Báo Trung Quốc: Trung Quốc và Mỹ sẽ phối hợp nhiều hơn là đấu tranh

06:30' - 04/03/2018
BNEWS Trang mạng chinausfocus.com đăng bài phân tích của ông Ma Shikun, phóng viên tờ Nhân dân Nhật báo Trung Quốc. Theo tác giả, hai siêu cường Trung Quốc và Mỹ sẽ phối hợp với nhau nhiều hơn là đấu tranh.
Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì bắt tay với Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson ở Washington, DC ngày 8/2. Ảnh: AFP/TTXVN

Việc hai bên Mỹ - Trung có biện pháp khôn ngoan, khách quan phục vụ lợi ích của nhau là rất cần thiết. Đáng tiếc là Tổng thống Donald Trump đã có một số nhận xét đáng lo ngại.

Thâm hụt thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn là mối quan tâm của Tổng thống Donald Trump và ông cho rằng thâm hụt là do những hoạt động thương mại gian lận của Trung Quốc. Nhưng trước hết, theo Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các hoạt động thương mại của Trung Quốc là phù hợp với quy định của WTO.

Hầu hết các đối tác Trung Quốc cũng có quan điểm như thế. Quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại mang lại lợi ích cho cả Trung Quốc và Mỹ. Nếu không, tại sao thương mại gia tăng từ 4,8 tỷ USD năm 1980 lên 570 tỷ USD năm 2017?

Thứ hai, đúng là thâm hụt thương mại là quan trọng nhưng không phải là Mỹ đang bị lợi dụng trong khi Trung Quốc có lợi hoàn toàn. Trên thực tế, nhiều công ty Mỹ có lợi ở Trung Quốc. Lấy Iphones làm ví dụ.

Sau khi thiết kế hoàn tất ở Mỹ, các linh kiện từ Nhật Bản và Vùng lãnh thổ Đài Loan sẽ được chuyển về các nhà máy ở Trung Quốc lục địa để lắp ráp, sau đó được vận chuyển và bán trên toàn cầu. 60% lợi nhuận đổ về cho các nhà thiết kế ở Mỹ, 30% đổ về cho các nhà cung cấp linh kiện và 10% cho các nhà máy lắp ráp ở Trung Quốc.

Thứ ba, Mỹ nhấn mạnh tính cẩn trọng và vấn đề an ninh quốc gia khi giao dịch với Trung Quốc và áp đặt lệnh cấm đối với các sản phẩm công nghệ cao. Nhưng Bắc Kinh đã có khả năng sản xuất một số sản phẩm công nghệ cao và năng lực của Trung Quốc về lĩnh vực này đang gia tăng. Những lệnh cấm này chỉ làm tăng thêm thâm hụt thương mại.

Với tư cách là siêu cường công nghiệp trên thế giới, Mỹ chỉ xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc trị giá 130 tỷ USD năm 2017, so với 140 tỷ USD sang Hàn Quốc. Trung Quốc hoan nghênh nhiều hàng hóa sản xuất tại Mỹ miễn là Mỹ cho phép điều đó.

Đồng thời, Mỹ vẫn có thâm hụt thương mại với các đối tác khác như Nhật Bản, Đức, CanadaMexico. Năm 2017, thâm hụt thương mại giữa Mỹ với Mexico ở mức 71 tỷ USD. Theo các số liệu của Bộ Thương mại Mỹ, tổng thâm hụt thương mại của Mỹ năm 2017 là 810 tỷ USD, có nghĩa là Mỹ cần cải thiện cơ cấu công nghiệp nội địa và chính sách thương mại.

Về quan hệ với Bắc Kinh, Washington nên giảm bớt những hạn chế không cần thiết liên quan lĩnh vực "an ninh quốc gia" và xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều hơn nữa thay vì dựa vào rào cản thương mại nhằm giảm xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ.

Trung Quốc cũng không muốn thâm hụt thương mại với Mỹ. Cuối cùng, hàng đống dự trữ nước ngoài dưới dạng đồng USD lại được dự trữ ở các ngân hàng Mỹ và được Chính phủ Mỹ sử dụng.

Phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson gần đây lại có điểm khác biệt. Trước chuyến thăm tới khu vực Mỹ Latinh, ông Tilleson phát biểu rằng các nước Mỹ Latinh phụ thuộc quá nhiều vào quan hệ thương mại với Trung Quốc và "Mỹ Latinh không cần một đế chế mới vốn chỉ tìm cách kiếm lời cho người dân của chính họ".

Trung Quốc kêu gọi thương mại tự do và bình đẳng với Mỹ Latinh và sự phối hợp hai bên cùng có lợi trên quan điểm bàn bạc, cùng phát triển, chia sẻ lợi nhuận vô điều kiện.

Năm 2017, thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ Latinh đạt 260 tỷ USD, khiến Trung Quốc trở thành đối tác lớn thứ hai của khu vực. Chỉ số đầu tư đạt 200 tỷ USD./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục