Bất ổn chính trị đẩy lợi suất trái phiếu Italy tăng

09:06' - 13/01/2022
BNEWS Đồn đoán Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed, ngân hàng trung ương Mỹ) có thể tăng lãi suất sớm vào tháng 3/2022 đã gây ra một cuộc bán tháo lớn trên thị trường trái phiếu trong vài tuần trước đó.

Trái phiếu chính phủ Italy đã hoạt động kém hơn so với các loại trái phiếu khác trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong ngày 11/1 trong bối cảnh các thị trường vẫn hướng sự chú ý đến lộ trình bình thường hóa chính sách tiền tệ của Mỹ và tình trạng lạm phát gia tăng.

Đồn đoán Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed, ngân hàng trung ương Mỹ) có thể tăng lãi suất sớm vào tháng 3/2022 đã gây ra một cuộc bán tháo lớn trên thị trường trái phiếu trong vài tuần trước đó.

 

Chủ tịch Fed Jerome Powell ngày 11/1 cho hay ngân hàng này cần tập trung nhiều hơn đến lạm phát cao thay vì toàn dụng lao động.

Một số ngân hàng lớn của Phố Wall hiện dự báo Fed sẽ tăng lãi suất bốn lần trong năm 2022, bắt đầu từ tháng 3/2022.

Lợi suất trái phiếu được giữ gần các mức cao gần đây trong phiên 11/1 và trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Đức đã tăng 0,5 điểm cơ bản lên 0,032% sau khi tăng lên -0,014%, mức cao nhất kể từ tháng 5/2019 và gần vùng dương.

Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Italy, được chuyển sang một tiêu chuẩn mới, đã tăng lên 1,38% sau khi chạm mức cao nhất kể từ tháng 6/2020 là 1,397%.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng lo ngại về sự ổn định chính trị của đất nước nếu Thủ tướng Mario Draghi rời bỏ vị trí hiện nay và đảm nhận vị trí Tổng thống khi Quốc hội triệu tập vào tháng này để chọn một nguyên thủ quốc gia mới.

Chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu Italy và Đức kỳ hạn 10 năm đã tăng lên 140 điểm cơ bản. Chiến lược gia Althea Spinozzi của ngân hàng Saxo Bank cho biết mức chênh lệch này có thể tăng lên mức 160 điểm cơ bản nếu ông Draghi từ bỏ vai trò Thủ tướng để trở thành nguyên thủ quốc gia.

Theo chiến lược gia này, trong quý I/2022, miễn là có bất ổn chính trị, thị trường sẽ chứng kiến sự biến động.

Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde đã trấn an người dân rằng ECB có thể ổn định lạm phát, vốn đã tăng lên mức kỷ lục 5% trong tháng 12/2021.

Nhà kinh tế trưởng Philip Lane của ECB cho biết ECB không thấy lạm phát trong Khu vực đồng euro cao hơn mục tiêu 2% trong trung hạn./.

>>Quan chức Fed thảo luận về giảm lượng trái phiếu nắm giữ

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục