Vì sao EU không hài lòng trước đối tác thương mại Trung Quốc?

06:30' - 02/03/2018
BNEWS Trang mạng Euractive đăng bài của nhà báo Đức Wolf Achim Wiegand, cố vấn tại Ủy ban Liên bang và thành viên đảng ALDE, khẳng định EU ngày càng không hài lòng với chính sách thương mại Trung Quốc.
Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: THX/TTXVN

Câu hỏi đặt ra là Liên minh châu Âu (EU) làm thế nào để có thể chế ngự được một đối tác thương mại không muốn tuân theo các quy tắc đã được các bên nhất trí và không từ bất kỳ điều gì chỉ để giành được tất cả các lợi ích. Ông Wiegand cho rằng đáp án chính xác nhất phụ thuộc vào chương trình nghị sự của các quan chức cao cấp thuộc Ủy ban châu Âu. 

Trung Quốc hiện đã đánh mất sự “cảm thông” từng có của châu Âu bởi những hành động hung hăng và không công bằng. Đó là nguyên nhân tại sao Chính phủ Đức đang hối thúc EU áp đặt các quy định chặt chẽ hơn đối với các nhà đầu tư Trung Quốc.

Ngày 21/2, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã không ngần ngại nhắc nhở đích danh Trung Quốc rằng không nên gắn liền các khoản đầu tư vào các nước châu Âu với những yêu sách chính trị.

Trong một cuộc họp báo chung tại Berlin với Thủ tướng Macedonia Zoran Zaev, bà Angela Merkel xác định rõ: “Tôi không phản đối việc Trung Quốc muốn thúc đẩy thương mại và đầu tư. Chúng ta gắn bó với thương mại tự do nhưng phải trên cơ sở có đi có lại”.

Đối với Thủ tướng Đức, thái độ cởi mở, thông thoáng về mặt thương mại không thể chỉ một chiều, mà phải đến từ mọi phía. Và người lãnh đạo một trong hai đầu tầu của châu Âu nhắc nhở: “Câu hỏi đặt ra là các quan hệ kinh tế có bị gắn liền với các vấn đề chính trị hay không? vì nếu như vậy, bà Merkel nhấn mạnh: “Điều đó không nằm trong tinh thần tự do thương mại”.

Lý do khiến EU thất vọng là vì Trung Quốc không ngừng củng cố “đế chế” riêng của mình trên thế giới và có lẽ không còn quan tâm đến các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Danh sách các cáo buộc liên quan đến vấn đề này đối với Trung Quốc rất dài, trong đó có việc bán phá giá các mặt hàng được nhà nước trợ cấp và không cung cấp cơ hội cạnh tranh công bằng đối với các công ty nước ngoài tìm kiếm cơ hội tại Trung Quốc, hay hạn chế các nhà đầu tư thành lập các công ty liên doanh…

Không chỉ vậy, giới chỉ trích còn chỉ ra rằng Trung Quốc muốn khai thác các bí quyết công nghệ hay chiếm các vị trí chiến lược thông qua việc thâu tóm các công ty chiến lược của EU, ví dụ như Volvo tại Thụy Điển hay cảng Piraeus của Hy Lạp... Thậm chí một nhà máy rượu vang tại Moselle ở Đức cũng rơi vào tay của người Trung Quốc.

Một nghiên cứu gần đây của Viện Chính sách Công Toàn cầu (GPPI) và Viện Nghiên cứu Mercator về Trung Quốc (MERICS) ở Berlin đã dẫn lại những khiếu nại về việc bán rẻ các công ty cho phía Trung Quốc một cách không công bằng.

Các tác giả của nghiên cứu cho rằng "châu Âu phải ngay lập tức phản đối hành động độc đoán này của Trung Quốc". Theo nghiên cứu, EU và các chính phủ thành viên đã không phân tích đầy đủ các hậu quả từ toan tính thâu tóm của Trung Quốc và xây dựng một chiến lược đối phó phù hợp.

Gần đây Trung Quốc còn tìm cách chia rẽ châu Âu. Cuối năm ngoái Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã gặp các nhà lãnh đạo 16 nước Đông Âu, Trung và Đông Nam Âu (bao gồm 5 nước không thuộc EU) trong khuôn khổ "Hội nghị 16+1" tại Budapest (Hungary).

Sylvie Kauffmann, tác giả bài báo trên Le Monde, khẳng định chiến lược của Trung Quốc đương nhiên thành công ở các nước nhỏ và bấp bênh, đặc biệt ở Đông Âu hơn là tại các nước phát triển mạnh. Điều này cũng tạo cơ hội để Trung Quốc chia rẽ châu Âu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục