Bỉ: Mỹ không có quyền áp đặt các công ty châu Âu

14:54' - 27/09/2018
BNEWS Ngày 26/9, Thủ tướng Bỉ Charles Michel tuyên bố Mỹ không có quyền áp đặt các doanh nghiệp châu Âu được phép hay không được phép giao dịch, làm ăn với đối tác cụ thể nào.

Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp Tổng thống Iran Hassan Rouhani ở New York, Mỹ, bên lề kỳ họp cấp cao thường niên Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) khóa 73, Thủ tướng Michel nhấn mạnh: "Chúng tôi không thể chấp nhận việc Mỹ quyết định các khu vực mà ở đó những doanh nghiệp châu Âu có thể hoặc không thể làm ăn cùng".

Thủ tướng Bỉ nhấn mạnh nước này và Liên minh châu Âu (EU) không hề "ngây thơ" khi đề cập tới vấn đề Iran và tầm ảnh hưởng trong khu vực của đất nước Hồi giáo này.

Một cơ sở sản xuất dầu của Iran trên đảo Khark ở ngoài khơi vùng Vịnh Persian tháng 2/2016. Ảnh: AFP/TTXVN

Thủ tướng Bỉ là nhà lãnh đạo phương Tây đầu tiên tiến hành cuộc gặp song phương với Tổng thống Iran trong khuôn khổ tham dự kỳ họp ĐHĐ LHQ khóa 73. Bỉ sẽ đảm trách vai trò ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ bắt đầu từ năm 2019 và kéo dài trong hai năm.

Nhà lãnh đạo Bỉ đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh Mỹ có quan điểm cứng rắn đối với Iran. Hồi tháng 5 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) được ký giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức) hồi năm 2015.

Đến tháng 8, Washington đã tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran, theo đó yêu cầu các nước ngừng mua dầu của Iran kể từ ngày 4/11 tới nếu không sẽ phải đối mặt với hậu quả tài chính.

Hệ quả là một loạt công ty quốc tế, trong đó có các tập đoàn Total, Peugeot và Renault của Pháp, cũng như tập đoàn Siemens và Daimler của Đức đã ngừng hoạt động tại Iran.

Cả Air France và British Airways đều đã thông báo ngưng các chuyến bay đến Tehran từ tháng 9. Hiện các bên còn lại trong Nhóm P5+1 cùng với Iran đang nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hạt nhân lịch sử JCPOA. T

rong thời gian qua, châu Âu đã thể hiện thiện chí và xúc tiến một loạt biện pháp nhằm đáp ứng yêu cầu từ Tehran.

Cụ thể, EU đã quyết định chi 18 triệu euro (21 triệu USD) viện trợ cho Iran để bù đắp tác động từ lệnh trừng phạt của Mỹ, một phần trong khuôn khổ các nỗ lực nhằm cứu vãn JCPOA./.

>>>Ấn Độ ngừng mua dầu thô của Iran từ tháng 11 tới

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục