Ba nước đàm phán vẫn có sự khác biệt trong phiên bản NAFTA mới

12:38' - 04/04/2018
BNEWS Mặc dù đã xuất hiện một số tín hiệu lạc quan về triển vọng tái đàm phán NAFTA nhưng giữa ba nước Mỹ, Canada và Mexico vẫn còn “khoảng cách khá xa” trong những vấn đề chính của phiên bản NAFTA mới.
Ba nước đàm phán vẫn có sự khác biệt trong phiên bản NAFTA mới. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Theo trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) của Canada, ông Steve Verheul, mặc dù gần đây đã xuất hiện một số tín hiệu lạc quan về triển vọng tái đàm phán NAFTA nhưng giữa ba nước Mỹ, Canada và Mexico vẫn còn “khoảng cách khá xa” trong những vấn đề chính của phiên bản NAFTA mới.

Ông Verheul nói rõ các bên vẫn còn khoảng cách khá xa trong cách tiếp cận về quy tắc " xuất xứ ô tô”. Theo ông, việc Mỹ từ bỏ yêu cầu về tỷ lệ nội địa hoá ô tô là tín hiệu đáng mừng nhưng giữa các bên vẫn còn vấn đề về giải quyết tranh chấp và đảm bảo rằng các điều khoản về giải quyết tranh chấp sẽ được đưa vào phiên bản NAFTA mới. Ông nói Canada quan tâm tới các đề xuất của Mỹ về mua sắm chính phủ, "điều khoản hoàng hôn" và cơ chế giải quyết tranh chấp.

Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland cũng đưa ra ý kiến tương tự khi bà nêu rõ “đây là những cuộc đàm phán đầy thách thức”, nhưng Canada sẽ tiếp tục nỗ lực để có thể đạt được kết quả ngay khi có thể.

Trong một nỗ lực nhằm đẩy nhanh tiến trình đi tới thoả thuận cuối cùng, Mỹ đã đưa ra thời hạn cuối cùng vào ngày 1/5 tới. Nếu lỡ thời hạn này, chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẽ rút lại quyết định tạm hoãn đánh thuế đối với nhôm, thép nhập khẩu từ Canada và Mexico.

Phản ứng trước tối hậu thư của Chính quyền Trump, ông Verheul cho biết Canada đã nói rõ với Mỹ sẵn sàng đàm phán vào bất cứ thời điểm nào và tại bất cứ đâu miễn là Mỹ cũng tỏ rõ thiện chí.

Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế Mexico, Ildefonso Guajardo, trong phát biểu trên đài phát thanh quốc gia ngày 3/4 nói các bên đã đạt được nhiều tiến triển trong đàm phán, sẵn sàng cho thấy sự linh hoạt trong các vấn đề phức tạp. Ông nhận thấy cơ hội để thúc đẩy NAFTA với các nguyên thủ tham gia Hội nghị thượng đỉnh các nước châu Mỹ tại Peru trong tuần tới. Ông cho rằng đường hướng cơ bản cho việc giải quyết các bất đồng có thể đạt được trong 12 ngày tới, dù các bên vẫn còn khoảng cách.

Tuy nhiên, đã hơn hai tuần kể từ khi Mỹ tuyên bố từ bỏ yêu sách nội địa hoá ô tô, vẫn chưa có thêm bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy tiến trình thảo luận sẽ được đẩy lên nhanh hơn, trừ tuyên bố đầy lạc quan của Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer. Ông Lighthizer cho rằng các bên đang đạt được tiến triển và rằng “cả ba bên đều muốn tiến lên phía trước”. Ông cũng nói thêm, về nguyên tắc, nếu có một nỗ lực thực sự nhằm đi đến việc thoả hiệp, có thể lạc quan về kết quả của lần gặp tiếp theo.

Đại diện Thương mại Mỹ thừa nhận nước này đang chịu áp lực chính trị trong việc đạt được một thỏa thuận mới trước khi Mexico có chính phủ mới, điều có thể khiến các cuộc tái đàm phán NAFTA phải kéo dài sang tận năm 2019.

Theo quy định, Chính phủ Mỹ sẽ cần có 195 ngày để tiến hành tham vấn về một thoả thuận thương mại mới trước khi các nhà lập pháp có thể tiến hành bỏ phiếu. Vì thế, thời hạn lý tưởng cho việc khởi động tiến trình tham vấn này sẽ là ngày 21/6 để đảm bảo rằng thoả thuận NAFTA sửa đổi sẽ đưa ra lấy phiếu tại Quốc hội mới sẽ nhóm họp vào hôm 3/1/2019. Tuy nhiên, nếu cả ba nước Mỹ, Canada và Mexico cùng thực sự cố gắng, thời hạn này có thể sẽ được đẩy lên sớm hơn.

Theo thông báo trước đó, vòng tái đàm phán NAFTA cuối cùng sẽ diễn ra tại Mỹ trong tháng này.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục