“Biến số” đe dọa quá trình phục hồi kinh tế Indonesia

06:30' - 23/03/2022
BNEWS Tình trạng căng thẳng địa chính trị gia tăng hiện nay, đặc biệt là tại Ukraine, cũng như một số yếu tố khác có thể làm gián đoạn quá trình phục hồi kinh tế của Indonesia.

Trong phát biểu mới đây, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati đã bày tỏ lo ngại rằng tình trạng căng thẳng địa chính trị gia tăng hiện nay, đặc biệt là tại Ukraine, cũng như một số yếu tố khác có thể làm gián đoạn quá trình phục hồi kinh tế.

Bà Sri Mulyani, người từng giữ chức Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB), cho rằng xung đột Nga-Ukraine đã tạo ra "mức độ không chắc chắn rất cao" trong bối cảnh các lệnh trừng phạt kinh tế đã dẫn đến sự gia tăng giá cả hàng hóa, cũng như biến động trên các thị trường vốn và tài chính. Trong khi đó, rủi ro về gián đoạn chuỗi cung ứng, lạm phát, tỷ lệ tiêm chủng không đồng đều và các chính sách tiền tệ toàn cầu sắp bị siết chặt, cùng nhiều vấn đề khác vẫn đang tồn tại.
Phát biểu tại một hội thảo trực tuyến do hãng xếp hạng tín dụng Fitch Ratings tổ chức, Bộ trưởng Sri Mulyani nhấn mạnh: "Tất cả những điều này sẽ là mối đe dọa rất thực sự đối với quá trình phục hồi kinh tế ở cả các nước phát triển cũng như ở các nước mới nổi".
Đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn nguồn cung ở nhiều quốc gia và giá cả một số mặt hàng quan trọng đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm, thậm chí cao nhất mọi thời đại. Giá dầu Brent đã nhanh chóng vượt qua 120 USD/thùng, gấp đôi giá giả định trong kế hoạch ngân sách nhà nước năm 2022 của Indonesia. Giá nickel (niken), than đá và nhôm, cũng như các mặt hàng nông nghiệp như lúa mỳ cũng nằm trong số những mặt hàng tăng giá mạnh nhất. Ngày 15/3, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo về rủi ro tăng trưởng chậm lại và lạm phát tăng vọt.
Bà Sri Mulyani cho rằng Indonesia có thể ứng phó tương đối tốt, đồng thời khẳng định rằng thặng dư thương mại và dự trữ ngoại hối cao của nước này đã tạo ra "bộ đệm" trước sự biến động và tình trạng không chắc chắn, đặc biệt là nhờ vị thế quốc gia xuất khẩu hàng hóa ròng.
Theo bà Sri Mulyani, Indonesia vẫn trên đà củng cố tài khóa trong bối cảnh chính phủ đang nỗ lực hướng tới mục tiêu đưa thâm hụt ngân sách xuống dưới 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2023 theo quy định của một điều luật được Quốc hội thông qua năm 2020 nhằm ứng phó với COVID-19.
Bộ trưởng Sri Mulyani cho rằng Indonesia "tương đối được che chắn trước cuộc xung đột này", song cho biết chính phủ vẫn sẽ cảnh giác. Lạm phát ở Indonesia rất thấp so với nhiều quốc gia, song bà Sri Mulyani nhận thức được rằng điều này đang khiến ngân sách phải trả giá do trợ cấp nhiên liệu và điện.
Năm 2022, Chính phủ Indonesia cũng có kế hoạch tăng thuế giá trị gia tăng thêm 1 điểm phần trăm, điều được bà Sri Mulyani khẳng định là sẽ được tiến hành "rất cẩn thận" để không làm suy yếu quá trình phục hồi trong bối cảnh rủi ro địa chính trị gia tăng.
Cũng tại hội thảo, ông Thomas Rookmaaker, Giám đốc Fitch Ratings tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhận định rằng giá cả hàng hóa tăng cao sẽ khiến lạm phát ở Indonesia tăng đáng kể trong năm nay, đặc biệt là giá thực phẩm. Tác động lên giá nhiên liệu vẫn chưa được ghi nhận do được nhà nước trợ giá, song ông Rookmaaker cho rằng Chính phủ Indonesia sẽ sớm phải hành động nếu giá dầu vẫn ở mức cao trong thời gian dài hơn dự báo.
Do nguồn thu ngân sách của Indonesia thấp hơn so với các quốc gia khác, Fitch lưu ý rằng chính phủ nước này không có nhiều sự linh hoạt trong chi tiêu. Năm nay, tình hình sẽ còn phức tạp hơn do Indonesia phải chi tiêu đáng kể cho các dự án cơ sở hạ tầng và dự án thành phố thủ đô mới.
Ông Rookmaaker cho rằng Chính phủ Indonesia sẽ phải đưa ra các lựa chọn giữa việc tăng giá các mặt hàng nhiên liệu được trợ giá, chi tiêu ít hơn cho phát triển cơ sở hạ tầng, hoặc trì hoãn củng cố tài khóa, trong đó phương án sau cùng ít có khả năng xảy ra nhất.
Ngoài ra, ông Rookmaaker dự báo rằng đầu tư vào Indonesia sẽ đối mặt với một số thách thức, đặc biệt là do sự không chắc chắn trong việc thực thi Đạo luật Omnibus về tạo việc làm sau khi Tòa án Hiến pháp ra phán quyết rằng một phần của điều luật này là vi hiến. Theo một số kịch bản, tăng trưởng đầu tư của Indonesia sẽ chậm hơn dự kiến.
Về phần mình, nhà kinh tế Josua Pardede thuộc Ngân hàng Permata cho biết cuộc khủng hoảng hiện nay tại Đông Âu cũng có một số tác động tích cực đến nền kinh tế Indonesia, vì giá hàng hóa tăng sẽ giúp nâng kim ngạch xuất khẩu, giúp cân bằng tài khoản vãng lai và bù đắp cho giá hàng hóa nhập khẩu như dầu mỏ và thực phẩm tăng cao.
Ông Josua chia sẻ ý kiến theo đó, tại một số thời điểm, giá cả hàng hóa sẽ phải bình thường hóa vì giá cao cũng gây ra các tác dụng phụ tiêu cực trên khía cạnh trợ cấp và lạm phát, đồng thời bày tỏ hy vọng rằng xung đột Nga-Ukraine sẽ dần dịu xuống và giá hàng hóa có thể bắt đầu bình thường hóa trong nửa cuối năm nay. Trong trường hợp đó, Chính phủ Indonesia sẽ không cần phải tăng giá nhiên liệu được trợ cấp và tác động đối với ngân sách cũng sẽ được hạn chế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục