Biến thể mới Omicron phủ bóng mây ảm đạm lên nền kinh tế

19:30' - 30/11/2021
BNEWS Biến thể Omicron có thể làm chệch hướng sự phục hồi kinh tế trong bối cảnh chuỗi cung ứng đã bị gián đoạn và lạm phát tăng mạnh.

Bình luận về tác động của biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có tên Omicron, nhật báo Le Monde (Pháp) cho rằng “bầu trời” kinh tế đang bị bao phủ bởi một đám mây ảm đạm mang tên Omicron.

Trên khắp châu Âu, ngân sách liên tục bị cắt giảm. Tăng trưởng dự kiến sẽ gần như bằng 0 trong quý IV/2021 ở Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) trong khi thị trường chứng khoán giảm mạnh. 

Theo Le Monde, giữa lúc các quy định về sức khỏe đang được thắt chặt trên toàn châu Âu trong vài ngày trở lại đây, việc phát hiện ra một biến thể mới đến từ miền Nam châu Phi đã khiến thị trường chứng khoán sụt giảm nghiêm trọng vào phiên cuối tuần qua. Kết thúc phiên giao dịch chiều thứ Sáu ngày 26/11, các chỉ số CAC40 của Pháp giảm 5,02%, DAX ở Đức giảm 4,15% và FTSE 100 ở Vương quốc Anh hạ 3,64%…

Xu hướng tương tự cũng xảy ra ở Mỹ, nơi tất cả các chỉ số đều mất hơn 2% trong phiên cuối ngày. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng giảm 12% xuống dưới mốc 70 USD/thùng, trước khi tăng nhẹ trở lại ngưỡng trên 70 USD/thùng hôm 29/11. Trong khi trước đó, tình hình đã rất khả quan. Chris Beauchamp, chuyên gia phân tích tại IG, một công ty môi giới, cho biết: “Các thị trường chứng khoán đã tăng rất nhiều trong 8 tuần qua, kể từ một năm nay mọi sự đã tốt đẹp hơn”.

Việc phát hiện ra cái gọi là biến thể B.1.1.529, lần đầu tiên ở Botswana và sau đó ở Nam Phi, chỉ mới xảy ra gần đây, nhưng hồ sơ có vẻ đáng lo ngại do khả năng lây lan rất nhanh và mức độ kháng vaccine của biến thể. Các trường hợp lây nhiễm biến chủng mới này cũng đã được phát hiện ở Hong Kong (Trung Quốc), Israel và Bỉ.

Ngay sau đó, hầu hết các quốc gia đã đình chỉ các chuyến bay từ miền Nam châu Phi. Vương quốc Anh là nước đầu tiên công bố điều này vào tối ngày 25/11. Pháp đã làm điều tương tự ngày 26/11, cấm "trong thời gian tối thiểu 48 giờ" các du khách đến từ Nam Phi, Lesotho, Botswana, Zimbabwe, Mozambique, Namibia và Eswatini (tên mới của Swaziland). Ủy ban châu Âu cũng đề nghị toàn bộ Liên minh châu Âu (EU) làm tương tự.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 26/11 đã cố gắng giảm bớt mối lo ngại khi trấn an rằng còn quá sớm để đánh giá mức độ nguy hiểm của biến thể này. Tuy nhiên, các thị trường tài chính đã bỏ qua khuyến cáo đó.

Trước đó, từ vài tuần trở lại đây, trên khắp Bắc Âu, những tin tức xấu đối với nền kinh tế đã gia tăng. Bỉ, Hà Lan, Đức, Áo… lần lượt áp dụng các biện pháp hạn chế y tế mới. Áo giãn cách xã hội trong 20 ngày.

Hôm 26/11, Chính phủ Bỉ đã thắt chặt các quy định về y tế lần thứ hai trong tuần. Theo đó, các quán bar và nhà hàng phải đóng cửa lúc 11 giờ đêm, trong khi các câu lạc bộ đêm phải kéo rèm sắt và không hoạt động trong vòng ba tuần.

Ở Đức, quốc gia chiếm 1/5 tỷ trọng nền kinh tế của Eurozone, cũng đang đứng trước bờ vực đóng cửa. Các quy định hạn chế y tế được áp dụng theo từng bang, song ở mọi nơi chúng đều được thắt chặt, từ việc áp dụng chứng nhận y tế, đến việc hủy bỏ các chợ Giáng Sinh và giới hạn số lượng người vào mỗi cửa hàng.

Oliver Rakau, chuyên gia kinh tế của công ty nghiên cứu Oxford Economics có trụ sở tại Frankfurt, đang theo dõi chặt chẽ chỉ số di động do Google cung cấp, cho biết chỉ số này đã giảm trong vài tuần qua: "Chúng tôi đang chứng kiến một kiểu giãn cách xã hội tự nguyện".

Ông cho biết thêm: "Mọi người ít di chuyển hơn, tránh những nơi đông đúc, họ chọn các phương tiện viễn thông để giao tiếp và liên lạc...". Hiện tại, xu hướng này vẫn chưa lan sang khu vực Nam Âu. Không giống các nước nói tiếng Đức ở Bắc Âu, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha có tỷ lệ tiêm chủng rất cao. Tại Pháp, đại dịch tuy đang gia tăng trở lại nhưng các bệnh viện vẫn chưa quá tải.

Theo dự báo của các chuyên gia, các biện pháp hạn chế xã hội ở Bắc Âu sẽ khiến nền kinh tế khu vực chậm lại nghiêm trọng. Theo ông Oliver Rakau : “Ở Đức, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) có thể sẽ giảm trong quý IV/2021". Trong khi đó, ông Andrew Kenningham của hãng nghiên cứu Capital Economics cũng dự đoán điều tương tự.

Ông nói: “Đức có thể mất nửa điểm tăng trưởng trong quý IV, hoặc tương tự như vậy". Trước khi làn sóng dịch mới xuất hiện, ông Andrew Kenningham từng dự đoán kinh tế Đức sẽ tăng trưởng 0,5%. Theo ông, toàn bộ khu vực Eurozone cần cố gắng để tránh rơi vào suy thoái trong quý IV và giữ tăng trưởng ở mức 0,2%.

“Cú phanh” đột ngột này đối với sự phục hồi kinh tế ở châu Âu đang trở nên trầm trọng hơn bởi sự ngưng trệ trong sản xuất công nghiệp, do chuỗi cung ứng đã hoàn toàn bị gián đoạn và đại dịch khiến các phụ tùng thay thế luôn thiếu thốn.

Vấn đề đặc biệt nghiêm trọng trong ngành công nghiệp ô tô, nơi tình trạng thiếu hụt thiết bị bán dẫn đang khiến các nhà máy rơi vào bế tắc. Ông Andrew Kenningham cho biết: “Ở Đức, các nhà máy đang hoạt động với một nửa công suất, trong khi đó lại là lĩnh vực mũi nhọn, chiếm 4% GDP của nước này. Tình thế tương tự cũng đang diễn ra ở Vương quốc Anh, nơi sản xuất ô tô đã giảm 41% trong tháng 10, xuống mức thấp nhất kể từ năm 1956".

Một nỗi lo lớn khác đến từ lạm phát, hiện ở mức 4,1% trong Eurozone. Đối với Fabio Panetta, thành viên ban điều hành Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), đây có thể coi là một loại “thuế tiêu dùng” thực sự. Theo ông, nguyên nhân của việc tăng giá chủ yếu là do các yếu tố liên quan đến nhập khẩu từ nước ngoài như giá dầu tăng cao (tăng 60% trong một năm), nguyên vật liệu khan hiếm, hoạt động vận tải container đình trệ…

Ông cho rằng ECB không thể làm được gì nhiều đối với vấn đề ngoại sinh mang tính nhất thời này. Ông nói: "Chính sách tiền tệ phải được duy trì ở mức độ ổn định và lâu dài" và trong bối cảnh này, nhà nước sẽ không thể cắt giảm ngay việc hỗ trợ kinh tế. Hơn 2.000 tỷ euro được ECB chi cho các gói trợ giúp kể từ khi bắt đầu đại dịch sẽ còn phải tiếp tục duy trì trong một thời gian dài sắp tới.

Tuy nhiên, cũng theo ông Oliver Rakau, dù tình hình đột nhiên trở nên ảm đạm do biến thể mới nhưng đây chưa phải thảm họa. Ông lưu ý: “Tác động kinh tế của các đợt dịch, mỗi lần thường giảm bớt một chút. Các chiến dịch tiêm chủng đã giúp giảm bớt nguy cơ lây nhiễm và giảm tải các bệnh viện. Nền kinh tế cũng đã thích ứng dần với hoàn cảnh mới và việc sử dụng công nghệ từ xa trở nên phổ biến hơn".

Ông Rakau kết luận: “Làn sóng dịch bệnh hiện tại không ảnh hưởng đến dự báo kinh tế trung hạn của chúng tôi. Chúng tôi tin rằng sẽ có một sự phục hồi khá nhanh sau mỗi đợt dịch"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục