Bên lề Quốc hội: Hiến kế kéo giảm chênh lệnh giá vàng trong nước với thế giới

08:51' - 29/05/2024
BNEWS Đại biểu Quốc hội đánh giá động thái của Ngân hàng Nhà nước là tích cực, cho thấy sự linh hoạt trong điều hành thị trường vàng.
Ngân hàng Nhà nước vừa có thông báo dừng đấu thầu bán vàng miếng và sẽ triển khai phương án bình ổn thay thế trong thời gian sớm nhất, dự kiến bắt đầu từ ngày 3/6. Trao đổi với phóng viên TTXVN bên lề Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV về nội dung này, các đại biểu Quốc hội đánh giá động thái của Ngân hàng Nhà nước cho thấy sự linh hoạt trong điều hành. Đồng thời, các đại biểu cũng đưa ra nguyên nhân khiến giá vàng tăng và hiến kế để kéo giảm chênh lệnh giữa giá vàng trong nước và thế giới.

 
Đại biểu Hoàng Văn Cường - đoàn Hà Nội: Thay đổi cơ chế giá sàn

Vừa qua Ngân hàng Nhà nước tổ chức nhiều phiên đấu thầu vàng với mục tiêu tăng lượng cung trên thị trường, giảm giá vàng và kéo giá sát với giá quốc tế. Tuy nhiên, thực tế cứ sau mỗi phiên đấu thầu, giá vàng lại tăng. Thậm chí, khoảng cách giữa giá vàng quốc tế và trong nước càng giãn ra. Do đó, mục tiêu đấu thầu để rút ngắn khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới chưa đạt được.

Chính vì vậy cần phải xem lại cơ chế đấu thầu đạt mục tiêu chưa. Tôi cho rằng, cơ chế đấu thầu trong thời gian qua chưa phù hợp, dẫn đến việc mỗi lần đấu thầu xong, khoảng cách giá vàng trong nước với thế giới lại nới rộng.

Mục tiêu đấu thầu vàng không phải để được giá cao, thu được nhiều tiền mà để kéo thấp giá vàng xuống. Vậy cơ chế đặt giá sàn cho mỗi phiên đấu thầu không phải là lấy giá thị trường bằng giá sàn. Bởi, nếu lấy giá thị trường bằng giá sàn thì sau khi đấu giá xong tất nhiên phải bán trên giá sàn và điều này khiến giá thị trường bị đẩy lên.
Chúng ta đang mong muốn giá vàng sát với giá quốc tế phải đưa ra giá sàn ngang với quốc tế quy đổi ra VND cộng với thuế, chi phí...

Doanh nghiệp nào có thể bán vàng ra thị trường sát với giá sàn nhất, tức là giá thấp nhất thì doanh nghiệp đó sẽ được tham gia nhận vàng để bán ra cho người tiêu dùng. Tất nhiên, Ngân hàng Nhà nước phải có đủ lượng vàng để bán ra, đáp ứng nhu cầu mua vàng của người dân cất trữ. Số vàng này không nhất thiết phải bán trao tay cho người tiêu dùng ngay và Ngân hàng Nhà nước cần phải lưu ký lại. Nếu thực hiện được điều này, người mua vàng sẽ yên tâm mua được vàng với chất lượng cao và an toàn.

Với phương thức này, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ chủ động trong dự trữ, xuất nhập khẩu vàng, đảm bảo chất lượng vàng bán cho người dân. Đồng thời, người dân yên tâm khi mua được vàng với giá rất sát với thế giới.

Những người có nhu cầu mua vàng tích trữ, giữ  tài sản sẽ được mua vàng với giá hợp lý. Chỉ những người đầu cơ, tức là mua đi bán lại sẽ mua vàng trôi nổi trên thị trường. Trường hợp này cần sử dụng công cụ thuế đi kèm và như thế sẽ điều tiết được thị trường vàng cân bằng.

Việc dừng đấu thầu vàng khi chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra là đúng và nhanh. Qua đây cho thấy, Ngân hàng Nhà nước đã có sự linh hoạt, khi thấy phương thức đấu giá không hiệu quả đã dừng lại để điều chỉnh phương án bình ổn thị trường vàng.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân - đoàn Tp. Hồ Chí Minh: Linh hoạt trong điều hành

Vàng là kim loại quý, có vẻ ngoài sang trọng, giá trị cao, giá thường tăng ổn định theo thời gian và dễ dàng cất trữ lâu dài. Đặc biệt, vàng có giá trị thanh khoản cao dễ dàng mua bán trên toàn cầu và dễ  mang theo.

Qua theo dõi giá vàng quốc tế trong 40 năm qua, tôi nhận thấy giá vàng thường tăng cao khi có những cú sốc trên thị trường như: khủng hoảng tài chính, tiền tệ, suy thoái kinh tế, lạm phát cao, chiến tranh… Lúc này nhà đầu tư, tổ chức tài chính, cá nhân thường mua vàng để phòng thân, bảo tồn vốn. Các ngân hàng trung ương trên thế giới cũng sẵn sàng chuyển trạng thái dự trữ ngoại hối thay vì dự trữ USD sẽ chuyển sang dự trữ vàng trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động.

Ngoài ra, khi nhà đầu tư thấy ít kênh đầu tư khả quan thì sẽ tập trung vào kênh vàng. Do đó, nhu cầu tăng cao đột biến khiến giá vàng bị đẩy lên. Nếu nguồn cung không đảm bảo sẽ dẫn đến “cú sốc” giá vàng. Trong thời gian qua có tình trạng cầu tăng rất cao, trong khi nguồn cung không đảm bảo. Điều này dẫn đến buôn lậu vàng do giá vàng trong nước cao hơn nhiều so với giá vàng thế giới.
 
Do đó, hành động đấu giá vàng của Ngân hàng Nhà nước là để kéo dần khoảng cách giữa giá vàng trong nước với giá vàng thế giới là việc cần thiết. Tuy nhiên, việc này cần phải có thời gian. Giá vàng trong nước đang chênh lệnh khoảng 20 triệu đồng với giá vàng thế giới nên để lập tức cân bằng với giá thế giới là không thể.

Điều quan trọng là thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước với giá vàng thế giới. Đây là cả vấn đề lớn, cần “ứng xử” linh hoạt, nghệ thuật trong điều hành. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước có thể nghiên cứu các giải pháp đấu thầu để kiểm soát chênh lệnh giá vàng trong nước với thế giới và tăng cường kiểm tra dự trữ, tránh tình trạng đầu cơ lũng đoạn. Do đó, mua vàng trong thời điểm này là nhiều rủi ro, nhưng điều đó không có nghĩa là giá vàng không có cơ hội đi lên.

Thực tế, giá đấu thầu vàng phụ thuộc vào giá vốn, cụ thể là giá vàng thế giới và diễn biến tỷ giá. Có thể thấy rằng, vàng không phải là tài sản đặc biệt do phụ thuộc vào trạng thái ngoại hối. Ngân hàng Nhà nước bán vàng ra sau đó sẽ phải mua vào để đảm bảo lượng vàng dự trữ.
 
Vì vậy, nếu để mức giá đấu thầu thấp, Ngân hàng Nhà nước có thể lỗ. Sự chênh lệch giá vàng do Ngân hàng Nhà nước mua vào và bán ra phải đồng thời ở mức bằng không. Ngân hàng Nhà nước phải cân bằng trạng thái mua và bán trong bối cảnh giá vàng tăng mạnh, đây là cả một nghệ thuật trong điều hành.

Việc đấu giá vàng nên ở mức thu hẹp dần khoảng cách với giá vàng thế giới qua các phiên. Từ đó, người đang nắm giữ vàng hiểu được động thái của Ngân hàng Nhà nước để có hành động bán ra. Tuy nhiên, giá vàng liên quan đến rất nhiều vấn đề, chẳng hạn như tỷ giá, khi nhập vàng về bằng USD sẽ ảnh hưởng đến giá vốn. Do đó, để bình ổn giá vàng là vấn đề lớn, khá gian nan.

Thực tế, giá vàng thế giới nửa đầu năm nay biến động mạnh do căng thẳng địa chính trị và thêm vào đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang đưa ra các thông điệp sẽ giảm lãi suất. Từ đó, nhà đầu tư cũng “hành động” theo tình hình diễn biến vĩ mô và những dự báo được đưa ra.  

Đáng chú ý, từ khi xảy ra đại dịch COVID-19 giá vàng biến động mạnh và trong 4 tháng đầu năm nay, giá vàng thế giới đã tăng từ 18 - 20%. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước rất khó bình ổn giá vàng.

Khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới lớn nên sẽ dẫn đến nguy cơ buôn lậu vàng. Do đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra chống buôn lậu vàng cũng như những tin đồn thất thiệt. Đồng thời, yêu cầu khi giao dịch vàng phải có hóa đơn mua bán, thậm chí phải tính thuế

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục