Biện pháp cô lập Huawei của Tổng thống Trump có thể thất bại?

05:00' - 08/06/2019
BNEWS Hành động cô lập Huawei của Mỹ không chỉ nhằm làm tê liệt tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc, mà còn muốn các quốc gia đưa ra lựa chọn về việc sẽ theo bên nào của “Bức tường Berlin mới”.
Một cửa hàng của Huawei tại thành phố Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Trang tin Financial Review của Australia cho biết, thời gian gần đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thành công trong việc xây dựng bức tường của mình, không phải là bức tường với Mexico ở Tây Nam nước Mỹ mà ông luôn đòi hỏi từ khi tranh cử, mà là bức tường phức tạp hơn nhiều. 

Đó là bức tường ngăn tập đoàn công nghệ hàng đầu của Trung Quốc Huawei hoạt động ở Mỹ và chặn mọi liên hệ của tập đoàn này với các công nghệ của Mỹ trong một quyết định được ông chủ Nhà Trắng đưa ra trong tháng 5/2019.

Sau một loạt sắc lệnh được Tổng thống Trump đưa ra, Huawei sẽ không được sử dụng các công nghệ của các công ty Mỹ. Cụ thể, các điện thoại do Huawei sản xuất sẽ không được sử dụng phần mềm Android do Google sản xuất. 

Huawei cũng không được tiếp cận sử dụng các sản phẩm của các công ty chip của Mỹ. Đây là vấn đề khá nghiêm trọng đối với Huawei công ty Trung Quốc này đang phụ thuộc khá lớn vào nguồn cung từ các công ty chip từ Mỹ trong việc xây dựng hệ thống mạng không dây thế hệ thứ 5 (5G).

Hành động trên của ông Trump không chỉ nhằm làm tê liệt tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc, mà còn muốn các quốc gia buộc phải đưa ra lựa chọn về việc sẽ theo bên nào của “Bức tường Berlin mới”. 

Phát biểu về vấn đề này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố các nhà lãnh đạo thế giới sẽ phải lựa chọn giữa một hệ thống mạng Internet mang “các giá trị phương Tây” hay một hệ thống mạng “dựa trên các nguyên tắc của một chế độ cộng sản, độc tài”. Vấn đề nằm ở chỗ, ngay cả khi ông Trump có thể cô lập được Huawei thì các thông tin dữ liệu vẫn có thể được chuyển qua các tuyến cáp quang dưới biển hoặc thông qua các vệ tinh kết nối hai môi trường Internet cạnh tranh.

Trong số các đồng minh thân cận của Mỹ, Australia và Nhật Bản là những quốc gia đã đưa ra lệnh cấm Huawei tham gia xây dựng hệ thống mạng 5G tại hai nước này. Hai đồng minh khác là Anh và Đức, thuộc khối NATO, lại đang có sự đắn đo và lo ngại. Lý do là bởi các quốc gia này e ngại việc Trung Quốc có thể trả đũa, và có thể nghiên cứu về khả năng sử dụng nguồn đầu tư của Huawei nhưng vẫn đảm bảo an ninh quốc gia. 

Theo kế hoạch được đề xuất tại các quốc gia này, các công ty viễn thông phương Tây như Nokia hay Ericsson sẽ chế tạo các phần lõi hoặc những bộ phận quan trọng của các thiết bị, còn Huawei sẽ tham gia chế tạo các bộ phận ngoại vi. 

Còn đối với Đức, nếu đưa ra các lệnh cấm với Huawei, quốc gia này có thể phải đối mặt với việc Bắc Kinh đe dọa các liên doanh chế tạo ô tô của Đức tại Trung Quốc, với sản lượng khoảng 1 triệu xe BMW và Mercedes-Benz mỗi năm. Trong khi đó, ở châu Á, Singapore thông báo chính thức sẽ không đưa ra các lệnh cấm đối với Huawei tại nước này theo lời kêu gọi của Mỹ.

Vấn đề Huawei có thể mang đến một mối nguy lớn hơn mà ông Trump chưa bao giờ thừa nhận, đó là việc khi ông Trump chặn các dòng chảy công nghệ từ Mỹ sang Trung Quốc có thể khiến đẩy nhanh tiến trình độc lập về công nghệ của Trung Quốc. 

Quốc gia đông dân nhất thế giới đã trải qua bốn năm thực hiện chiến dịch “Made in China 2025”, trong đó chính phủ thực hiện các chính sách hỗ trợ các công ty trong nước chiếm ưu thế trong các lĩnh vực sản xuất công nghệ cao như chất bán dẫn, công nghệ 5G, trí tuệ nhân tạo và phương tiện giao thông tự động. Theo các chuyên gia, chiến dịch “Made in China 2025” có thể sẽ được đẩy nhanh hơn khi Mỹ cố gắng cô lập Trung Quốc về công nghệ đối.

Người đứng đầu tập đoàn Huawei Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei) trong một cuộc phỏng vấn mới đây cho biết ông đã cho triển khai tích trữ các vật liệu quan trọng và đẩy nhanh quá trình này sau khi con gái ông, Giám đốc Tài chính của tập đoàn này, bà Mạnh Vãn Châu (Meng Wanzhou) bị bắt tại Canada hồi tháng 12 năm ngoái theo yêu cầu của phía Mỹ với cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt đối với Iran./.    

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục