Báo Nga: 40% người dân không có khả năng thích ứng với khủng hoảng

06:30' - 14/03/2018
BNEWS Báo Vedomosti (Nga) số ra ngày 8/3 có bài viết cho hay gần 40% người Nga không có đủ nguồn lực để thích ứng với khủng hoảng.
Kinh tế là một trong những bài toán khó đối với chính phủ của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AFP/TTXVN

Đây là kết quả của một cuộc khảo sát tiến hành vào năm 2017 với 3000 người, do các nhà phân tích thuộc Viện kinh tế và quản lý hành chính Liên bang Nga thực hiện. 

Nhà nghiên cứu phát triển xã hội thuộc Viện kinh tế và quản lý hành chính Liên bang Nga Dmitry Loginov cho hay những người này vẫn đang phải đối mặt với những rủi ro, tức là nếu tình trạng kinh tế không khả quan hơn, phúc lợi xã hội của họ sẽ tiếp tục xấu đi, nghèo đói sẽ mở rộng.

Trước hết, số những người này là người cao tuổi, sống ở các làng mạc và thành phố nhỏ, những người không có trình độ học vấn cao, là công nhân ở các trình độ khác nhau, lao động chân tay, những người thất nghiệp. Cuộc khủng hoảng đã ảnh hưởng đến phúc lợi của gần một nửa trong số họ.

 Các chuyên gia của Viện đã chỉ ra rằng các nguồn lực để vượt qua khủng hoảng chỉ có thể là thu nhập, tiết kiệm, giáo dục nghề nghiệp hoặc các mối quan hệ xã hội.

Nhưng chỉ có 20,4% số người Nga sử dụng các yếu tố trên một cách đầy đủ: Theo nguyên tắc, họ dưới 45 tuổi, có trình độ học vấn cao, sống ở các thành phố vừa hoặc lớn và làm các công việc quản lý hay các chuyên gia có trình độ cao. Tài sản của 68% trong số đó không bị nghèo đi, còn 31%  thậm chí giàu lên. 

Theo các nhà phân tích của Fitch thì trong khủng hoảng, người Nga đã nghèo đi một cách rõ nét: thu nhập của họ giảm trong 4 năm liên tiếp, kể từ năm 2013 là 11%.

Giám đốc chương trình của Viện kinh tế và quản lý hành chính Liên bang Nga Tatyana Maleva cho biết năm 2017, thu nhập của người dân đã giảm ở 75% các khu vực của Nga, còn các vùng còn lại là những vùng kém phát triển, nơi người dân chủ yếu sống bằng ngân sách nhà nước. 

Mức độ nghèo đói của Nga tăng từ 10,7% trong năm 2012 lên 13,8% vào tháng 9/2017. Nghèo đói, lương thấp, thu nhập giảm vào năm 2017 xếp đầu trong danh sách các vấn đề của người Nga. 

 Cuộc thăm dò cũng cho biết 37% số người Nga trong từ 2-3 năm gần đây thậm chí còn không cố gắng để thích ứng với khủng hoảng, một số ít thì có tình trạng kinh tế suy kiệt, nhưng phần lớn là không có đủ nguồn lực để thích ứng với khủng hoảng. Các tác giả của cuộc thăm dò cho biết số người này đã bắt đầu phải đi vay nợ. 

 Vào mùa Thu năm 2017, tỷ lệ người Nga vay mượn ở người thân, bạn bè đã tăng từ 40% đến 60%, còn những người mua hàng bằng tín dụng cũng tăng từ 12% lên 22%. Theo số liệu của Ngân hàng trung ương Nga (BoR), trong cả năm 2017, tỷ lệ người dân đi vay từ các ngân hàng đã tăng 13,2%, vượt xa mức tăng trưởng tiền gửi.

 Ông Loginov cho rằng rõ ràng việc vay tiền trong thời kỳ khủng hoảng là một chiến lược không mấy tích cực, không phải là sự phát triển mà là sự sống còn. Khác với đi vay trong thời kỳ phục hồi kinh tế, ví dụ như trong giai đoạn phát triển kinh doanh.

 Những người Nga còn lại thì cố gắng tìm cách khác, ví dụ như đầu tư nhiều hơn và tiết kiệm hơn. Ban đầu mọi người tiết kiệm, mua các sản phẩm hoặc quần áo rẻ tiền hơn hoặc từ bỏ hoàn toàn việc mua sắm hàng hóa và dịch vụ, nhưng chiến lược này cũng không mấy hiệu quả và bắt đầu chuyển sang chiến lược tích cực hơn như tìm kiếm việc làm thứ hai, tìm công việc có lương cao hơn, làm kinh doanh. 

Các chuyên gia của Trường kinh tế cao cấp cho biết tỷ lệ các hộ gia đình chọn phương án trên tăng từ 16% cùng kỳ năm ngoái lên 25%.

 Các công nhân Nga đang cố gắng tăng thu nhập của họ bằng cách làm thêm giờ và làm thêm việc, nhưng chỉ có những nhân viên có tay nghề cao mới có được những lợi ích tài chính nhất định. Những người dưới 40 tuổi có trình độ cao thì thường thay đổi công việc hoặc đổi tình trạng chuyên môn. 

 Báo cáo khảo sát điều tra trên cũng cho biết những người Nga có nguồn tài chính đảm bảo với trình độ giáo dục cao còn có một chiến lược chống chọi với khủng hoảng - đó là di cư. Nhưng thực sự chiến lược này là không phổ biến.

 Tổng thể thì chỉ có 29% số người Nga cố gắng thích nghi với khủng hoảng. Còn 23% người Nga thì ngoài việc làm chính còn phải làm thêm bán thời gian. Đặc biệt, nhiều người sống ở các làng mạc đang ngày càng làm kinh tế cá nhân nhiều hơn như trồng rau quả, chăn nuôi gia cầm trên mảnh đất của họ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục