Tăng trưởng xanh: Cần cơ chế chính sách và cách tiếp cận phù hợp

14:43' - 02/10/2023
BNEWS Với vai trò là cơ quan đầu mối quốc gia về tăng trưởng xanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tập trung triển khai kế hoạch hành động.

Hiện thực hóa mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế, các bộ, ngành, doanh nghiệp trong cả nước đang tập trung thúc đẩy chuyển đổi đầu tư, xây dựng các dự án, công trình theo hướng xanh hóa với phương châm “phát triển kinh tế gắn chặt với bảo vệ môi trường”. Phóng viên TTXVN đã trao đổi với lãnh đạo các bộ ngành và doanh nghiệp xung quanh nội dung này.

* Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc:

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang khẩn trương hoàn thiện để trình cấp có thẩm quyền xây dựng Bộ tiêu chí khoa học về phân loại xanh quốc gia, đảm bảo hài hòa với thông lệ quốc tế. Bộ tiêu chí sẽ là cơ sở để các bộ, ngành, địa phương lựa chọn dự án đầu tư và phân bổ nguồn lực. Các nhà đầu tư có thể đối chiếu các tiêu chí để tiếp cận các chính sách ưu đãi, cũng như nguồn lực tài chính xanh từ các tổ chức.

 

Với vai trò là cơ quan đầu mối quốc gia về tăng trưởng xanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tập trung triển khai kế hoạch hành động. Hiện các bộ, ngành, đặc biệt là địa phương đã triển khai rất mạnh mẽ trên các nhóm hành động cụ thể như: triển khai các nhiệm vụ, hoạt động để thúc đẩy chuyển dịch năng lượng xanh, sạch, bền vững và tăng cường quản lý, phát triển các khu, cụm công nghiệp; chuyển đổi phương tiện xe buýt thường sang xe buýt điện.

Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đàm phán triển khai các cơ chế mới để huy động nguồn lực từ bên ngoài; tăng cường hợp tác quốc tế để trao đổi kinh nghiệm trong việc thúc đẩy tăng trưởng xanh.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cụ thể hóa ba nhóm nhiệm vụ, giải pháp mang tính cốt lõi nhất. Đó là việc xây chính sách, công cụ để huy động nguồn lực tài chính và tạo môi trường đầu tư kinh doanh để cho phát triển tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Đặc biệt trong các chính sách này phải gắn kết vai trò kinh tế tư nhân trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh.

Tiếp đến, tăng trưởng xanh phải được cụ thể hóa bằng các chương trình, dự án cụ thể và tập trung vào các lĩnh vực mang tính đột phá như sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; đẩy nhanh việc chuyển đổi sang năng lượng sạch và chấm dứt sản xuất phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch; phát triển các công trình xanh, công trình giảm phát thải carbon bằng không và các loại vật liệu xây dựng tái chế; quản lý chất thải. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang xây dựng danh mục các nhiệm vụ, dự án xanh, tăng trưởng xanh trọng điểm cho giai đoạn tới.

Về cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư hiện nay, Việt Nam đang tiếp cận trên cơ sở các ngành, lĩnh vực, địa bàn. Tuy nhiên, các chính sách này đã được thực hiện trong thời gian dài và hiện Việt Nam đang nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách với cách tiếp cận phù hợp với Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế.

Cuối cùng, việc huy động nguồn lực đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch huy động nguồn lực tài chính từ các tổ chức quốc tế, các tổ chức song phương, đa phương. Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn đang nghiên cứu xây dựng, thiết lập Hệ thống đo lường, giám sát và báo cáo trong quá trình triển khai kế hoạch…

* Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn:

Công trình xanh được phát triển trên thế giới từ những năm 1990 và dần trở thành phong trào, là xu hướng đầu tư xây dựng và quản lý vận hành của các công trình ở trên 100 quốc gia, vùng lãnh thổ. Ở Việt Nam, các công trình xanh xuất hiện đầu tiên vào khoảng giai đoạn những năm 2005-2010.

Số lượng công trình xanh của Việt Nam hiện mới đạt khoảng 300 công trình với tổng diện tích  khoảng 7,2 triệu m2 sàn xây dựng. Con số này quá khiêm tốn so với số lượng công trình được xây dựng, đưa vào hoạt động và so với tiềm năng cũng như yêu cầu về sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa có công trình nào được thiết kế, xây dựng, quản lý vận hành đạt tiêu chí Net-Zero. Điều này đang đặt ra thách thức lớn đối với Việt Nam để đạt mục tiêu cam kết vào năm 2050.

Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức toàn cầu về sự cạn kiệt của nguồn năng lượng hóa thạch, tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, sự gia tăng chất thải và ô nhiễm môi trường do các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, phương tiện giao thông, tiêu dùng…

Cùng với xu hướng chuyển đổi xanh của thế giới, sau Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26), nhiều doanh nghiệp, chủ đầu tư trong lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam đã lên kế hoạch triển khai với nhiều giải pháp cụ thể để phát triển theo hướng xanh, phát thải thấp và tiến tới trung hòa carbon như mục tiêu đến 2050 mà Chính phủ đã cam kết.

Thế nhưng, để thực hiện những mục tiêu này vẫn còn nhiều thách thức, đòi hỏi nỗ lực quyết tâm và hành động cụ thể, thiết thực, hiệu quả của tất cả các bên liên quan. Thời gian tới, việc phát triển công trình hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, công trình xanh, công trình tự cân bằng năng lượng, công trình phát thải dòng bằng không chính là một trong những ưu tiên.

Cụ thể là sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả; ưu tiên sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, có mức phát thải thấp và các thiết bị, công nghệ có hiệu suất năng lượng cao trong công trình xây dựng.

* Ông Đặng Thanh Hải, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV):

Trong chiến lược phát triển bền vững, TKV luôn xác định rõ: “Từ tài nguyên và nguồn nhân lực đi lên giàu mạnh, hài hoà với môi trường, hài hoà với địa phương và cộng đồng”; phát triển sản xuất, kinh doanh phải gắn liền với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững theo hướng kinh tế xanh.

Tập đoàn đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm bảo vệ môi trường cũng như giảm thiểu tác động môi trường trong quá trình sản xuất kinh doanh. Hằng năm, TKV đều dành kinh phí cho bảo vệ môi trường trong toàn Tập đoàn, đặc biệt là vùng mỏ Quảng Ninh.

Hiện TKV đang vận hành 36 hệ thống quan trắc môi trường tự động; 2 hệ thống quan trắc môi trường khí thải nhà máy nhiệt điện đảm bảo quy định và 2 công trình giảm thiểu bụi, ồn… Đồng thời, duy trì vận hành có hiệu quả các công trình môi trường đã đầu tư, tiếp tục đầu tư khởi công mới công trình môi trường, nhất là các công trình cải thiện môi trường cảnh quan các mặt bằng sản xuất.

TKV đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị rà soát, đầu tư xây dựng nâng công suất các trạm xử lý nước thải mỏ; đầu tư máy phun sương dập bụi cao áp; xây dựng các trạm rửa xe trước khi ra khỏi mỏ…

Ðặc biệt hướng tới phát triển kinh tế tuần hoàn, TKV đang tái sử dụng đất đá thải mỏ phục vụ san lấp mặt bằng các dự án, góp phần giảm áp lực độ cao, bảo đảm an toàn cho các bãi thải. Bên cạnh đó, tiếp tục trồng cây phủ xanh các khai trường, theo kế hoạch năm 2023, Tập đoàn sẽ thực hiện trồng 1,2 triệu cây xanh trên diện tích 225 ha; trong đó, tại Quảng Ninh trên 1 triệu cây, tương đương 210 ha, tiếp tục xây dựng mô hình "mỏ xanh, mỏ hiện đại, mỏ sản lượng cao" và thực hiện mục tiêu "đưa công viên vào trong mỏ, nhà máy".

Với những giải pháp phù hợp và nỗ lực vì mục tiêu tăng trưởng xanh, TKV đã bước đầu khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường do quá trình khai thác khoáng sản trước đây để lại và xử lý, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường mới phát sinh.

Đồng thời, chủ động ứng dụng công nghệ hiện đại vào quản lý, nâng cao năng lực sản xuất phát triển hài hòa với môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, phù hợp với xu thế phát triển bền vững của ngành công nghiệp khai khoáng./.

>>> Bảo vệ môi trường trước "ngã rẽ" tăng trưởng - Bài 1: Hướng đi đúng để phục hồi

>>> Bảo vệ môi trường trước "ngã rẽ" tăng trưởng - Bài 2: Cái giá phải trả cho cơn lốc đô thị hóa

>>> Bảo vệ môi trường trước "ngã rẽ" tăng trưởng - Bài 3: "Mạnh tay" loại dự án có nguy cơ ô nhiễm

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục