Băng tan trên dãy Himalaya gây lũ quét khiến ít nhất 150 người mất tích

17:37' - 07/02/2021
BNEWS Sáng 7/2, ít nhất 150 công nhân đã mất tích sau khi một phần sông băng Nanda Devi trên dãy Himalaya tan chảy, gây ra lũ quét và phá hủy con đập Rishiganga trên sông Alaknanda, bang Uttarakhand, Ấn Độ.

Theo Thống đốc bang Uttarakhand, Om Prakash, hiện chưa rõ chính xác có bao nhiêu người thiệt mạng, song có khoảng 100-150 người đã mất tích. 

Người dân địa phương lo ngại các công nhân làm việc cho dự án thủy điện gần sông Alaknanda cũng như dân làng đi lang thang gần sông để tìm củi hay chăn thả gia súc có thể đã bị lũ cuốn trôi.

Nhà chức trách Ấn Độ cũng đã đặt nhiều huyện ở miền Bắc nước này này trong tình trạng báo động lũ.

Theo một cảnh quay của người dân địa phương, dòng lũ đã cuốn phăng nhiều phần của con đập cũng như bất kỳ thứ gì trên đường đi của lũ.

Trong khi đó, các video đăng tải trên mạng xã hội cho thấy nước lũ dâng tràn qua một con đập nhỏ, cuốn phăng các trang thiết bị xây dựng.

Bang Uttarakhand ở Himalaya rất hay xảy ra lũ quét và lở đất. Hồi tháng 6/2013, mưa to kỷ lục đã gây ra trận lũ khủng khiếp, khiến 6.000 người thiệt mạng.

Thảm họa này được giới truyền thông ví là "sóng thần Himalaya" do dòng lũ từ trên núi chảy xuống kéo theo bùn đá, làm chôn vùi nhà cửa, cuốn đi các tòa nhà, đường xá và cầu cống.

*Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 7/2, chính quyền Indonesia đã quyết định tạm đóng cửa sân bay Banyuwangi ở tỉnh Đông Java do bụi tro phát tán từ núi lửa Raung có nguy cơ gây ảnh hưởng đến an toàn bay.

Tổng Giám đốc điều hành của công ty quản lý sân bay PT Angkasa Pura II (Persero) tại sân bay Banyuwangi, ông Cin Asmoro cho biết: "Chúng tôi đã nhận được cảnh báo hàng không từ Công ty dịch vụ điều hành bay Indonesia AirNav về việc đóng cửa sân bay Banyuwangi từ 8h50 đến 14h50 (giờ Tây Indonesia, bằng giờ Hà Nội)".

Theo ông Cin, trước đó kết quả quan sát cho thấy bụi tro núi lửa Raung đã lan đến sân bay Banyuwangi.

Trước đó, Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý (BMKG) tại Banyuwangi cho biết một trận mưa tro phát tán từ vụ phun trào núi lửa Raung đã được ghi nhận và gây ảnh hưởng tới sinh hoạt của người dân tại khu vực phía Đông Banyuwangi.

Bản đồ tương tác trên trang web MAGMA Indonesia cho thấy núi lửa Raung vẫn ở trạng thái cảnh báo hoặc tương đương với cấp độ II. Hoạt động của núi lửa này đã gia tăng đáng kể từ ngày 3/2.

Theo Trung tâm giảm nhẹ thiên tai địa chất và núi lửa (PVMBG), âm thanh từ hoạt động của núi lửa Raung có thể được nghe thấy ở huyện Jember kế bên.

Indonesia nằm trên Vành đai Lửa Thái Bình Dương, một khu vực địa chất rộng lớn không ổn định, nơi xảy ra các vụ va chạm của các mảng kiến tạo được cho là nguyên nhân khiến Indonesia thường xuyên xảy ra động đất và có gần 130 núi lửa đang hoạt động./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục