Bệnh viện đầu tiên tại Phú Thọ ứng dụng công nghệ phẫu thuật cột sống bằng robot

11:34' - 28/10/2019
BNEWS Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ vừa làm thủ tục xuất viện cho bệnh nhân Trương Thanh Bình, 43 tuổi, trú tại huyện Hạ Hòa (Phú Thọ) sau khi phẫu thuật cột sống bằng robot.
Lắp đặt hệ thống robot trên người bệnh chuẩn bị phẫu thuật. Ảnh: benhviendakhoatinhphutho

Sáng 28/10, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Sơn - Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, Bệnh viện đã làm thủ tục xuất viện cho bệnh nhân Trương Thanh Bình, 43 tuổi, trú tại huyện Hạ Hòa (Phú Thọ) sau khi phẫu thuật cột sống bằng robot. Phú Thọ là nơi có bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên ứng dụng thành công công nghệ này.

Trước đó, ngày 26/9, bệnh nhân Trương Thanh Bình nhập viện trong tình trạng đau nhiều vùng cột sống thắt lưng, không tự đi lại được, uống thuốc giảm đau nhiều tháng dẫn đến viêm dạ dày cấp. Sau khi được các bác sỹ thăm khám, hội chuẩn, người bệnh bị hẹp ống sống L4-L5 có chỉ định phẫu thuật. Các bác sĩ đã quyết định áp dụng robot trong mổ để định vị chính xác vị trí bắt vít cột sống L4, L5 theo kế hoạch đã định sẵn từ trước với độ chính xác cao nhất.

Ngày 28/9, bệnh nhân Trương Thanh Bình được gây mê, tiến hành gắn khung định vị trên xương sống; sau đó đồng bộ hóa hình ảnh 3D (hình ảnh Xquang đứng và xiên với ảnh chụp CT của bệnh nhân trước mổ kết nối thông tin với nhau để máy hiểu và thực hiện), chọn trạm điều hành cho robot (robot hoạch định chính xác hướng của vít, vị trí đặt vít). Bệnh nhân được tiến hành mổ dưới sự hướng dẫn và điều khiển của cánh tay robot.

Các bác sĩ xem xét các thông số về vị trí, hướng đi, kích thước của vít phù hợp với từng đốt sống được phẫu thuật. Ảnh: benhviendakhoatinhphutho

Nếu như trước đây để bắt 4 vít, với một phẫu thuật viên giàu kinh nghiệm cần 1 tiếng 30 phút, nay với hướng dẫn của robot, việc bắt 4 vít chỉ diễn ra trong vòng 30 phút. Sau mổ 2 ngày, bệnh nhân đã khỏe lại và có thể ngồi được.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Sơn - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, trong phẫu thuật cột sống, xác định đúng vị trí cần bắt vít rất quan trọng, mục đích để tránh gây tổn thương đến các dây thần kinh. Vì bắt vít bằng tay nên phải kết hợp với phương pháp chụp X-quang để đảm bảo độ chính xác. Kỹ thuật mổ ít xâm lấn cũng đồng nghĩa với việc các bác sĩ sẽ bị giới hạn khoảng nhìn trong vùng cần thao tác so với mổ mở, do đó sẽ phải chụp nhiều ảnh X-quang để quan sát hơn.

Ngoài ra, việc phát tia X nhiều có nguy cơ gây ảnh hưởng tới sức khỏe cho người bệnh và phẫu thuật viên. Sử dụng robot thay thế sẽ giúp các bác sĩ định vị và tiến hành các thao tác chính xác nhất trên xương sống của người bệnh (độ chính xác tới 1mm) trong khi lượng tia phóng xạ phát ra được giảm thiểu tối đa để tránh gây hại cho cả bác sĩ và người bệnh.

Ngoài ra, việc sử dụng robot còn giảm những tổn thương không cần thiết đến các vùng mô và tế bào xung quanh, tránh được những rủi ro trong phẫu thuật, mang đến cơ hội điều trị tốt hơn cho những người bệnh mắc các bệnh lý về cột sống trong tỉnh Phú Thọ và khu vực lân cận./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục