Báo Đức: Việt Nam là một trong những quốc gia năng động nhất trên thế giới

07:54' - 11/11/2022
BNEWS Việt Nam ngày nay là một trong những quốc gia năng động nhất trên thế giới, với nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp và những người làm việc chăm chỉ.

Báo Thế giới (die Welt) của Đức đã đăng bài viết ca ngợi các chính sách hiệu quả của Việt Nam trong những năm qua - nguyên nhân đã mang lại cho quốc gia Đông Nam Á này một môi trường đầu tư năng động, hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài.

Phóng viên TTXVN tại Đức dẫn bài báo cho biết, nếu vào năm 1993, 80% dân số Việt Nam sống ở mức nghèo, thì đến năm 2020 tỷ lệ này chỉ còn 5%. Điều này có thể thực hiện được là nhờ vào việc cải cách quyền sở hữu tư nhân cũng như những cải cách nền kinh tế thị trường.

 

Bài báo đặt câu hỏi làm thế nào để chống lại đói nghèo một cách hiệu quả? Nhiều người tin vào viện trợ phát triển, nhưng điều đó hầu như không có thay đổi cơ bản ở châu Phi trong 50 năm qua. Điều này cho thấy rõ hiệu quả ở nhiều nước là sự ra đời của nền kinh tế thị trường và khu vực tư nhân phát triển.

Theo bài báo, Việt Nam là ví dụ điển hình về những gì mà việc áp dụng sở hữu tư nhân và cải cách nền kinh tế thị trường có thể đạt được. Vào năm 1990, với Tổng sản phẩm quốc dân (GNP) là 98 USD/đầu người, Việt Nam là nước nghèo nhất thế giới, đứng sau cả Somalia (130 USD) và Sierra Leone (163 USD).

Trong thời kỳ nền kinh tế kế hoạch xã hội chủ nghĩa, mùa màng thất bát dẫn đến đói kém và Việt Nam khi đó phụ thuộc vào sự hỗ trợ của Chương trình Lương thực thế giới (WFP), cũng như sự hỗ trợ từ Liên Xô và các nước khác.

Năm 1993, 80% dân số Việt Nam sống trong cảnh nghèo đói, nhưng đến năm 2006 tỷ lệ này giảm xuống còn 50% và năm 2020 chỉ còn 5%. Thực tế là Việt Nam đã xóa bỏ được tình trạng nghèo đói cùng cực.

Việt Nam ngày nay là một trong những quốc gia năng động nhất trên thế giới, với nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp và những người làm việc chăm chỉ. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam đã tăng gấp 6 lần kể từ khi bắt đầu cải cách.

Từ một đất nước trước đây không thể sản xuất đủ gạo cho người dân, Việt Nam ngày nay đã trở thành một trong những nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, và còn là một trong những nhà xuất hàng khẩu điện tử quan trọng.

Theo bài báo, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI vào tháng 12/1986 đã thông qua đường lối đổi mới và là cơ sở cho tất cả những thay đổi tích cực ở Việt Nam kể từ thời điểm này.

Về cơ bản, những cải cách được quyết định tại Đại hội VI và được phát triển hơn những năm sau đó là việc thúc đẩy thị trường và giảm bớt vai trò của nhà nước, trong đó các thành phần nhà nước, hợp tác xã và tư nhân cùng tồn tại bình đẳng.

Năm 1987, luật đầu tư được thông qua đã đưa ra tín hiệu rõ ràng, đó là Việt Nam muốn mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài, cho phép đầu tư 100% vốn nước ngoài và Việt Nam cũng đảm bảo an toàn cho vốn và tài sản của nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục