp với nhiều đơn vị thương mại điện tử thực hiện đa dạng chương trình kích cầu hàng Việt trên ứng dụng điện tử.

Ông Lê Trí Thông, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), cũng giống như các ngành hàng tiêu dùng không thiết yếu khác, doanh nghiệp trang sức đang gặp khó khăn trước ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Để ứng phó với biến động thị trường, PNJ đã chuyển đổi trong vận hành, tiết kiệm chi phí, thực hiện chuyển đổi số và đẩy mạnh thị trường online.

PNJ cũng thực hiện tái cấu trúc hệ thống bán hàng online và offline, với nhận định đây là giai đoạn những doanh nghiệp đầu ngành cần khẳng định vị thế, giữ chân khách hàng, tối ưu hiệu quả kinh doanh...

Song song, PNJ đổi mới sáng tạo trong việc đưa ra những thông điệp và cách tiếp cận khách hàng nhằm hướng đến mục tiêu mở ra thị trường mới, tìm kiếm khách hàng tiềm năng...

Liên quan đến thị trường thương mại điện tử, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đánh giá, ảnh hưởng của dịch COVID-19 giúp cho doanh nghiệp nhận thấy tầm quan trọng của việc thông thương hàng hóa thông qua nền tảng số. Đặc biệt, việc đưa sản phẩm ra thị trường là hoạt động bắt buộc đối với doanh nghiệp trong tất cả lĩnh vực nên đòi hỏi phải đa kênh bán hàng.

"Đối với diễn biến thị trường toàn cầu, cũng như trong nước, doanh nghiệp bắt buộc phải chuyển đổi số và từng bước đưa sản phẩm lên nền tảng số hóa. Ngoài những hoạt động chuyển đổi số thương mại điện tử, truyền hình số và nội dung số là những vấn đề được quan tâm hàng đầu.

Hình ảnh sản phẩm, dịch vụ cần được chú trọng về chất lượng, thẩm mỹ và đảm bảo tạo ra sức hút đối với người tiêu dùng", ông Nguyễn Ngọc Dũng nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục