Bệnh viện quá tải vì số ca mắc bệnh sốt xuất huyết gia tăng

14:09' - 01/08/2017
BNEWS Các bệnh viện tuyến như Bạch Mai, Bệnh nhiệt đới Trung Ương, Bệnh viện E và các bệnh viện có khoa truyền nhiễm ở Hà Nội đều đang quá tải người bệnh sốt xuất huyết.

Dịch sốt xuất huyết bùng phát ở nhiều nơi. Trong đó, hai điểm dịch lớn là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh đang diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng gấp 6-7 lần. 

Các bệnh viện tuyến như Bạch Mai, Bệnh nhiệt đới Trung Ương, Bệnh viện E và các bệnh viện có khoa truyền nhiễm ở Hà Nội đều đang quá tải người bệnh sốt xuất huyết. 

Số ca mắc sốt xuất huyết tăng vọt. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN.

Do các bệnh viện đều rơi vào tình trạng quá tải người bệnh sốt xuất huyết nên chỉ những trường hợp nặng, có dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm mới được nhập viện theo dõi. Đa phần bệnh nhân được cho điều trị ngoại trú và tái khám theo hẹn.

Chị Nguyễn Thu Phương (ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, người nhà chị bị bệnh sốt xuất huyết, xét nghiệm tiều cầu thấp nhưng không thể nhập viện vì bệnh viện quá tải từ chối nhận nên chị đành đưa người nhà sang một bệnh viện khác.

Theo thông tin từ Bệnh viện E trung ương, trung bình mỗi ngày khoa Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện E khám cho hơn 80 người dân mắc sốt xuất huyết, trong đó có từ 25-30 trường hợp phải nhập viện theo dõi, điều trị để giảm nguy cơ biến chứng, gây nguy hiểm cho tính mạng người bệnh.

Những ngày gần đây, số bệnh nhân đến khám tại bệnh viện E do sốt xuất huyết tăng vọt thậm chí người bệnh phải nằm ghép, nằm giường gấp và bệnh nhân đều vào viện khi bệnh đã nặng phải nhập viện.

Tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai tình hình cũng không khả quan hơn. Dù Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo không để bệnh nhân nằm ghép nhưng thực tế số bệnh nhân nặng quá đông nên bệnh nhân vẫn phải nằm ghép giường trong đó có cả người già và phụ nữ mang thai.

Bệnh nhân Kiều Thị Ch., 32 tuổi (tại Thanh Xuân, Hà Nội) mang thai lần hai 37 tuần, nhập viện ngày 26/7/2017 với dấu hiệu sốt cao liên tục 39-40 độ C, đau bụng, tử cung có cơn co, tim thai 150 lần/phút, âm đạo không ra máu, không ra dịch.

Chị Ch. đang khám ở một bệnh viện khác và thai bình thường nhưng xét nghiệm dương tính với sốt xuất huyết Dengue nên đã chuyển đến khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai điều trị. 

Chị Ch trước đó đã từng bị sảy thai lúc 20 tuần tuổi nên lần này có bầu lại chị mắc sốt xuất huyết ở những tháng cuối của thai kỳ, tim thai có lúc chậm nên gia đình rất lo lắng cho sức khỏe của cả hai mẹ con. 

Các bác sĩ phải theo dõi rất sát sao. Sau khi hội chẩn giữa bác sĩ truyền nhiễm và bác sĩ sản khoa, bệnh nhân được truyền dịch, uống thuốc hạ sốt, giảm đau, giảm co bóp tử cung... tránh hiện tượng đẻ non.

Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 1, các ca bệnh nhi mắc sốt xuất huyết nhập viện Nhi đồng 1 đang tăng lên theo từng tuần, từng tháng và chưa có dấu hiệu dừng lại. Đã có 3 trẻ tử vong vì sốt xuất huyết tính từ đầu năm đến nay.

Tính từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận gần 2.000 ca sốt xuất huyết và từ tháng 6, các ca mắc bắt đầu tăng cao. Riêng trong tháng 7, số trẻ sốt xuất huyết nhập viện mỗi tuần khoảng 80 – 90 ca, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Số bệnh nhân đến từ các tỉnh chiếm khoảng 45%. Hiện tại đang có 110 trẻ sốt xuất huyết phải điều trị nội trú, trong đó có 9 ca sốc sốt xuất huyết.

Do số ca mắc liên tục tăng, bệnh viện đã tăng cường lọc bệnh, những ca nhẹ cho điều trị tại nhà để tránh quá tải bệnh nhân nội trú, đồng thời đề nghị các bệnh viện tuyến dưới tăng cường điều trị.

Theo bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, các quận Hoàng Mai, Đống Đa và nhiều quận huyện khác của Hà Nội vẫn tiếp tục gia tăng bệnh nhân sốt xuất huyết, tích lũy toàn thành phố kể từ đầu năm 2017 (đặc biệt gia tăng từ tháng 5) đã xấp xỉ 8.000 người mắc sốt xuất huyết.

Để giảm bớt áp lực cho các bệnh viện đang quá tải bệnh nhân, ngày 2/8, Hà Nội sẽ họp với khối y tế ngoài công lập để chọn các phòng khám có đủ trang thiết bị, nhân lực, đáp ứng điều kiện về danh mục kỹ thuật là chẩn đoán, điều trị ban đầu cho người bệnh sốt xuất huyết tham gia tiếp nhận bệnh nhân.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục