Bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi lợn

16:25' - 05/05/2017
BNEWS Từ đầu quý IV năm 2016 đến nay, giá bán thịt lợn và gia cầm trên toàn thị trường xuống thấp. Nhiều trang trại chăn nuôi có nguy cơ phá sản.
Người chăn nuôi đang gặp khó do giá lợn xuống thấp. Ảnh: Phương Anh-TTXVN

Trước thực trạng giá thịt lợn hơi trên địa bàn tỉnh bị giảm sâu trong nhiều tháng gần đây, đẩy người chăn nuôi vào tình thế thua lỗ nghiêm trọng, ngày 5/5, Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương đã tổ chức Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ cho người chăn nuôi lợn.

Nhiều trang trại trước nguy cơ phá sản

“Từ đầu quý IV năm 2016 đến nay, giá bán thịt lợn và gia cầm xuống thấp. Nhiều trang trại chăn nuôi có nguy cơ phá sản. Mức giá hiện nay khiến người nuôi lỗ khoảng 1,5 triệu đồng/con lợn thịt nặng khoảng 100kg và 500.000 đồng/con lợn giống”, bà Bùi Thị Bến, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương cho biết.

Mặc dù những ngày gần đây, phía Trung Quốc đã bắt đầu tăng thu mua lợn với giá nhích dần nhưng thực tế người nuôi lợn vẫn đang thua lỗ. Ông Bùi Văn Nhạ, xã Đoàn Tùng, huyện Thanh Miện đang nuôi hơn 1.000 con lợn thương phẩm cho biết: “Hiện giờ, mỗi con lợn trong chuồng nhà tôi đều đã hơn 1 tạ nhưng chưa thể bán. Để nuôi được một con lợn thương phẩm 100 kg, tốn khoảng 3- 4 triệu đồng bao gồm tiền giống, cám, khấu hao chuồng trại và vắc xin. Với giá bán khoảng 23.000 đồng/kg, tôi đang lỗ khoảng 1,5 triệu đồng/con”.

Ông Bùi Văn Nhiên (Văn Tố, huyện Tứ Kỳ) cũng chung cảnh ngộ. Ông Nhiên cho biết: “Nhà đang nuôi gần 1.300 lợn thương phẩm, thương lái thu mua thì ép giá, nếu không bán thì cũng không có tiền để mua cám mà nuôi tiếp. Không chỉ gia đình tôi mà hàng trăm hộ chăn nuôi ở Tứ Kỳ cũng đang khó khăn”.

Người chăn nuôi khốn đốn, doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng chịu ảnh hưởng. Ông Phạm Đức Luận, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cám Vina cho biết, nhiều đại lý cám của công ty đã không dám lấy cám về bán. Doanh số của công ty cũng đã giảm 25%.

Đề xuất, kiến nghị với tỉnh và các ngành chức năng, những người chăn nuôi đều chung nguyện vọng như: được gia hạn các khoản vay, được ưu đãi để cho vay tiếp, được hỗ trợ nguồn vắc xin phòng bệnh cho đàn lợn nái, được tạo thuận lợi tối đa trong việc vận chuyển, lưu thông thịt lợn trên thị trường.

 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai các biện phát nhằm hỗ trợ ngành chăn nuôi vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Ảnh: Vũ Sinh TTXVN

Ông Nguyễn Văn Thắng, chủ trang trại nuôi quy mô 6.000 con lợn tại xã Kim Đính, huyện Kim Thành bày tỏ mong muốn: “Trong giai đoạn này, nhiều người chăn nuôi sẽ có tâm lý chủ quan trong việc phòng bệnh cho đàn vật nuôi. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ gia tăng dịch bệnh trong thời gian tới. Đề nghị tỉnh có cơ chế hỗ trợ hoặc cấp, phát vắc xin một cách hợp lý để người chăn nuôi yên tâm”.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, trong vài năm gần đây, quy mô đàn lợn tăng liên tục. Toàn tỉnh có trên 770 trang trại. Tính đến hết tháng 4/2017, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh Hải Dương ước trên 609.000 con, tăng 3,1% so với cùng kỳ 2016. Tốc độ tăng bình quân đàn lợn trong 3 năm gần đây là 6,8%/năm, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng tăng bình quân 4,67%/năm.

Trong khi nguồn cung tăng cao thì một trong những hạn chế hiện nay của ngành chăn nuôi lợn ở Hải Dương là việc chế biến sâu các sản phẩm thịt lợn và kết nối thị trường xuất khẩu chưa tốt, chưa hình thành được các chuỗi liên kết giá trị hàng hoá chăn nuôi dẫn đến tiêu thụ bị động. Thị trường ảm đạm mấy tháng qua là một minh chứng.

Liên kết chuỗi- hướng đi bền vững

Để tháo gỡ khó khăn cho chăn nuôi lợn trong tỉnh, trước mắt, Hải Dương tập trung thúc đẩy tiêu thụ nội tỉnh. Tại hội nghị, ông Nguyễn Anh Cương, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương đã kêu gọi các doanh nghiệp chế biến, các cơ sở tiêu thụ lớn về thịt lợn tăng giá mua, hạ giá bán để đẩy mạnh tiêu thụ thịt lợn trong tỉnh.

Tỉnh cũng yêu cầu các ngành chức năng tạo điều kiện cho các cơ sở giết mổ, chế biến phát huy tối đa công suất sản xuất các sản phẩm thành phẩm và dự trữ thịt lợn.

Các địa phương và ngành công thương làm việc với các siêu thị, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và tư nhân tự thu mua, mở thêm quầy bày bán thịt lợn phục vụ nhu cầu người dân, đặc biệt là ở những khu vực đông dân cư; cơ quan quản lý thị trường hỗ trợ tạo điều kiện tối đa cho vận chuyển, lưu thông thịt lợn. Tỉnh kêu gọi những đơn vị kinh doanh thức ăn chăn nuôi nghiên cứu giảm giá bán, cho người nuôi kéo dài thời gian nợ.

Ngành công thương chuẩn bị cho việc kết nối với thị trường Hà Nội, đưa thịt lợn và các mặt hàng nông sản tiếp cận với các thị trường ngoại tỉnh. Các ngành nông nghiệp và khoa học công nghệ hỗ trợ xây dựng thương hiệu, đầu ra cho người sản xuất.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề xuất ngành tài chính nghiên cứu việc duy trì đàn lợn nái chất lượng như hỗ trợ vac xin, cơ chế cụ thể... Với những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, lãnh đạo tỉnh cũng kêu gọi các doanh nghiệp tìm cách tiết kiệm chi phí, giảm giá thành, giá bán sản phẩm nhằm chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi.

Về lâu dài, ông Nguyễn Anh Cương cũng cho rằng, qua “cơn bão” này, người chăn nuôi liên kết với các doanh nghiệp để được bao tiêu đầu ra. Ông Cương cũng mong muốn các doanh nghiệp hiện nay đang chăn nuôi, xuất khẩu thịt lợn “bắt tay” với nông dân Hải Dương để tìm hướng đi bền vững.

Với các ngành nông nghiệp, khoa học công nghệ, lãnh đạo tỉnh Hải Dương đề nghị tới đây cần tăng cường hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, thức ăn, quy trình chăm sóc nhằm hạ giá thành sản xuất ở mức thấp nhất; tăng cường kiểm tra dịch bệnh.

Đánh giá cao sự vào cuộc của Hải Dương chia sẻ với người chăn nuôi hiện nay, ông Nguyễn Đức Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng mong muốn địa phương cùng các doanh nghiệp tích cực hơn nữa để giải cứu cho người chăn nuôi theo tinh thần đã được Chính phủ nêu tại văn bản 597 ngày 29/4/2017.

Giới thiệu về nhiều giải pháp như: kiểm soát chăn nuôi nông hộ, áp dụng chăn nuôi công nghệ cao, chăn nuôi sạch… mà ngành chăn nuôi đang triển khai, ông Trọng cũng đề nghị tỉnh Hải Dương cần rà soát lại đàn lợn nái, không tăng đàn và nông dân cùng doanh nghiệp cần thực hiện sản xuất theo chuỗi.

Phát triển chăn nuôi tuân thủ quy hoạch, sản xuất theo chuỗi, đảm bảo an toàn dịch bệnh cũng là khuyến nghị của các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp đang liên kết với nông dân và sản xuất theo chuỗi, phục vụ xuất khẩu.

“Muốn giải quyết được vấn đề xuất khẩu, không còn cách nào khác là đi theo hướng liên kết chuỗi, áp dụng khoa học công nghệ để giảm giá thành đầu vào, tăng sức cạnh tranh cho chất lượng sản phẩm chăn nuôi”, ông Nhữ Đình Tú, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm sạch Lebio- nhấn mạnh.

Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Văn Tịnh, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Hải Dương cho rằng: “Về phía cơ quan quản lý nhà nước, tỉnh cần khẩn trương có hướng dẫn liên ngành thực hiện đề án sản xuất hàng hoá tập trung, tiếp tục hỗ trợ vắc xin tai xanh và lở mồm long móng cho đàn lợn nái.

Đồng thời, phối hợp khơi thông cho thu mua thịt lợn. Với người chăn nuôi, giải pháp tức thời là phải giảm đàn nái, tổ chức chăn nuôi khoa học, tham gia tổ chức chăn nuôi theo chuỗi, nắm được tín hiệu thị trường. Thực tế, nếu chăn nuôi sạch, hữu cơ, an toàn thì vẫn có đầu ra và giá cao”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục