Biến động giá xe điện đẩy các công ty bảo hiểm vào “thế khó”

05:30' - 04/07/2024
BNEWS Thị trường xe điện (EV) của Thái Lan đang tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, ngành ô tô nước này có thể gặp khó khăn nếu các công ty bảo hiểm từ chối cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho xe điện.

Đó là nhận định của Hiệp hội Ô tô Thái Lan (TAIA). Ngày 2/7, Công ty Bảo hiểm An toàn Hàng hải Tokio (Tokio Marine) thông báo rằng dịch vụ bảo hiểm hiện tại của họ sẽ “tạm thời” không áp dụng cho những khách hàng sử dụng xe điện mới và xe điện đã qua sử dụng, vì họ cần xem xét lại mức phí bảo hiểm mới tùy theo từng trường hợp cụ thể.

Tokio Marine, công ty bảo hiểm ô tô lớn thứ hai của Thái Lan tính theo thị phần, đã đưa ra thông báo chính thức sau khi xuất hiện một số thông tin lan truyền trên mạng xã hội rằng công ty này đã ngừng cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho xe điện. Trong thông báo, Tokio Marine lưu ý thêm các dịch vụ vẫn có sẵn nhưng phải tuân theo các điều kiện đã thay đổi. 

Biến động lớn về giá xe điện và giá trị yêu cầu bồi thường cao là nguyên nhân chính khiến các công ty bảo hiểm phải điều chỉnh các gói bảo hiểm. Tokio Marine giải thích đối với những khách hàng hiện tại muốn gia hạn hợp đồng, họ sẽ căn cứ mức phí bảo hiểm dựa trên hồ sơ yêu cầu bồi thường.

Theo truyền thông sở tại, Hiệp hội Bảo hiểm tổng hợp Thái Lan gần đây đã lên tiếng cảnh báo các thành viên về dịch vụ bảo hiểm cho xe điện. Hiệp hội này lưu ý rằng phụ tùng thay thế trong một số trường hợp đắt hơn 50-60% so với ô tô động cơ đốt trong. Ngoài ra, nhiều yêu cầu bồi thường thiệt hại có thể lên tới 90-100% giá trị của một chiếc ô tô.

Thực trạng ở nhiều quốc gia cho thấy rằng ngay cả những hư hỏng nhỏ do va chạm đối với bộ pin của xe điện cũng có thể dẫn đến việc phải thay thế toàn bộ bộ phận. Đáng chú ý bộ pin thường chiếm khoảng một nửa giá thành của một chiếc xe điện.

Ông Suwat Supakarndechakul, Chủ tịch TAIA, nói ít nhất hai công ty bảo hiểm đã quyết định tạm thời ngừng cung cấp chính sách bảo hiểm cho xe điện. Hiện TAIA đã lên kế hoạch gặp gỡ các nhà sản xuất xe điện toàn cầu, cũng như Hiệp hội Bảo hiểm phi nhân thọ Thái Lan (TGIA) để xem xét vấn đề.

Theo TAIA, hầu hết xe điện bán ở Thái Lan hiện nay đều được nhập khẩu từ Trung Quốc, số lượng xe điện được sản xuất trong nước còn ít. Nhiều công ty xe điện Trung Quốc đã cam kết đầu tư hàng tỷ baht để phát triển các nhà máy ở Thái Lan, nhằm mục đích sử dụng quốc gia này làm cơ sở sản xuất sản phẩm để xuất khẩu sang các thị trường khác. Điều này cũng sẽ góp phần giúp Chính phủ Thái Lan đạt được mục tiêu đưa nước này trở thành trung tâm sản xuất xe điện hàng đầu của Đông Nam Á.

Ông Surapong Paisitpatanapong, Phó Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan và người phát ngôn của Câu lạc bộ Công nghiệp ô tô, chia sẻ vẫn chưa rõ liệu hai công ty bảo hiểm nói trên có thực sự muốn ngừng cung cấp bảo hiểm xe điện hay không.

Theo Văn phòng Ủy ban bảo hiểm (OIC), tổng cộng có 23 công ty bảo hiểm vẫn cung cấp dịch vụ bảo hiểm xe điện. Nguồn tin từ OIC nhấn mạnh: “Đối với trường hợp của Tokio Marine, có thể đã có sự hiểu lầm về việc công ty này hủy dịch vụ bảo hiểm xe điện. Gần đây công ty đã làm rõ rằng họ đang điều chỉnh các điều kiện đối với khách hàng hiện tại”.

Chủ tịch TGIA, ông Somporn Suebthawilkul, cho biết Hiệp hội đang yêu cầu các thành viên trình bày phương pháp tính phí bảo hiểm xe điện của họ.

Dựa trên dữ liệu từ Mỹ, châu Âu, Trung Quốc và Nhật Bản, phí bảo hiểm xe điện trung bình đắt hơn 30-40% so với ô tô động cơ đốt trong, trong khi ở Singapore, giá này đắt hơn 50%.

Cuộc chiến về giá giữa các nhà sản xuất xe điện, chủ yếu là từ Trung Quốc, đang làm phức tạp thêm vấn đề đối với chủ xe cũng như các công ty bảo hiểm tại Thái Lan. 

Một công ty bảo hiểm đánh giá giá trị thay thế của một chiếc ô tô chẳng hạn như ở mức 1 triệu baht (27.132 USD) và định giá phí bảo hiểm tương ứng, có thể nhận thấy mẫu xe tương tự có giá mới là 750.000 baht vài tháng sau đó. Nhưng công ty bảo hiểm vẫn sẽ phải trả số tiền bảo hiểm thậm chí cao hơn số tiền mua một chiếc xe mới nếu chiếc xe được bảo hiểm gặp tai nạn nghiêm trọng.

Kasikorn Leasing (K-Leasing), một công ty con của Kasikornbank (KBank) trong lĩnh vực cho vay mua ô tô, cho biết công ty vẫn tiếp tục cung cấp các khoản vay cho cả ô tô động cơ đốt trong (ICE) và xe điện.

Giám đốc điều hành K-Leasing, ông Tirachart Chiỉacharasporn, nói công ty này xem xét hồ sơ rủi ro, bao gồm tuổi của xe và khả năng trả nợ của khách hàng. Ông Tirachart nhấn mạnh: “Loại xe là một yếu tố khác cần tính đến khi xét đến tài sản thế chấp cho khoản vay. Tài sản thế chấp cho xe điện sẽ cao hơn so với xe ICE và điều này cũng liên quan đến các loại bảo hiểm xe điện”.

Theo ông Tirachart, người mua ô tô tin rằng xe điện ít tốn kém hơn về chi phí nhiên liệu so với xe ICE, nhưng chi phí bảo hiểm xe điện lại cao hơn. Ông cho rằng các công ty bảo hiểm đã điều chỉnh các tiêu chí đối với bảo hiểm xe điện từ ngày 1/6 vừa qua, bao gồm phí bảo hiểm, điều kiện yêu cầu bồi thường về pin và hồ sơ tài xế. Do đó, các nhà cung cấp dịch vụ cho vay mua ô tô sẽ điều chỉnh hoạt động phù hợp với môi trường đang thay đổi.

Người mua ô tô thường có tùy chọn chỉ định người lái xe khi mua bảo hiểm. Theo tiêu chí mới, người lái xe điện phải được nêu tên. Đối với tiêu chí yêu cầu bồi thường ắc quy, nếu xảy ra tai nạn làm hỏng ắc quy và cần phải thay thế toàn bộ ắc quy thì sẽ áp dụng mức giảm bảo hiểm ắc quy với tỷ lệ khấu hao 10%/năm, mức giảm tối đa là 50%. Nếu xảy ra tai nạn làm hỏng ắc quy và có thể sửa chữa được thì công ty bảo hiểm sẽ chi trả 100% chi phí sửa chữa.

Theo Ngân hàng trung ương Thái Lan, tỷ lệ phê duyệt khoản vay mua ô tô trong quý I/2024 giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 0,4% so với quý trước đó. Việc từ chối cho vay mua ô tô tăng lên do khả năng trả nợ yếu hơn của người đi vay.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục