Bất động sản Trung Quốc “lao đao” vì cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung

06:00' - 28/05/2019
BNEWS “Cứ xây đi và mọi người sẽ đến ở”. Đó là một triết lý nền tảng cho những giấc mơ đô thị hiện đại của Trung Quốc. Ở một mức độ nào đó, đúng là đã có người đến.
Các tòa nhà chung cư thấp và cao tầng tại thành phố Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuy nhiên, người đến ở đây lại không phải là cư dân hay các doanh nghiệp mà là các nhà đầu tư - đầu cơ, với niềm tin đánh cược rằng giá trị tài sản sẽ chỉ tăng khi dân Trung Quốc dịch chuyển không giới hạn theo cùng một hướng từ nông thôn ra thành phố.

Đó là một vụ đánh cược hấp dẫn trong dài hạn, nhưng các nhà phân tích kinh tế cảnh báo, giống như tất cả những điều tốt đẹp khác, một ngày nào đó, quá trình này sẽ kết thúc. Theo bài viết của nhà báo kinh tế Michael Janda đăng tải trên trang mạng ABC Australia, nghiên cứu mới nhất của các chuyên gia về kinh tế Trung Quốc thuộc Tập đoàn tài chính Citi Groups cho thấy thị trường bất động sản Trung Quốc có khả năng sụp đổ trong tương lai không xa.

Bài viết trích dẫn báo cáo của Citi Groups nêu rõ: “Chúng tôi vẫn thận trọng đối với tính bền vững của sự đóng góp từ lĩnh vực bất động sản Trung Quốc đối với tăng trưởng kinh tế (GDP) trong trung và dài hạn, mặc dù khá lạc quan về triển vọng ngắn hạn của thị trường”.

Lý do cho những lo ngại trong dài hạn là gì? Đó là thực trạng số lượng các bất động sản bị bỏ hoang trong một quốc gia nổi tiếng với các “thành phố ma” đang tăng dần lên. Với khoảng 21,4% số căn nhà bị bỏ hoang vào cuối năm 2017, Trung Quốc hiện có xấp xỉ 6,4 tỷ mét vuông mặt sàn địa ốc không có người ở.

Con số này nhiều gấp 1,68 lần diện tích mặt sàn được xây dựng trong vòng 5 năm qua. Nó cho thấy sự cần thiết phải giảm quy mô xây dựng trong thời gian tới cho đến khi nguồn bất động sản dư thừa được giải quyết.

Các nhà nghiên cứu của Citi Groups cảnh báo: "Tỷ lệ diện tích trống cao cho thấy đầu tư bất động sản trong tương lai của Trung Quốc chắc chắn sẽ giảm vì thị trường bất động sản có thể đã rơi vào tình trạng dư thừa và đặc biệt khi động lực mua nhà xuất phát từ nhu cầu đầu tư ngày càng tăng.”

Không giống như ở Tây Ban Nha và Italy, nhu cầu của người mua bất động sản đô thị Trung Quốc vẫn ở mức cao, được minh họa bằng tỷ lệ giá bán trên thu nhập, khiến giá nhà ở các thành phố đắt đỏ như Sydney (Australia) và Vancouver (Canada) dường như vẫn còn rẻ.

Cho dù có sự mất cân bằng thị trường, báo cáo của Citi Groups không cho rằng các khoản nợ tài sản cao chót vót của Trung Quốc sẽ sụp đổ trong năm nay.

Báo cáo viết: “Trong quý đầu tiên, đầu tư bất động sản gây bất ngờ với mức giá cao, giá của các căn hộ mới tại các thành phố lớn cũng tiếp tục tăng. Nhóm nghiên cứu dự đoán sản lượng bán bất động sản Trung Quốc tiếp tục tăng trở lại sau một quãng thời gian suy thoái kéo dài, chủ yếu nhờ sự thúc đẩy mới từ quá trình đô thị hóa và tăng tín dụng trở lại cho các hộ gia đình”.

Vậy quyết định áp thuế mới của Mỹ ảnh hưởng như thế nào tới thị trường bất động sản Trung Quốc? Bài viết phân tích: Quyết định tăng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể dẫn đến những thay đổi trong cơ cấu thị trường bất động sản Trung Quốc.

Một nghiên cứu mới đây nhất của Ngân hàng HSBC dự đoán với mức thuế hiện tại mà Mỹ áp dụng đối với hàng hóa Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế trong năm tới của nền kinh tế lớn nhất châu Á này có thể sẽ giảm một nửa điểm phần trăm. Nếu Mỹ tiếp tục áp thuế mới lên lượng hàng hóa trị giá hơn 300 tỷ USD nữa của Trung Quốc, thì tăng trưởng kinh tế của nước này sẽ mất tới 1,2 điểm phần trăm.

Tuy nhiên, các nhà phân tích HSBC tin rằng chính quyền Trung Quốc sẽ không “khoanh tay” đứng nhìn nền kinh tế chậm nhịp tăng trưởng. Báo cáo nêu rõ: “Tăng thuế sẽ dẫn tới việc Trung Quốc nới lỏng nhiều hơn nữa các chính sách, bao gồm cả chính sách tiền tệ và tài khóa”.

Quan điểm này nhận được sự đồng thuận từ các nhà nghiên cứu của Ngân hàng America- Merrill Lynch rằng một cuộc chiến thương mại toàn diện trong hầu hết các giao dịch giữa Mỹ và Trung Quốc có thể dẫn đến sự bùng nổ trong lĩnh vực bất động sản Trung Quốc.

"Điều độc đáo trong kịch bản này là nó có khả năng mang lại sự nới lỏng chung cho các biện pháp kiểm soát thị trường bất động sản như giới hạn mua, giới hạn giá, giới hạn bán hàng và giới hạn thế chấp… với mức độ tự chủ rất cao được trao cho chính quyền địa phương để thúc đẩy phát triển tài sản", bài viết phân tích.

Nhóm phân tích từ Tập đoàn Citi Groups cảnh báo sẽ tới lúc Trung Quốc áp dụng chính sách đánh thuế bất động sản và khiến các nhà đầu cơ tháo chạy khỏi thị trường bất động sản Trung Quốc, hoặc khiến thị trường này sụp đổ do tình trạng dư thừa cung và nợ cao. Citi Groups nhận định: “Khu vực bất động sản có xu hướng ảnh hưởng đến một loạt ngành công nghiệp. Tuy nhiên tác giả bài viết kết luận rằng nhà hoạch định chính sách toàn cầu chưa phải là đã hết cách đối phó./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục