Bên lề Quốc hội: Nhà ở quy mô chung cư vẫn phải đạt chuẩn

17:34' - 26/10/2023
BNEWS Chiều ngày 26/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Chiều ngày 26/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi); trong đó, việc phát triển những khu nhà ở nhiều tầng, có nhiều căn hộ khép kín theo kiểu chung cư (thường được gọi là chung cư mini).

Đây là một trong những những nội dung được nhiều cử tri quan tâm. Bên lề Kỳ họp Quốc hội, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) đã có chia sẻ về nội dung này.

Phóng viên: Sau vụ cháy chung cư mini ở Thanh Xuân (Hà Nội) đã lộ ra nhiều sai phạm cũng như bất cập trong quản lý chung cư mini, nhà ở riêng lẻ. Hệ luỵ không chỉ dừng lại ở rủi ro pháp lý mà người dân phải gánh chịu mà lớn hơn là những hậu quả không thể khắc phục. Đại biểu nhìn nhận về vấn đề này như thế nào?

 

Đại biểu Hoàng Văn Cường: Việc các nhà cho thuê đông người hoặc để bán cho nhiều người, trở thành nơi ở, sinh hoạt tập thể cho nhiều người gọi là chung cư. Mà đã là chung cư thì phải lập dự án, được xét duyệt theo tiêu chí nhất định.

Đây là nơi cư trú đông người nên không chỉ quan trọng về an toàn cháy nổ mà còn liên quan khả năng đáp ứng về môi trường xung quanh, hạ tầng kỹ thuật điện, nước… Vì vậy, quy định những dự án loại này phải được phê duyệt như loại hình chung cư là phù hợp.

Khi xây dựng một toà nhà không phải để bán cho người khác mà chỉ cho thuê với quy mô nhỏ dưới 20 phòng sẽ không ảnh hưởng đến yếu tố điều kiện sống. Tuy nhiên, khi xây dựng với quy mô chung cư bắt buộc phải lập dự án và được phê duyệt. 

Hơn nữa, xuất phát từ việc người dân có nhu cầu về nhà ở với mức giá phù hợp hay nói cách khác là nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp đã dẫn tới việc Nhà nước đã nhận thức và đầu tư đẩy mạnh nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp.

Thế nhưng, vai trò Nhà nước sẽ mạnh hơn khi đầu tư phát triển nhiều cho nhà ở thu nhập thấp để thay thế việc phải lựa chọn giữa nhà thu nhập thấp và nhà cá nhân tự xây. Đặc biệt, cần thay đổi quan điểm nhà thu nhập thấp mục tiêu có chỗ ở giá rẻ, chật hẹp thiếu tiện nghi mà loại hình này phải hướng tới việc đáp ứng được tiêu chuẩn cuộc sống.

Để người thu nhập thấp tiếp cận được những nhà đủ tiêu chuẩn, Nhà nước phải có quỹ nhà. Mục tiêu của xã hội là đảm bảo mọi người dân có chỗ ở tiện nghi và đảm bảo điều kiện phát triển phải xây dựng quỹ nhà hợp lý.

Chẳng hạn như trên thế giới, để giải quyết nhu cầu về nhà ở giá rẻ thì có loại hình nhà ở cho thuê là phù hợp. Khi có kinh tế mạnh, người thuê có thể trả nhà và chuyển sang mua nhà sở hữu riêng. Nếu không có tiền nhưng lại muốn sở hữu nhà ở thì vẫn mãi là bài toán không có lời giải.

Phóng viên: Vậy theo đại biểu, cần kiểm soát việc xây dựng và quản lý chung cư mini như thế nào trong giai đoạn tới và có giải pháp gì để khắc phục những tồn tại hiện hữu?

Đại biểu Hoàng Văn Cường: Luật Nhà ở 2014 và cả dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) không có khái niệm chung cư mini. Chỉ là nhà có đất và xây nhà thành nhiều tầng để bán hoặc cho thuê, khi đó trở thành chung cư, quản lý theo quy chuẩn của chung cư.

Nhiều chủ nhà lợi dụng sự chưa chặt chẽ trong luật nên biến tướng thành công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ, nhiều tầng và vẫn được quyền bán. Bởi vậy, lỗ hổng pháp lý này được sửa và điều chỉnh cho phù hợp đòi hỏi của thực tế.

Nếu các công trình nhà ở riêng lẻ, nhiều tầng này mà vẫn đảm bảo quy định về cấp phép, thiết kế theo yêu cầu của quy chuẩn về nhà ở thì vẫn được xây dựng. Trường hợp không đảm bảo quy chuẩn, bản thân chủ đầu tư phải sửa chữa. 

Chẳng hạn, trường hợp không có khoảng không, lối cấp thoát hiểm phải sửa chữa bằng cách mua lại căn hộ đã bán cho hộ gia đình để lấy lại diện tích đó làm khoảng không, chỗ thoát hiểm… Cùng đó, cần xem xét cả trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc quản lý phê duyệt những công trình này.

Câu chuyên ở đây không dừng lại ở việc chấp nhận sửa sai mà với những công trình chưa đáp ứng cần có giải pháp khắc phục để đảm bảo môi trường sống, điều kiện sống an toàn hơn cho người dân theo đúng quy định. Chủ đầu tư và đôi khi Nhà nước hay xã hội cũng cần tham gia hỗ trợ, tu sửa nếu những công trình chưa đảm bảo thuộc nhóm nhà ở dành cho người thu nhập thấp. Vì vậy, cần xem xét và đánh giá lại từng trường hợp nhà cụ thể để có phương án điều chỉnh rõ ràng.

Phóng viên: Thực tế hiện nay, quy định pháp luật chưa quy định rõ về chung cư mini mà chỉ nói chung về nhà ở. Vậy, đại biểu cho biết, đâu là kẽ hở để chung cư mini được xây dựng tràn lan nhưng đi kèm đó là nghịch lý kiểm soát hạn chế?

Đại biểu Hoàng Văn Cường: Trong luật đã quy định với nhà ở riêng lẻ có dạng là nhà ở riêng lẻ xây nhiều tầng, nhiều căn hộ và nếu những căn hộ đạt tiêu chuẩn quy định được phép cấp sổ đỏ và được bán. Những người có đất đai hay kinh tế dồi dào đã tập trung xây dựng thành dạng gọi là chung cư mini. Tuy nhiên, lỗ hổng ở đây là không quy định quy mô cụ thể là bao nhiêu.

Khi lập dự án xây dựng nhà chung cư, cơ quan Nhà nước phải phê duyệt xem dự án đó có đủ tiêu chuẩn hay không. Cụ thể, bao gồm hạ tầng điện nước, giáo dục, môi trường… Nếu trường hợp người dân xây dựng từ hai tầng trở lên nhưng chỉ dành một phần rất nhỏ dưới 20 phòng để cho thuê mới được tự xây dựng. Tuy nhiên, ngay cả trường hợp này vẫn phải lập thiết kế và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để đảm bảo việc quản lý chặt chẽ.

Phóng viên: Tại dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi quy định “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn làm việc tại các khu công nghiệp mua, thuê, thuê mua”. Đại biểu đánh giá thế nào về tính khả thi và hiệu quả triển khai?

Đại biểu Hoàng Văn Cường: Hiện nay đang có 2 luồng ý kiến là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có tham gia vào việc xây dựng nhà ở cho công nhân hay không.

Rõ ràng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia sẽ có ưu điểm là thêm một nguồn cung nhà ở, trực tiếp là đơn vị xây dựng và có thể phù hợp hơn với người lao động. Tuy nhiên, một yếu tố cần tính đến là người đại diện cho người lao động tự mình đứng ra cung cấp dịch vụ không tốt, ai sẽ là người phản biện. Như vậy, vô hình trường hợp này sẽ rơi vào tình trạng vừa là người cung cấp lại vừa là người giám sát, tính độc lập sẽ không còn.

Trong khi nếu nhà cung cấp cho người lao động do một cơ quan độc lập, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ có vai trò giám sát cho người dân, người lao động để nói lên tiếng nói của mình. Do đó, nên tính toán cân nhắc, phối hợp kỹ lưỡng và không vì một cơ quan cung cấp nhà ở không tốt mà phải đứng ra làm thay.

Có thể ở một nơi nào đó có những mô hình thử nghiệm nhưng để phổ biến, thay thế cho tổ chức khác thì không nên. Có thể, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ tham gia góp phần qua đó tạo ra những thí điểm, đối trọng sẽ phù hợp hơn.

Phóng viên: Đại biểu có đề xuất gì để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội hiệu quả hơn?

Đại biểu Hoàng Văn Cường: Đã là nhà ở xã hội thì sẽ được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước cùng các điều kiện, quy định cụ thể. Do đó, vai trò lớn nhất vẫn thuộc về Nhà nước mà một trong những yếu tố quan trọng là phải có nguồn vốn đầu tư dành cho phát triển quỹ nhà ở xã hội. Đương nhiên, Nhà nước có thể dùng các công cụ để huy động nhiều nguồn lực tham gia chứ không chỉ trông chờ vào ngân sách; thậm chí, có thể sử dụng đơn vị kinh doanh về nhà ở.

Hiện nay, đang có quy định một dự án phát triển nhà ở xây dựng phải dành ra 20% quỹ nhà ở, quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội. Tuy nhiên, không nên gò ép vào khuôn khổ mà nên có hướng mở như có thể đóng một khoản tiền có giá trị quy đổi tương ứng vào quỹ phát triển nhà ở xã hội. Khoản tiền này sẽ được dành để xây dựng nhà ở xã hội độc lập. Tôi cho rằng có nhiều công cụ để sử dụng nguồn vốn đó nhưng phải điều tiết của cơ quan Nhà nước.

Phóng viên: Xin cảm ơn đại biểu!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục