Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử

19:36' - 17/11/2019
BNEWS “Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử” là chủ đề do Bộ Công Thương lựa chọn để triển khai Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam trong năm 2020.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng sẽ lồng ghép sự kiện này với các hoạt động  triển khai Chỉ thị số 30/CT-TW ngày 22/1/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), các hoạt động hướng tới Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2020 được triển khai từ nay đến ngày 29/2/2020.

Vì vậy, các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức nhà nước, tổ chức xã hội và các doanh nghiệp phải chủ động tổ chức các hoạt động hoặc lồng ghép, đưa vào hoạt động chuyên môn, hoạt động kinh doanh các nội dung để tăng cường quyền lợi cho người tiêu dùng.

Đặc biệt, nhằm thúc đẩy kinh doanh tại các dịp cao điểm, các doanh nghiệp cần xây dựng các công cụ hữu hiệu để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

Mặt khác, các doanh nghiệp xây dựng và duy trì mối quan hệ tốt đẹp với người tiêu dùng; chủ động biến trách nhiệm đáp ứng nhanh chóng và đầy đủ các yêu cầu, nguyên vọng của người tiêu dùng thành động lực phát triển, lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp.

Ngoài ra, các cơ quan nhà nước tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra thị trường, đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến, tiếp nhận và giải quyết các khiếu nại, yêu cầu của người tiêu dùng, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

Các tổ chức xã hội phải phát huy rõ nát vai trò đại diện và cầu nối giữa người tiêu dùng với các cơ quan nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp.

Đáng lưu ý, các hoạt động hướng tới Ngày quyền của người tiêu dùng Việt nam năm 2020 cần được tổ chức thường xuyên, liên tục, tạo nền tảng, cơ sở cho các hoạt động trong tháng cao điểm (tháng 3) hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam.

Vì vậy, các hoạt động tại Trung ương sẽ do Bộ Công Thương chủ trì thực hiện và phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, các cơ quan truyền thông, báo chí và các cơ quan, tổ chức liên quan.

Mở đầu cho các hoạt động do Trung ương tổ chức sẽ là Lễ phát động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2020 (dự kiến tổ chức tại Hà Nội).

Các hoạt động tại địa phương sẽ do Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trên cả nước lập kế hoạch chi tiết, bố trí kinh phí và tổ chức thực hiện.

Bộ Công Thương cũng lưu ý các đơn vị tham gia phối hợp bao gồm sở, ban, ngành ở địa phương, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh, các Hiệp hội doanh nghiệp, cơ quan truyền thông, báo chí và các tổ chức, cá nhân có liên quan tại địa phương.

Nội dung tổ chức các hoạt động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2020 tại địa phương có thể tham khảo các nội dung nêu tại hoạt động ở cấp Trung ương hoặc tùy theo yêu cầu và tình hình thực tế của địa phương có thể tổ chức các hoạt động khác.

Chẳng hạn như mít tinh, tuần hành, diễu hành; treo băng rôn, khẩu hiệu trên các tuyến phố và các địa điểm công cộng; tổ chức Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam tại các chợ, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh của các tổ chức, cá nhân kinh doanh tại địa phương; tổ chức các hoạt động thúc đẩy sự hiểu biết và tương tác giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng…

Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng khuyến khích các địa phương có sự phối hợp, lồng ghép các hoạt động của Trung ương và địa phương cũng như giữa các địa phương để tăng tính thống nhất, lan tỏa và tiết kiệm ngân sách nhà nước và nguồn lực chung của xã hội./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục