Bắc Bộ tiếp tục có mưa, nguy cơ lũ quét và sạt lở đất ở khu vực miền núi

15:47' - 09/09/2024
BNEWS Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, từ 3 đến 6 giờ tới, khả năng xảy ra lũ quét, sạt lở đất sẽ rất lớn tại các khu vực vùng núi Bắc Bộ đã có lượng mưa lớn và độ ẩm cao.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, trong 24 giờ qua (từ 14 giờ 8/9, đến 14 giờ ngày 9/9), khu vực Bắc Bộ đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa lớn tại nhiều địa điểm.

 

Đáng chú ý, tại Bản Khoang (Lào Cai) lượng mưa đạt 343,4mm, Tả Giàng Phình (Lào Cai) 337mm; Tân Phượng 1 (Yên Bái) 529mm, Tân Phượng 2 (Yên Bái) 476,6mm; Nấm Dẩn 2 (Hà Giang) 495,6mm, Chế Là (Hà Giang) 315,2mm.

Ngoài ra, các khu vực khác như Trung Minh (Tuyên Quang) 248,6mm, Thanh Tương 230mm; Lương Bằng (Bắc Kạn) 274mm, Bình Trung 271,2mm; Yên Đổ (Thái Nguyên) 363,8mm và Thi Tran Cho Du 335,4mm. Một số địa phương khác cũng có mưa lớn như Tĩnh Túc (Cao Bằng) 246,2mm và Hồng An 233,2mm. Do mưa lớn kéo dài, độ ẩm đất cao, nên nhiều khu vực tăng nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất.

Cơ quan Khí tượng dự báo trong 3- 6 giờ tới, khu vực các tỉnh Bắc Bộ sẽ tiếp tục có mưa với lượng mưa phổ biến từ 30-80mm tại khu vực miền núi, có nơi vượt quá 120mm. Ở khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ, lượng mưa dao động từ 20-50mm, có nơi trên 80mm.

Điều này dẫn đến nguy cơ rất cao về lũ quét trên các sông, suối nhỏ và sạt lở đất trên các sườn dốc tại nhiều huyện thuộc vùng núi Bắc Bộ, đặc biệt là ở các khu vực có địa hình phức tạp và đã bão hòa độ ẩm.

Từ 3 đến  6 giờ tới, khả năng xảy ra lũ quét, sạt lở đất sẽ rất lớn tại các khu vực đã có lượng mưa lớn và độ ẩm cao. Cấp độ rủi ro thiên tai được đánh giá ở mức độ 1 đối với nhiều khu vực, tuy nhiên tại Thái Nguyên, Bắc Kạn, Hà Giang, mức rủi ro tăng lên cấp độ 2. Riêng các tỉnh Yên Bái và Lào Cai, do lượng mưa lớn và địa hình hiểm trở, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất được đánh giá ở cấp độ 3.

Các chuyên gia cảnh báo, lũ quét, sạt lở đất có thể gây ra những tác động nghiêm trọng đến môi trường, đe dọa tính mạng và tài sản của người dân. Các tuyến giao thông quan trọng có thể bị tắc nghẽn cục bộ, làm ảnh hưởng đến quá trình di chuyển của các phương tiện và gây gián đoạn trong hoạt động kinh tế - xã hội. Những công trình dân sinh và sản xuất kinh tế có thể bị phá hủy, gây ra thiệt hại nặng nề cho đời sống người dân và cơ sở hạ tầng trong khu vực.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục