Bến Tre tăng xuất khẩu các sản phẩm chế biến

14:44' - 06/07/2021
BNEWS Hiện nay, thị trường xuất khẩu của tỉnh Bến Tre được mở rộng đến 128 quốc gia và vùng lãnh thổ, với khoảng 130 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu.

Theo Giám đốc Sở Công Thương Bến Tre Nguyễn Văn Bé Sáu, mặc dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, nhưng 6 tháng đầu năm 2021 kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt hơn 656 triệu USD, tăng 14,11% so cùng kỳ.

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tỉnh tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, phù hợp với lộ trình thực hiện chiến lược phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030, tạo điều kiện cho hàng hóa Bến Tre tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Đáng chú ý, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của tỉnh đều có sự tăng trưởng cao như: các sản phẩm từ dừa đạt 192,15 triệu USD, tăng 15,14% so cùng kỳ; dệt may đạt 335 triệu USD, tăng 91,92%; túi xách đạt 56,57 triệu USD, tăng 27,61%; điện tử và linh kiện đạt 72,46 triệu USD, tăng 14,63%.

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho hay, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp theo dõi sát tình hình sản xuất và lưu thông hàng hoá, thông tin kịp thời và hỗ trợ cho các doanh nghiệp duy trì ổn định ở các thị trường xuất khẩu tiềm năng. Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp nên kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2021 tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm trước.

Ông Bùi Dương Thuật, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu trái cây Mekong (xã Hữu Định, huyện Châu Thành, Bến Tre) cho biết, từ đầu năm đến nay, công ty đã xuất khẩu gần 3 triệu trái dừa tươi uống nước sang các thị trường Mỹ, Canada, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Singapore.

Hiện công ty liên kết với 300 hộ dân ở các huyện Châu Thành và Giồng Trôm để tiêu thu dừa uống nước, với diện tích khoảng 200 ha. Từ tháng 4/2021 đến nay, công ty thu mua dừa cho nông dân có liên kết với giá 150.000 đồng/chục, tăng khoảng 20.000 đồng/chục so với trước.

Ông Bùi Dương Thuật cho hay, việc xuất khẩu của công ty không bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhưng hiện tại doanh nghiệp đang gặp khó khăn bởi giá cước vận chuyển hàng hoá tăng cao và thiếu container trầm trọng, chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu của doanh nghiệp.

Theo Sở Công Thương Bến Tre, 6 tháng cuối năm 2021, tỉnh phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 845 triệu USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2021 đạt hơn 1,5 tỷ USD.

Để đạt mục tiêu xuất khẩu đề ra, tỉnh Bến Tre tập trung xuất khẩu các mặt hàng đặc thù của địa phương và hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện đa dạng hóa thị trường, tránh lệ thuộc vào một thị trường.

Cùng với đó, giải pháp quan trọng được tỉnh triển khai nhằm thúc đẩy xuất khẩu là ưu tiên các hoạt động xúc tiến xuất khẩu vào các thị trường sớm khôi phục sau đại dịch COVID-19.

Đồng thời, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành có liên quan nắm bắt thông tin thị trường và cảnh báo sớm các vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến xuất khẩu như sự thay đổi chính sách của nước nhập khẩu, các rào cản kỹ thuật, rủi ro trong thanh toán...

Bến Tre hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án mới để tăng năng lực sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu tiếp cận các chính sách khuyến công, đầu tư đổi mới thiết bị, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp trên trường quốc tế.

Sở Công Thương Bến Tre cập nhật, thông tin kịp thời các quy định về hàng rào kỹ thuật của nhà nhập khẩu để doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch và áp dụng tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu.

Đồng thời, cập nhật thông tin thị trường, thông tin về hoạt động thương mại của các nước, nhu cầu đối với sản phẩm, các doanh nghiệp nhập khẩu, các thay đổi về chính sách… để cung cấp cho các doanh nghiệp xuất khẩu nhằm giúp doanh nghiệp tránh bị rủi ro khi xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.

Hiện nay, thị trường xuất khẩu của tỉnh Bến Tre được mở rộng đến 128 quốc gia và vùng lãnh thổ, với khoảng 130 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu; trong đó, các nước châu Âu, châu Mỹ và châu Á có tốc độ tăng trưởng nhanh và ổn định nhất.

Mặt hàng xuất khẩu có sự đa dạng về chủng loại, hàng hóa qua chế biến tăng dần và giảm xuất khẩu hàng thô; thị trường xuất khẩu trực tiếp chiếm tỷ trọng cao, đảm bảo duy trì được thị trường truyền thống và phát triển các thị trường mới có nhiều tiềm năng./.

>>Bến Tre nỗ lực vượt dịch COVID-19, kinh tế tăng trưởng ấn tượng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục