Bên lề kỳ họp Quốc hội: Thống đốc giải quyết rõ về các vấn đề nóng của ngành ngân hàng

12:57' - 17/11/2017
BNEWS Đa số các đại biểu cho rằng, Thống đốc Lê Minh Hưng đã giải quyết một cách rõ ràng về các vấn đề nóng của ngành, thể hiện bản lĩnh và thái độ quyết tâm trước các chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Sáng 17/11, Quốc hội tiếp tục phiên phiên chất vấn đối với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng. Đa số các đại biểu cho rằng, Thống đốc Lê Minh Hưng đã giải quyết một cách rõ ràng về các vấn đề nóng của ngành, thể hiện bản lĩnh và thái độ quyết tâm trước các chất vấn của đại biểu Quốc hội. Phóng viên TTXVN đã ghi lại ý kiến của các đại biểu Quốc hội xung quanh vấn đề này.

*Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội): Không thực hiện đô la hoá nền kinh tế

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trả lời đáp ứng được mong mỏi của các đại biểu Quốc hội đặt ra, qua đó cho thấy Thống đốc nắm chắc các vấn đề của ngành ngân hàng; trả lời các vấn đề chuyên môn sâu cũng rất rõ ràng. Đặc biệt, có những điểm mà Thống đốc trả lời thể hiện rõ bản lĩnh khi mà đi ngược lại với các ý kiến của đại biểu chất vấn.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội. Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN
Điểm tôi tâm đắc nhất chính là quan điểm của Thống đốc NHNN trước nhiều vấn đề của các đại biểu Quốc hội đặt ra là có nên huy động tiền gửi đô la để tăng nguồn huy động vốn trong dân. Thống đốc đã trả lời với một quan điểm rất rõ ràng là quyết tâm duy trì ổn định chính sách tiền tệ và không thực hiện đô la hoá nền kinh tế.

Việc huy động nguồn lực thông qua đô la đó sẽ được thực hiện thông qua Việt Nam đồng. Và như vậy, sẽ nhằm mục tiêu ổn định tỷ giá, đồng thời tăng dự trữ ngoại tệ cho Nhà nước. Tôi cho rằng thái độ của Thống đốc về vấn đề đô la hoá này là thái độ rất quyết tâm và mạnh dạn, đây là một quyết định đúng đắn.

Thống đốc NHNN cũng có nói về các biện pháp xử lý đối với các ngân hàng yếu kém, trong thời gian qua chưa có khuôn khổ pháp lý cho việc xử lý này, nhưng tới đây khi mà Luật về Các tổ chức tín dụng được thông qua thì việc xử lý đối với các ngân hàng yếu kém sẽ có lộ trình rõ ràng hơn. Thống đốc cũng đưa ra một giải pháp cơ bản nhất liên quan đến các biện pháp hỗ trợ để làm sao các ngân hàng này hồi phục được.

Trong thời gian tới, để phục hồi được các tổ chức tín dụng yếu kém thì cần có các cơ chế rộng hơn nữa như mở ra các cơ chế khuyến khích cho các tổ chức, đặc biệt là các tổ chức tín dụng có tiềm lực, thế mạnh chủ động trong việc tham gia vào tái cấu trúc lại hoặc có thể tham gia mua một phần, mua toàn bộ lại hệ thống ngân hàng yếu kém.

Việc này tôi cho rằng không nên giới hạn ở mức chỉ các tổ chức tín dụng trong nước, chúng ta có thể mở rộng room cho các tổ chức tín dụng nước ngoài.

*Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Thái Bình): Tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn

Tôi cho rằng, Thống đốc NHNN đưa ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 18% là hợp lý. Chúng ta không thể đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng để đổi lấy cái giá về bất ổn kinh tế vĩ mô, mà phải kiểm soát chặt chất lượng tăng trưởng của tín dụng. Bên cạnh đó, cần phải tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên theo đúng định hướng như: nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, xuất khẩu, doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Thái Bình). Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN
Tôi đặc biệt lưu tâm đến việc NHNN có những nỗ lực hơn nữa để tạo điều kiện cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ có thể tiếp cận được nguồn vốn của ngân hàng. Khi dòng vốn chảy mạnh vào khu vực này thì có thể chi phí của ngân hàng sẽ tăng lên, nhưng đây là lĩnh vực đầu tư có hiệu quả, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giải quyét các vấn đề xã hội. Cho nên, đây là lĩnh vực mà vốn tín dụng có thể đảm bảo cho sự phát triển bền vững.

Hiện nay việc tái cấu trúc lại hệ thống ngân hàng và hệ thống tổ chức tín dụng đang là yêu cầu quan trọng đặt ra. Trong thời gian tới, để kiểm soát và tăng cường chất lượng của các tổ chức tín dụng và dịch vụ tín dụng là một yêu cầu rất quan trọng. Tôi cho rằng, việc tăng cường cho vay đối với khu vực doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ là một yêu cầu quan trọng đối với chính sách tín dụng.

Trước hết NHNN phải tiếp tục có những biện pháp để giám sát chặt chẽ hơn các hoạt động của hệ thống ngân hàng và đảm bảo nâng cao tính chuẩn mực, minh bạch, công khai của hệ thống này. Bên cạnh đó, để tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng thì chính khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng phải tiếp cận đến tính chuẩn mực, công khai, minh bạch. Như vậy, khi sự tương tác giữa 2 hệ thống này được đồng bộ thì tăng trưởng tín dụng sẽ đạt hiệu quả.

*Đại biểu Lê Thị Thu Hồng (Đoàn Bắc Giang): Cử tri mong muốn tiếp cận vốn phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Tôi cho rằng, những câu hỏi chất vấn của các đại biểu Quốc hội được Thống đốc NHNN trả lời tương đối ngắn gọn, rõ nét. Qua đó, nổi lên một số vấn đề mà các đại biểu cũng như cử tri quan tâm như hỗ trợ vay vốn trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tín dụng của hệ thống ngân hàng, nợ xấu...

Đại biểu Lê Thị Thu Hồng (Đoàn Bắc Giang. Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN
Đồng thời, tôi cũng thấy rõ trách nhiệm của NHNN trong việc tham mưu cho Chính phủ điều hành chính sách tiền tệ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, cử tri Bắc Giang mong muốn tiếp cận được nguồn vốn để phát triển trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; đồng thời mong muốn NHNN tích cực phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai có hiệu quả Nghị định 55 của Chính phủ. Đây là nội dung mà cử tri Bắc Giang đang rất quan tâm.

Tôi cũng ấn tượng đối với phần trả lời của Thống đốc NHNN về sức khoẻ cũng như tín nhiệm của hệ thống ngân hàng. Thống đốc NHNN cũng trả lời rất rõ, trong thời gian tới sẽ công khai vấn đề này. Tôi cho rằng, hệ thống ngân hàng chính là huyết mạnh trong chính sách tiền tệ, việc đánh giá sức khoẻ của hệ thống ngân hàng là kênh quan trọng giúp cho cử tri cũng như doanh nghiệp nắm rõ để có kế hoạch tiếp cận nguồn vốn vay.

*Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (Đoàn Thừa Thiên Huế): Cần chính sách cho sinh viên và người nghèo tiếp cận vốn

Tôi đánh giá cao phần trả lời chất vấn của Thống đốc NHNN trước các đại biểu quốc hội.

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (Đoàn Thừa Thiên Huế). Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN
Theo tôi, hiện nay nhiều doanh nghiệp không mặn mà vay vốn, do đó dư nợ khá lớn. Trước đây, tại các ngân hàng rất sôi động, nhộn nhịp và nhiều doanh nghiệp xếp hàng để vay vốn. Nay tại nhiều địa phương thì rất đìu hiu, một số ngân hàng thương mại đến nay cũng rất khó khăn.

Đối với vấn đề nợ xấu, trước đây nợ xấu là cục máu đông, đến nay cơ bản đã giải quyết được, nhưng phải làm thế nào để các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được nguồn vốn của ngân hàng.

Bên cạnh đó, cần có chính sách cho người nghèo và sinh viên sau khi ra trường chưa có việc làm. Theo phản ánh của cử tri, với một số người nghèo khi tiếp xúc với Ngân hàng Chính sách Xã hội hoặc chính sách của nhà nước có lãi suất thấp thì rất khó khăn, phiền hà và phải đi lại nhiều lần dù có tổ chức tín dụng cấp xã. Thậm chí có phản ánh về tiêu cực trong việc thực hiện chính sách.

Theo tôi, cần kết nối được với các ngân hàng trên thế giới vì đã hội nhập, chẳng hạn như Hong Kong (Trung Quốc), Singapore làm dịch vụ ngân hàng rất tốt.

*Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình): Giải quyết các vấn đề một cách rõ ràng

Tôi cho rằng, phần trả lời của Thống đốc NHNN rất trách nhiệm, cơ bản nêu được những vấn đề mà đại biểu yêu cầu, giải quyết được các vấn đề một cách rõ ràng, đúng nội dung, đi sâu vào vấn đề cử tri quan tâm.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình). Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN
Tuy nhiên, nhiều đại biểu quan tâm đến vấn đề quản lý các ngân hàng yếu kém và mong muốn thời gian tới, NHNN sẽ đề ra những giải pháp để lĩnh vực này có chuyển biến và khắc phục được những bất cập thời gian qua./.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục