Bao giờ khu vực tam nông hết “khát” vốn?

20:34' - 14/05/2018
BNEWS Trong buổi đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với nông dân diễn ra tại Hải Dương mới đây, câu chuyện tiếp cận vốn khu vực tam nông lại một lần nữa được xới lại.
Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Hải Dương tổ chức Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam.Ảnh: TTXVN
Đích thân lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, Phó Thống đốc Đào Minh Tú ngay sau đó đã làm việc cụ thể đối với từng cá nhân có ý kiến tại cuộc đối thoại. Câu chuyện đã ngã ngũ hơn khi hai bên trực tiếp đối thoại, song bài toán vốn cho tam nông dường như vẫn chưa có đáp án thoả lòng nông dân cũng như nhà quản lý.
“Tôi có nhà màn hiện đại nhưng vẫn không thể dùng nhà màn này để thế chấp ngân hàng. Trước đây, đã có lần Thủ tướng hứa sẽ có gói 100.000 tỷ đồng cho nông dân vay phát triển kinh tế nhưng đến nay vẫn chưa thấy vốn rót về. Vậy Thủ tướng có thể cho biết, bao giờ chúng tôi sẽ được tiếp cận với gói tín dụng này?”. Đây là câu hỏi của ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An Mỹ Bình, tỉnh Long An và Công ty TNHH Huy Long An Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.
Phản ánh không tiếp cận được với vốn tín dụng, ông Tô Hiến Thành, Giám đốc HTX Trường Thành tại Bắc Giang cũng bày tỏ băn khoăn, Chính phủ có chính sách gì hỗ trợ giảm lãi suất cho vay nông nghiệp và có giải pháp gì để ngăn chặn tình trạng tín dụng "đen" đang hoành hành ở nông thôn?
Trong buổi làm việc với Phó Thống đốc Đào Minh Tú sau đó, ông Võ Quan Huy chia sẻ thêm, để tìm kiếm nguồn vốn cho lĩnh vực nuôi tôm hiện nay rất khó khăn và nhiều người phải tìm tới phương thức hợp tác với các đại lý vật tư để làm hạ tầng nuôi tôm nhưng phải chịu lãi suất rất cao.
Ông Huy cũng đề xuất Ngân hàng Nhà nước và các ngành liên quan hỗ trợ cho việc thẩm định cho vay của ngân hàng tốt hơn và có cơ chế pháp lý bảo vệ các cán bộ ngân hàng giúp mạnh dạn hơn trong quá trình cho vay vốn.
Giải đáp thắc mắc của ông Huy liên quan đến một số doanh nghiệp nuôi tôm công nghệ cao chưa được tiếp cận khoản vay ưu đãi đối với doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, các doanh nghiệp chưa được cấp giấy chứng nhận loại hình doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao thì chưa được tiếp cận khoản vay ưu đãi đối với doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Những băn khoăn trên của ông Huy, ông Thành không phải là vấn đề mới. Tại nhiều vùng nông thôn, bên cạnh những trường hợp “đổi đời” nhờ vốn ngân hàng thì vẫn còn không ít những hộ dân than khó tiếp cận với vốn rẻ. Và mấu chốt của câu chuyện này nằm ở yếu tố pháp lý.
Anh Trịnh Văn Mạnh, một nông dân ở Nam Định muốn vay 500 triệu đồng để phát triển mô hình trang trại. Tuy nhiên anh Mạnh gặp khó ngay từ bước đầu tiên khi mảnh vườn của anh không có giá trị pháp lý. Chưa kể anh Mạnh không có khả năng chứng minh được mô hình làm ăn của mình hiệu quả ra sao.
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, việc khó tiếp cận vốn xuất phát từ vấn đề đất sản xuất hiện nay của khách hàng chưa đảm bảo yếu tố pháp lý. Nếu làm không đúng nguyên tắc pháp lý của Nhà nước dễ dẫn tới thất thoát vốn của ngân hàng thương mại.
Phó Thống đốc dẫn chứng, theo Thông tư 39/2016/TT-NHNN, tài sản thế chấp không phải là điều kiện duy nhất để cho vay mà các tổ chức tín dụng còn dựa trên cơ sở quản lý dòng tiền. Theo đó, các ngân hàng sẽ căn cứ vào các dự án của khách hàng có khả thi, hiệu quả không và dòng tiền có tốt không để xem xét cho vay.
“Các ngân hàng thương mại có cho vay hay không thì cũng với mục tiêu duy nhất nhằm đảm bảo yêu cầu quản lý dư nợ đó có thu hồi nợ được không. Vì ngân hàng hoạt động trung gian huy động tiền của người dân rồi cho vay nên ngân hàng phải có trách nhiệm bảo toàn nguồn vốn”, Phó Thống đốc khẳng định.
Thực tế thời gian qua, câu chuyện vốn cho nông nghiệp nông thôn luôn được "ưu ái” với một lượng vốn lớn. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tổng dư nợ lĩnh vực này đến nay đạt 1.350.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 22% tổng dư nợ đối với nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng tín dụng dành cho nông nghiệp, nông thôn luôn cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế. Năm 2017 tín dụng chung của cả nền kinh tế tăng 18,17% nhưng riêng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 25%.
Một trong những ngân hàng tiên phong đồng hành với nông dân phải kể đến Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank). Đây là ngân hàng thương mại có mạng lưới phủ sóng rộng khắp cả nước với 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch. Dư nợ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của ngân hàng này cũng đạt con số ấn tượng với tỷ trọng 73,6% và chiếm 51% thị phần tín dụng toàn ngành ngân hàng trong lĩnh vực này.
Tiên phong thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, Agribank hiện triển khai 7 chương trình tín dụng chính sách và 2 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững, cung ứng trên 200 sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiện ích, có đóng góp tích cực phát triển thị trường thanh toán không dùng tiền mặt, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế, đặc biệt là ở khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho hay, hiện Ngân hàng Nhà nước đang giao Agribank thí điểm thực hiện loại hình tín dụng lưu động với mô hình điểm giao dịch ngân hàng lưu động được tích hợp trên xe ô tô chuyên dụng kết nối công nghệ hiện đại. Ngân hàng lưu động của Agribank có đầy đủ chức năng của một phòng giao dịch, cung cấp hầu hết các sản phẩm dịch vụ như: nhận gửi tiền, rút tiền gửi không kỳ hạn; tiền gửi tiết kiệm bằng đồng Việt Nam của cá nhân và các hình thức huy động vốn khác theo quy định của Agribank áp dụng cho điểm giao dịch lưu động; tư vấn tín dụng, tiếp nhận và hướng dẫn hồ sơ vay vốn của khách hàng trên địa bàn; cho vay cầm cố sổ tiết kiệm do Agribank phát hành và nhiều tiện ích khác… Các ngân hàng lưu động này sẽ xuống tận địa bàn xã, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa, cho vay trực tiếp ngay tại các xã, khách hàng không phải về huyện, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận với nguồn vốn tín dụng của ngân hàng.
Liên quan đến vấn đề tín dụng đen, Phó Thống đốc Đào Minh Tú thừa nhận vẫn còn diễn ra, nhưng không phải là do ngân hàng không có vốn, không phải vì ngân hàng không đủ mạng lưới nên dẫn tới tín dụng đen. Hiện hệ thống các tổ chức tín dụng đã phủ xuống tới tận xã, thôn là Ngân hàng Chính sách Xã hội, quỹ tín dụng nhân dân, tài chính vi mô hay Agribank đã về tận huyện và đang triển khai mô hình ngân hàng lưu đông tại xã.
Phó Thống đốc cũng khẳng định, thực tế thanh khoản hệ thống ngân hàng rất tốt chứ không thiếu vốn. Vấn đề quan trọng là tiếp cận giữa người vay với ngân hàng, khách hàng đi vay đã minh bạch trong tài sản, minh bạch trong dự án hay chưa.
Nông dân cần vốn nhưng không đủ yếu tố pháp lý để vay. Ngân hàng có vốn nhưng không thể giải ngân tuỳ tiện. Đó vẫn là một phép toán khó!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục