"Mạnh tay" loại dự án có nguy cơ ô nhiễm

14:42' - 02/10/2023
BNEWS Hưng Yên đang "mạnh tay" loại bỏ các dự án có nguy cơ ô nhiễm nhằm cải thiện môi trường và phát triển các khu công nghiệp xanh mang tính bền vững.

Trong xu thế công nghiệp 4.0 hiện nay, nhiều địa phương trên cả nước đã chọn xu hướng xây dựng các khu công nghiệp xanh. Việc này giúp cải thiện môi trường và phát triển cộng đồng hơn về tính bền vững; đồng thời, cũng mang lại nhiều lợi ích cho chính doanh nghiệp.

Hướng tới mục tiêu xây dựng các khu công nghiệp sinh thái, các nhà máy xanh, nhiều địa phương đã xây dựng cơ chế ưu đãi với các doanh nghiệp bảo vệ môi trường. Đồng thời, từ chối những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm vì mục tiêu phát triển bền vững. Và Hưng Yên là một trong những địa phương như vậy.

* Xử lý chất thải đảm bảo quy chuẩn

Là một trong những khu công nghiệp lớn của tỉnh Hưng Yên, Khu công nghiệp Dệt may Phố Nối có 56 doanh nghiệp, đơn vị đang hoạt động. Tại đây đang thu gom nước thải phát sinh tại 50 đơn vị, 6 đơn vị đang triển khai đầu tư xây dựng nhà máy chưa đi vào hoạt động chính thức nên chưa phát sinh chất thải. Tổng lưu lượng nước thải phát sinh hàng ngày trong khu công nghiệp dệt may Phố Nối từ 6.000 - 12.000 m3/ngày đêm. Khi lưu lượng nước thải của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp chuyển về nhà máy xử lý nước thải ổn định trong khoảng 10.000 m3/ngày đêm thì Nhà máy xử lý nước thải số 1 sẽ hoạt động ổn định, nước thải sau xử lý đảm bảo yêu cầu.

 

Theo ông Trần Đăng Anh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hưng Yên, có thời điểm Nhà máy xử lý nước thải số 1 của Khu công nghiệp dệt may Phố Nối phải tiếp nhận cùng một lúc lượng nước xả thải của nhiều doanh nghiệp với mức lưu lượng xả thải lớn, lên đến 12.000 m3/ngày đêm. Theo đó, hoạt động của nhà máy xử lý nước thải bị quá tải, dẫn đến một số thông số môi trường trong nước thải không đảm bảo quy chuẩn về môi trường và bị cơ quan chức năng phát hiện xử phạt. Từ năm 2021-2022 cơ quan chức năng đã xử phạt 4 lần liên quan đến việc xả nước thải vượt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường ở Khu công nghiệp dệt may Phố Nối, với tổng số tiền phạt là hơn 5 tỷ đồng.

Khi phát hiện những vi phạm về môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng dệt may Phố Nối triển khai các biện pháp xử lý khắc phục như: Điều chỉnh phương án vận hành, xây dựng bổ sung, mua thiết bị dự phòng để tăng cường năng lực xử lý giúp vận hành ổn định hệ thống để nhà máy xử lý nước thải hoạt động tốt, hiệu quả ngay cả trong thời điểm quá tải; đồng thời phải đầu tư xây dựng thêm các bể chứa nước thải để điều tiết nước trong những thời điểm quá tải.

Theo đó, từ cuối năm 2021, công ty đã thuê đơn vị tư vấn chuyên nghiệp để quản lý vận hành. Sau khi tiếp nhận, đơn vị tư vấn đã bổ sung lắp đặt thêm thiết bị, căn chỉnh hóa chất đảm bảo hệ thống chạy ổn định, chất lượng nước đầu ra sau xử lý đảm bảo quy định, đáp ứng lưu lượng trong trường hợp quá tải (nếu có), công suất sau căn chỉnh đạt 15.000 m3/ngày đêm.

Cùng với đó, công ty đã đầu tư xây dựng thêm các bể chứa nước thải, để điều tiết nước trong những thời điểm quá tải gồm bể chứa 2.500 m3 tại Nhà máy xử lý nước thải số 1; bể chứa 2.000 m3 tại khu công nghiệp giai đoạn II; đồng thời xây dựng thêm các bể kỹ thuật pha hóa chất; kho chứa hóa chất, giúp hiệu chỉnh phương án công nghệ, căn chỉnh hóa chất.

Công ty cũng đã lắp đặt bổ sung nhiều thiết bị là 2 khuấy nổi, công suất 75 kW/cái tại bể vi sinh 1; lắp đặt hệ thống lắng siêu tốc công suất 4.000 m3/ngày đêm và 1 hệ thống máy ép bùn trục vít; hệ thống pha than. Trong tháng 4/2023, Công ty cũng đã khởi công xây dựng Nhà máy xử lý nước thải số 2, với công suất 8.000 m3/ngày đêm tại khu công nghiệp giai đoạn II nhằm khẩn trương đưa Nhà máy 2 vào hoạt động.

*Quyết ngăn ngừa cơ sở ô nhiễm

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Hùng Nam cho biết, tỉnh đã ban hành Nghị quyết về Chương trình Bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 với quan điểm: bảo vệ môi trường là nền tảng cho phát triển bền vững và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; thu gom, xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt là trách nhiệm của toàn xã hội.

Mục tiêu của Nghị quyết là thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm ngăn ngừa, kiểm soát, xử lý triệt để ô nhiễm, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường tỉnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Theo ông Nguyễn Hùng Nam, tỉnh Hưng Yên  được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận quy hoạch phát triển 17 khu công nghiệp nằm trong quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam với tổng diện tích gần 4.400 ha; trong đó, có 8 khu công nghiệp  đã tiếp nhận các dự án đầu tư, 9 khu công nghiệp đang trong quá trình triển khai thực hiện, chưa đi vào hoạt động, chưa tiếp nhận dự án.

Hiện nay, có 7 khu công nghiệp đã tiếp nhận dự án thứ cấp đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh; có 8 khu công nghiệp đã lập và được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Về đầu tư xây dựng công trình xử lý nước thải tập trung, hiện có 6 khu công nghiệp đang hoạt động đã xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, với hệ thống thu gom thoát nước mưa; hệ thống thu gom xử lý nước thải, hệ thống cấp nước, cây xanh.

Tỉnh Hưng Yên đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp; trong đó quy định các doanh nghiệp xả nước thải có lưu lượng trên 100 m3/ngày đêm phải lắp đặt quan trắc tự động.

Hiện đã có 20 cơ sở lắp đặt vận hành hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục. Đến nay, tất cả các khu công nghiệp đi vào hoạt động đã có công trình xử lý nước thải tập trung đạt yêu cầu; các dự án đầu tư vào tỉnh đã được thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, xử lý chất thải cơ bản đáp ứng yêu cầu.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Hùng Nam khẳng định: Thời gian tới, tỉnh Hưng Yên tiếp tục ngăn ngừa ô nhiễm, kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường các dự án sản xuất công nghiệp; góp ý kiến đối với dự án đầu tư vào tỉnh, từ chối tiếp nhận các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, công nghệ lạc hậu. Các khu, cụm công nghiệp sẽ hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường; đưa vào hoạt động các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ thứ cấp trong khu, cụm công nghiệp.

Mặt khác, tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát môi trường các khu, cụm công nghiệp; cơ sở phát sinh chất thải lớn; tăng cường và nâng cao năng lực, hiệu quả kiểm tra, giám sát nước thải, khí thải tự động của các doanh nghiệp và các trạm quan trắc môi trường nước mặt, không khí xung quanh trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, hỗ trợ, đôn đốc, yêu cầu các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư khu xử lý chất thải tập trung đảm bảo đáp ứng nhu cầu xử lý chất thải rắn sinh hoạt....

Mới đây, tại hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề về "Thực trạng ô nhiễm môi trường và tình hình xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh" do Hội đồng nhân dân tỉnh Hưng Yên tổ chức ngày 20/9, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Quốc Toản khẳng định: Tỉnh kiên quyết từ chối tiếp nhận các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ngay từ bước đầu; thẩm định chặt chẽ báo cáo đánh giá tác động, cấp giấy phép môi trường; không tiếp nhận các dự án sản xuất công nghiệp rời lẻ ở ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp./.

>>> Bảo vệ môi trường trước "ngã rẽ" tăng trưởng - Bài 1: Hướng đi đúng để phục hồi

>>> Bảo vệ môi trường trước "ngã rẽ" tăng trưởng - Bài 2: Cái giá phải trả cho cơn lốc đô thị hóa

>>> Bảo vệ môi trường trước "ngã rẽ" tăng trưởng - Bài cuối: Tăng trưởng xanh: Cần cơ chế chính sách và cách tiếp cận phù hợp 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục