BNEWS
Hiện 31% ngư trường trên thế giới hoạt động ở các mức độ không phù hợp về mặt sinh học, trong đó 58% hoạt động ở mức tối đa khiến các loài thủy hải sản không thể phát triển được.
Ngày 14/9, Mỹ thông báo nước này cùng 12 nước khác sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhằm ngăn cấm các hoạt động trợ cấp có hại trong lĩnh vực ngư nghiệp, đặc biệt là những khoản trợ cấp dẫn đến tình trạng đánh bắt quá mức và sản xuất dư thừa trong lĩnh vực này hoặc liên quan đến hoạt động đánh bắt cá trái phép.
Tuyên bố chung của các nước trên, được công bố trước khi khai mạc hội thảo lớn về hải dương tổ chức tại Washington, cho biết 31% ngư trường trên thế giới hiện hoạt động ở các mức độ không phù hợp về mặt sinh học, trong đó 58% hoạt động ở mức tối đa khiến các loài thủy hải sản không thể phát triển được.
Tuyên bố nêu rõ: "Hoạt động trợ cấp trong lĩnh vực ngư nghiệp, ước tính lên tới hàng chục tỷ USD mỗi năm, gây ra tình trạng méo mó nghiêm trọng thị trường cá toàn cầu và là nhân tố chính dẫn đến tình trạng đánh bắt quá mức, sản xuất dư thừa và cạn kiệt nguồn tài nguyên thủy hải sản".
Ngoài Mỹ, liên minh chống trợ cấp nghề cá bao gồm Argentina, Australia, Canada, Chile, Colombia, New Zealand, Na Uy, Papua New Guinea, Peru, Singapore, Thụy Sĩ và Uruguay.
Theo Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman, liên minh này đang tìm cách đảm bảo sự ổn định lâu dài của ngành ngư nghiệp toàn cầu, vốn tạo việc làm cho hơn 50 triệu lao động. Ước tính có 3 tỷ người, chủ yếu ở các nước nghèo, dựa vào thực phẩm khai thác từ biển như một nguồn cung cấp protein chủ yếu.