Giải cứu ngành chăn nuôi lợn: Doanh nghiệp chấp nhận kinh doanh không lãi

20:12' - 28/04/2017
BNEWS Việc hạ giá bán, tăng mua sẽ hỗ trợ người chăn nuôi nhưng bản thân doanh nghiệp cũng gặp khó khăn.

Tại buổi làm việc với UBND Tp.Hồ Chí Minh và các doanh nghiệp về việc bàn giải pháp hỗ trợ tiêu thụ thịt lợn chiều 28/4, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám đề nghị các doanh nghiệp cùng tham gia vào việc chia sẻ lợi nhuận với người chăn nuôi.

Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, việc nâng giá thu mua cho người nông dân, giảm giá đầu ra thịt lợn đến người tiêu dùng, nâng cao năng lực dự trữ cấp đông… là các giải pháp rất cần các doanh nghiệp tham gia hỗ trợ ngành chăn nuôi trong bối cảnh hiện nay.

Kêu gọi doanh nghiệp chia sẻ lợi nhuận

Theo ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ Nghệ Súc Sản (Vissan) cho biết, hiện công ty giết mổ 1.500 con lợn/ngày để cung cấp cho thị trường thành phố. Ngoài ra, mỗi ngày công ty cũng cung cấp 60-80 tấn thực phẩm chế biến từ thịt lợn ra thị trường. Hiện công ty này đang thu mua lợn hơi với giá 26.000 đồng/kg, với loại lợn 90-120 kg/con.

Tuy nhiên, ông An cho rằng, với mức giá Vissan bán ra thị trường như hiện nay dao động từ 71.500-77.500 đồng/kg thì công ty đã phải giảm lợi nhuận rất lớn. Bởi hiện nay tỷ suất lợi nhuận của ngành giết mổ đang chịu sự điều chỉnh của Sở Tài chính, chỉ còn 3,3%. Do vậy, việc hạ giá bán, tăng mua sẽ hỗ trợ người chăn nuôi nhưng bản thân doanh nghiệp cũng gặp khó khăn.

Một trang trại chăn nuôi lợn tại huyện Sóc Sơn. Ảnh: Phương Anh/TTXVN

“Các phần thịt ngon của con lợn có thể đảm bảo tiêu thụ ổn định nhưng các sản phẩm phụ phẩm, nội tạng lợn tăng lên khiến công ty khó tiêu thụ. Thậm chí, đối với phần nội tạng, xương lợn, công ty phải cho các công nhân, vì không tiêu thụ hết", ông An nói.

Hiện kho lạnh của Vissan đang tồn khoảng 1.000 tấn nạc lợn. Do năng lực kho lạnh hạn chế nên công ty chỉ cấp đông thêm khoảng 100 con/ngày để góp phần giải quyết đầu ra cho người chăn nuôi. Đến đầu tháng 5/2017, Vissan dự kiến cấp đông thêm 100 con/ngày nữa, nâng lên thành 300 con/ngày.

Còn tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri), bà Nguyễn Thị Thu Ngoan, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty cho biết, hiện nay chính bản thân doanh nghiệp cũng đang chịu lỗ vì giá lợn xuống thấp do đơn vị này hoạt động theo chu trình khép kín, tự chăn nuôi, giết mổ, chế biến lẫn tiêu thụ.

Từ cuối năm 2016 đến nay, do giá lợn xuống thấp, doanh nghiệp này không bán được lợn giống hậu bị và lợn con giống nuôi thịt nên sản lượng lợn thịt tăng hơn so với kế hoạch tiêu thụ hàng ngày.

Với năng lực cấp đông còn hạn chế, đơn vị này chỉ có thể tiêu thụ được nguồn lợn do chính mình sản xuất ra và không thể dự trữ cấp đông thêm nguồn thịt lợn khác. Bản thân doanh nghiệp cũng phải thuê kho dự trữ khiến đội thêm chi phí 7.000 đồng/kg. 

Thành phố sẵn sàng hỗ trợ người chăn nuôi

Dù còn gặp nhiều khó khăn, song đại diện các doanh nghiệp này cho biết sẽ tham gia vào chương trình hỗ trợ cho người nuôi cũng như giảm giá bán ngang với giá vốn để người tiêu dùng được hưởng lợi.

Ông Nguyễn Phúc Khoa, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Vissan cho biết, để hỗ trợ người nuôi lợn, ngoài chương trình Bình ổn thị trường của Tp.Hồ Chí Minh, Vissan sẽ khuyến mại giảm giá bán 10-15% trên mức giá hiện tại, tương đương mức giảm 5.000-8.000 đồng/kg.

Như vậy giá loại thịt đùi lợn sẽ giảm 7.700 đồng/kg còn 70.000 đồng/kg. Hiện nay công ty đã tăng lượng giết mổ lên mỗi ngày 300 con, ngày mai (29-4), Vissan sẽ tiến hành thu mua lợn tiêu chuẩn VietGAP cho tỉnh Long An phục vụ cho nhu cầu chế biến tăng thêm này.

“Mặc dù năng lực cấp đông của công ty hiện không đủ, nhưng Vissan đề xuất sẽ thu mua thịt cấp đông của các đơn vị tham gia cấp đông thịt để cung cấp cho nhu cầu tiêu thụ cuối năm 2017 và dịp Tết 2018.

Đối với chợ Bình Điền hiện đang tiêu thụ trung bình khoảng 3.000-3.300 con lợn/ngày, sẽ đề nghị Ban quản lý chợ làm việc với Tiểu thương hỗ trợ giữ giá, không để giá thịt lợn giảm xuống nữa.

Còn với hệ thống siêu thị, cửa hàng Satra Food, sẽ tiếp tục giảm giá sâu bằng chương trình khuyến mãi”, ông Khoa cho biết.

Giá thịt lợn giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp chấp nhận kinh doanh không lãi. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Ngay như Sagri dù vẫn còn nhiều khó khăn, song doanh nghiệp chấp nhận hòa vốn, sẽ giảm 10% đối với các sản phẩm thịt lợn bán ra thị trường đúng bằng giá vốn, trung bình giảm 6.000 đồng/kg trong vài ngày tới.

Đại diện Saigon Co.op cũng cho biết, từ đầu tuần đến nay, hệ thống các siêu thị của Saigon Co.op đã giảm giá từ 15-20% các loại thịt lợn, qua đó lượng tiêu thụ thịt đã tăng 30-35 tấn/ngày so với trước đó khi chưa giảm.

Tại buổi làm việc, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND Tp.Hồ Chí Minh yêu cầu các đơn vị cần trình phương án khuyến mãi giảm giá ngay chiều nay, chậm chất là sáng ngày mai để nhanh chóng kích cầu tiêu thụ, hỗ trợ cho nông dân đang gặp khó khăn.

“Trường hợp doanh nghiệp vay vốn để đầu tư nhà máy giết mổ, chế biến, Tp.Hồ Chí Minh sẽ hỗ trợ 100% lãi suất cho các doanh nghiệp. Thành phố chỉ đạo các Sở ngành thành phố tăng cường liên kết với tỉnh lân cận tạo các chuỗi cung ứng tiêu thụ sản phẩm để kiểm soát chất lượng.

Các công ty khi giảm giá thịt lợn bán ra thị trường nhưng vẫn phải giữ giá thu mua lợn hơi, thậm chí tăng dần giá thu mua lên nhằm tránh trường hợp tác dụng ngược”, ông Tuyến nói./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục