Bảo hiểm Agribank nỗ lực giúp nông dân tiếp cận các sản phẩm bảo hiểm

15:53' - 14/02/2025
BNEWS Đại diện Bảo hiểm Agribank cũng nhấn mạnh, phát triển các hoạt động bảo hiểm vào khu vực nông nghiệp - nông dân - nông thôn cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, doanh nghiệp, các HTX và nhà nông.

Phát biểu tại Hội nghị thu hút đầu tư, ứng dụng công nghệ chuyển đổi số và chuyển đổi xanh nhằm thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hecta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại thành phố Cần Thơ ngày 14/2, ông Đỗ Minh Hoàng - Thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (Bảo hiểm Agribank - ABIC) cho biết, việc ứng dụng công nghệ số để dự báo rủi ro, tính toán bồi thường minh bạch và nhanh chóng là chiến lược Bảo hiểm Agribank đang nỗ lực đẩy mạnh nhằm giúp nông dân tiếp cận thông tin bảo hiểm và thực hiện các thủ tục dễ dàng hơn. 

Theo ông Đỗ Minh Hoàng, thời gian qua, Bảo hiểm Agribank được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn tham gia chuỗi liên kết sản xuất phục vụ các đề án trọng điểm Quốc gia như: Đề án 5 vùng trồng nguyên liệu, Đề án Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao…, Bảo hiểm Agribank đã thuyết phục các nhà Tái bảo hiểm quay trở lại đầu tư vốn tại thị trường Việt Nam và tập trung cung cấp các sản phẩm bảo vệ toàn diện để góp sức cho các Đề án đi vào thực tiễn thành công. 

Theo đó, Bảo hiểm Agribank tập trung nguồn lực để cùng với Agribank và các đối tác tái bảo hiểm quốc tế xây dựng các gói sản phẩm bảo hiểm có thể tích hợp được với các sản phẩm của các đối tác khác trong chuỗi liên kết (ngân hàng, nhà cung ứng vật tư, nhà xuất khập khẩu…) để bảo vệ toàn diện các yếu tố trong sản xuất nông nghiệp.

Cụ thể: Bảo hiểm cho tính mạng, sức khỏe của người lao động; Bảo hiểm cho các đối tượng của sản xuất nông nghiệp (thiệt hại cây lúa, cây ăn quả, cây công nghiệp, trâu bò…); Bảo hiểm cho nhà xưởng, kho bãi, thiết bị sản xuất, máy nông nghiệp, nhà kính và hệ thống tưới tiêu; Bảo hiểm thiệt hại nhà tư nhân; Bảo hiểm an toàn giao dịch trên môi trường mạng…

Cùng với đó, tăng cường hợp tác với các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể để tuyên truyền nâng cao nhận thức của hộ nông dân và triển khai bảo hiểm; Phối hợp chặt chẽ với các đối tác công nghệ tham gia chuỗi liên kết để đầu tư phát triển các ứng dụng công nghệ, các giải pháp chuyển đổi số quy trình tác nghiệp trong hoạt động kinh doanh, đặc biệt các giải pháp số phục vụ cho đánh giá rủi ro trước khi cấp hợp đồng bảo, qua đó góp phần bảo vệ tài chính trong liên kết chuỗi giá trị được bền vững.

Đại diện Bảo hiểm Agribank cũng nhấn mạnh, phát triển các hoạt động bảo hiểm vào khu vực nông nghiệp - nông dân - nông thôn cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, doanh nghiệp, các HTX và nhà nông. Trong đó, Nhà nước cần đóng vai trò dẫn dắt và định hướng cho người nông dân trong việc mua bảo hiểm nhằm mục tiêu đảm bảo sự phát triển bền vững của người dân làm việc trong khu vực sản xuất nông nghiệp.

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất lúa gạo trọng điểm của Việt Nam, đóng góp quan trọng vào an ninh lương thực và xuất khẩu gạo trên thế giới. Tuy nhiên, khu vực này đang đối mặt với nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, suy thoái tài nguyên, gia tăng chi phí sản xuất. Do đó, rất cần thiết sự đồng hành của bảo hiểm.

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao được hình thành nhằm phát triển nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng bền vững, thuận thiên, nâng cao thu nhập cho người trồng lúa. Đồng thời, tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi ngành hàng lúa gạo, nâng cao giá trị gia tăng trong toàn chuỗi, áp dụng các quy trình canh tác bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính. Thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 có 2 triệu hộ nông dân trồng lúa ở 1.230 hợp tác xã, tổ hợp tác và 210 doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo tham gia. 

Kể từ khi thành lập năm 2006, Bảo hiểm Agribank- đơn vị thành viên của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam (Agribank) được giao nhiệm vụ chủ yếu là tập trung mọi nguồn lực, khai thác lợi thế thương mại của hệ sinh thái Agribank phát triển các hoạt động kinh doanh bảo hiểm dưới hình thức thương mại vào khu vực Tam nông. Hiện nay, ABIC đang cung cấp hơn 100 sản phẩm bảo hiểm vào khu vực Tam nông với doanh thu phí bảo hiểm đạt hơn 2.000 tỷ đồng/năm, đối tượng khách hàng chủ yếu là 3 triệu hộ nông dân, chiếm 95% khách hàng của ABIC. Hàng năm, Bảo hiểm Agribank chi trả hơn 700 tỷ đồng cho các hộ nông dân bị tổn thất do thiên tai rủi ro gây nên. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục