Báo động về những thách thức đối với ngành dược phẩm Pháp

06:30' - 18/08/2023
BNEWS Để vực ngành công nghiệp dược phẩm, ngoài các nỗ lực “tái chinh phục y tế”, Pháp đang rất cần một chiến lược chung của châu Âu.
Báo Le Monde cho biết tình trạng suy thoái của ngành công nghiệp dược phẩm Pháp diễn ra từ đầu những năm 1990 và càng trở nên nặng nề do những thiếu hụt nguồn cung và khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây nên. Để khắc phục tình trạng này, ngoài các nỗ lực “tái chinh phục y tế”, Pháp đang rất cần một chiến lược chung của châu Âu.

Sau một mùa Đông khan hiếm thuốc, mùa Xuân đã mang lại một chút an ủi cho 21.000 hiệu thuốc ở Pháp. Trên thực tế, paracetamol và amoxicillin đã dần xuất hiện trở lại các quầy hàng, nhưng chúng chỉ là một phần nhỏ của tảng băng chìm che đậy những khó khăn chồng chất trong lĩnh vực này.

 
Năm 2022, hơn 3.500 báo cáo về tình trạng thiếu hàng và căng thẳng nguồn cung đã được gửi đến Cơ quan quốc gia về An toàn dược phẩm và Sản phẩm y tế Pháp. Một con số rất đáng báo động so với 1.500 báo cáo được ghi nhận ba năm trước, mặc dù con số này cũng đủ khiến các chuyên gia y tế “hoảng sợ” vào thời điểm đó. Tuy nhiên, tiếng kêu báo động của các hiệu thuốc vẫn hầu như không gây được sự chú ý đối với các cơ quan chức năng.

Đại dịch COVID-19 đã xuất hiện và hoành hành trong bối cảnh đó. Người dân Pháp bắt đầu nhận ra mức độ mất kiểm soát của đất nước đối với công nghiệp dược phẩm. Từng là quốc gia đứng đầu châu Âu 15 năm trước, Pháp hiện chỉ đứng thứ 5 trong số các nhà sản xuất sản phẩm y tế, tụt xuống sau Thụy Sỹ, Italy, Đức và Anh.

Sự suy thoái của công nghiệp dược phẩm Pháp chính là một phần của sự suy thoái rộng lớn hơn được thấy trên toàn lục địa. Theo điều tra, 40% dược phẩm được bán trên thị trường Liên minh châu Âu (EU) hiện nay đến từ các quốc gia bên ngoài lục địa, trong khi 60 - 80% thành phần dược phẩm hoạt tính được sản xuất ở Trung Quốc và Ấn Độ.

Để đánh giá mức độ thụt lùi này, cần nhìn lại quá trình mà châu Âu và nước Pháp đã trải qua. Đầu những năm 1990, châu Âu luôn là “nhà thuốc” của thế giới. Nhưng rồi vị trí này đã dần bị thách thức bởi Trung Quốc và Ấn Độ, những quốc gia đang tận dụng sự bùng nổ của các loại thành tố gốc để phát triển công nghiệp dược phẩm của mình.

Với chi phí sản xuất cạnh tranh nhất nhờ lực lượng lao động dồi dào và rẻ, cộng với việc không có các ràng buộc về quy định môi trường, hai quốc gia này thu hút được hàng loạt tập đoàn dược phẩm, vốn coi đây là cách tốt để sản xuất các loại thuốc cũ với chi phí thấp hơn.

Những năm 2000, phong trào tái phân bổ sản xuất tăng tốc, Pháp đã để mặc các nhà máy của mình chuyển ra nước ngoài, trong khi chính phủ không có động thái gì. Để có tiền bù đắp cho thâm hụt an sinh xã hội, các cơ quan hữu quan thậm chí còn coi những dịch chuyển này là cơ hội để hạ giá bán hơn nữa.

Chỉ đến khi xảy ra khủng hoảng COVID-19, nhận thức mới thay đổi, ít nhất là trong ý định. Ngày 13/6/2023, Tổng thống Emmanuel Macron đã công bố lộ trình đẩy nhanh chiến lược “tái chinh phục y tế” và ngăn chặn nguy cơ phi công nghiệp hóa đất nước. Trước mắt, việc tái sản xuất khoảng 50 loại thuốc - trong danh sách hơn 450 loại dược phẩm “thiết yếu” - được xác định là đặc biệt dễ bị tổn thương ở cấp độ công nghiệp, sẽ được thực hiện “trong vài tuần tới”.

Được chờ đợi từ lâu, danh sách 450 dược phẩm quan trọng này đã khiến các chuyên gia y tế Pháp không khỏi “giật mình”. Có quá nhiều sản phẩm có cùng công dụng! Hơn nữa, để có hiệu quả, vấn đề quan trọng phải được giải quyết là toàn bộ chuỗi sản xuất, chứ không chỉ một phần của dược phẩm. Nếu không, tình trạng thiếu hụt sẽ không được giải quyết.

Bởi chuỗi sản xuất dược phẩm luôn rất phức tạp và đặc biệt có sự phân mảnh. Hiếm có nhà máy nào tại châu Âu tập hợp tất cả các công đoạn sản xuất trên cùng một địa điểm, thường là ngay trong một quốc gia. Do vậy, việc tái công nghiệp hóa các sản phẩm ghi trong danh sách “thiết yếu” của Pháp là một nhiệm vụ rất khó khăn, và chỉ có thể có ý nghĩa ở cấp độ châu Âu. Tuy nhiên, cho đến nay, toàn bộ 27 nước thành viên EU đã cho thấy rất ít tham vọng trong việc thực hiện một chính sách chung về lĩnh vực này.

Ngoài ra, các nhà sản xuất phải được thuyết phục về lợi ích của việc sản xuất trong nước các loại thuốc đã được cho là bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu hụt và các sản phẩm đổi mới để chuẩn bị cho tương lai. Để làm được điều này, cần có một tầm nhìn nhất quán đối với việc tăng cường đầu tư vào nghiên cứu và cải cách hành chính trong lĩnh vực thương mại dược phẩm.

Theo giới chuyên gia, trong mọi trường hợp, bước đầu của quá trình tái công nghiệp hóa lĩnh vực dược phẩm của Pháp sẽ không mang lại kết quả trong vài năm. Ví dụ, được Tổng thống Macron công bố từ năm 2020, dự án xây dựng một nhà máy paracetamol mới trên đất Pháp, nền tảng đầu tiên của các nỗ lực “tái chinh phục y tế”, sẽ không thể hoạt động trước cuối năm 2025./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục