Bến Tre xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm OCOP đặc trưng

11:09' - 16/10/2022
BNEWS Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh cho biết, địa phương chú trọng phát huy tiềm năng, lợi thế, đặc biệt là về nguồn nguyên liệu, lao động,... để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP.

Qua đó, đưa Chương trình OCOP trở thành chương trình phát triển kinh tế quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường.

 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, sau gần 4 năm triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các sản phẩm OCOP của tỉnh đã phát huy được giá trị, tạo nên thương hiệu trên thị trường. Bước đầu hình thành nên chuỗi giá trị, đặc biệt trong chương trình có sự tham gia của 1 tổ hợp tác và 9 hợp tác xã với 14 sản phẩm.

Với điều kiện tự nhiên có nhiều thuận lợi, Bến Tre đã phát triển nhiều sản phẩm OCOP mang tính đặc trưng của địa phương như: các sản phẩm từ dừa, bưởi da xanh, tôm biển, khô...Thời gian qua, tỉnh thường xuyên đầu tư, nâng cấp, chuẩn hóa, không ngừng hoàn thiện các sản phẩm OCOP đã có, đồng thời xây dựng và phát triển thêm nhiều sản phẩm mới để tham gia chương trình.

Các sản phẩm OCOP cũng đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, gia tăng doanh thu và tạo ra nhiều thị trường mới đối với các chủ thể. Qua khảo sát, đa số các chủ thể đều đánh giá rằng từ khi tham gia chương trình OCOP doanh thu của chủ thể tăng từ 20- 30% so với trước khi tham gia chương trình.

Bến Tre đã triển khai mạnh mẽ nhiều hoạt động về quảng bá, hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm OCOP. Các địa phương vận động, hỗ trợ, khuyến khích các chủ thể tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP. Nhờ đó, đã góp phần tuyên truyền hình ảnh sản phẩm của các chủ thể không chỉ trong tỉnh mà còn đến những tỉnh khác trong nước.

Hiện nay, hầu hết các sản phẩm OCOP của tỉnh đã tham gia rất nhiều kênh phân phối để trưng bày, giới thiệu, quảng bá không chỉ trong tỉnh mà còn trên cả nước (cửa hàng trưng bày sản phẩm OCOP,trang thương mại điện tử, siêu thị,...). Nhiều sản phẩm đã tạo dựng nên thương hiệu như: các sản phẩm từ dừa, bưởi da xanh, sầu riêng, chôm chôm, nhãn,... được người tiêu dùng biết đến và đánh giá cao.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Đoàn Văn Đảnh, thời gian tới, để triển khai chương trình ngày một hiệu quả, đúng thực chất, nhu cầu của người dân, các cấp ủy đảng, sở, ngành, các địa phương phải xác định thực hiện đề án OCOP là nhiệm vụ quan trọng, cần phải thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại, giới thiệu các sản phẩm.

Mặt khác, tỉnh không ngừng tăng cường, nâng cao giá trị,số lượng,chất lượng các sản phẩm OCOP, tập trung xây dựng những vùng nguyên liệu chất lượng, ổn định, bảo vệ môi trường, ứng dụng chuyển đổi số đối với các sản phẩm để mở rộng thị trường.

Cùng với đó, tỉnh cần có những chính sách ưu tiên về khoa học công nghệ, vốn, đất đai để phát triển các sản phẩm OCOP. Đặc biệt cần tập trung nhiều hơn nữa các giải pháp ứng dụng chuyển đổi số, tăng cường chế biến, đẩy mạnh liên kết gắn với những vùng nguyên liệu của địa phương, góp phần hình thành những chuỗi giá trị theo Nghị quyết 07-NQ/TU của Tỉnh ủy về xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030. 

Đặc biệt, tỉnh Bến Tre vận động, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, tổ hợp tác, hợp tác xã tham gia chương trình OCOP. Đồng thời, tập trung thực hiện liên kết từ khâu đầu vào, sản xuất, bảo quản, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để góp phần gia tăng giá trị và lợi nhuận.

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã có 158 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, với 61 chủ thể là các doanh nghiệp, tổ hợp tác được UBND tỉnh công nhận; trong đó, có 79 sản phẩm đạt 3 sao và 79 sản phẩm đạt 4 sao (có 16 sản phẩm tiềm năng 5 sao)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục