Thu mua lợn sữa, lợn thịt, giải cứu cho người chăn nuôi

14:23' - 28/04/2017
BNEWS Nhiều công ty đang tăng cường thu mua lợn sữa, lợn thịt để chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu và dự trữ cấp đông nhằm tiêu thụ nguồn lợn thịt đang tồn đọng trên thị trường Thanh Hóa.
Giá thịt lợn tại nhiều địa phương giảm mạnh. Ảnh: Lâm Khánh - TTXVN

Ngày 28/4, ông Nguyễn Viết Thái, Phó Giám đốc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho biết, hiện nay, tình hình chăn nuôi lợn trên cả nước nói chung và ở tỉnh Thanh Hóa nói riêng đang gặp nhiều khó khăn, giá thịt lợn xuống thấp kỷ lục và khó tiêu thụ.

Để tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đề nghị Công ty TNHH Hoa Mai và Công ty Cổ phần Chế biến súc sản xuất khẩu Thanh Hóa (thành phố Thanh Hóa) tăng cường thu mua lợn sữa, lợn thịt để chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu và dự trữ cấp đông nhằm tiêu thụ nguồn lợn thịt đang tồn đọng trên thị trường Thanh Hóa.

Để tiết giảm chi phí sản xuất thức ăn chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đề nghị các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi kiểm soát chặt chẽ các khâu trong quá trình sản xuất, lựa chọn các nguyên liệu đảm bảo chất lượng, tăng cường sử dụng các nguyên liệu hiện có tại địa phương như: bột ngô, bột cá, bột đầu tôm... để sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Các nhà máy tăng cường chế biến các sản phẩm làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi từ các nguồn trong nước thay thế nhập khẩu, áp dụng công nghệ sinh học trong sản xuất các chế phẩm sinh học, thay thế kháng sinh, tận thu khối lượng lớn hữu cơ trong sản xuất để giảm chi phí sản xuất thức ăn chăn nuôi, tiến tới giảm giá bán thức ăn cho bà con…

Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục chỉ đạo các địa phương phát triển chăn nuôi theo mô hình bán công nghiệp gắn với chăn nuôi truyền thống; chăn nuôi hữu cơ an toàn dịch bệnh; khuyến khích các cơ sở chăn nuôi phát triển các giống cao sản và các giống đặc sản.

Tỉnh cũng khuyến khích các doanh nghiệp hình thành liên minh, liên kết để xây dựng chuỗi chăn nuôi khép kín từ khâu chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm, góp phần làm tăng giá trị chăn nuôi lợn và ổn định thị trường.

Các địa phương trên địa bàn tăng cường phối hợp với ngành chăn nuôi để đẩy mạnh công tác nghiên cứu dự tính, dự báo thị trường, từ đó có những khuyến cáo, định hướng cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn, hạn chế tình trạng "được mùa mất giá" như hiện nay...

Từ đầu năm đến nay, giá lợn hơi liên tục xuống, tại Thanh Hóa có nơi chỉ còn 24.000 đồng/kg. Theo đánh giá, đây là đợt xuống giá thấp nhất và lâu nhất từ trước đến nay và vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi.

Người chăn nuôi theo quy mô vừa và nhỏ trên địa bàn đang chịu cảnh lao đao bởi phụ thuộc giá cả thị trường, bị thương lái ép giá. Nhiều hộ rơi vào tình trạng thua lỗ, thậm chí trắng chuồng khi không đủ chi phí để tiếp tục chăn nuôi.

Nguyên nhân được xác định do biến động của thị trường, nguồn cung dồi dào, trong khi nhu cầu của người tiêu dùng không thay đổi, thị trường xuất khẩu gặp khó khăn. Bên cạnh đó, công tác quản lý còn nhiều hạn chế, chưa dự báo tốt diễn biến thị trường, giá cả các sản phẩm chăn nuôi...

>>>Hà Nội cần kịp thời có giải pháp cho ngành chăn nuôi lợn

>>>Cả con lợn 1 tạ có giá bằng một mâm cỗ!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục