Bình Định công bố dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò

10:37' - 21/07/2021
BNEWS Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bình Định cho biết, trước tình hình dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò lây lan trên diện rộng, UBND tỉnh Bình Định đã quyết định công bố dịch.

Ngày 21/7, ông Nguyễn Văn Quốc, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bình Định cho biết, trước tình hình dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò lây lan trên diện rộng, UBND tỉnh Bình Định đã quyết định công bố dịch trên địa bàn toàn tỉnh.

Việc công bố dịch viêm da nổi cục ở trâu bò quy mô cấp tỉnh là cơ sở để UBND tỉnh bố trí kinh phí đảm bảo để phục vụ kịp thời cho việc hỗ trợ phòng chống dịch và kinh phí hỗ trợ cho hộ chăn nuôi có trâu bò chết, xử lý tiêu hủy theo quy định.

Tính đến nay, dịch bệnh viêm da nổi cục ở trâu bò đã xuất hiện tại 11/11 huyện, thị xã, thành phố tại Bình Định.

Tổng số trâu bò mắc bệnh gần 15.000 con; trong đó, số trâu bò đã điều trị khỏi triệu chứng trên 9.000 con. Số trâu bò chết phải xử lý tiêu hủy gần 2.000 con. Số còn lại đang được tích cực chăm sóc, điều trị.

Một số địa phương như: huyện Phù Cát, huyện Phù Mỹ, huyện Hoài Ân, thị xã an Nhơn, thị xã Hoài Nhơn có số trâu, bò mắc bệnh giảm.

Tuy nhiên, bệnh vẫn xuất hiện ở thể nặng, nhất là ở bê và trâu bò già; vẫn còn xảy ra tình trạng trâu bò chết do nắng nóng khắc nghiệt, dẫn đến bị kiệt sức.

Ông Nguyễn Văn Quốc cho biết, ngành thú y tỉnh đang tiếp tục phối hợp với các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng chống bệnh viêm da nổi cục cho đàn trâu bò, đến nay tỷ lệ tiêm phòng đạt gần 85% tổng đàn thuộc diện tiêm.

Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh đã gây không ít khó khăn cho công tác tiêm phòng, điều tra dịch tễ và xử lý dịch bệnh viêm da nổi cục.

Bên cạnh đó, dịch cúm gia cầm AH5N8 đang xảy ra tại một số tỉnh thành trong cả nước nên lực lượng thú y phải tăng cường tiêm phòng vaccine cúm gia cầm.

Trước đó, từ tháng 1-6/2021, trên địa bàn Bình Định cũng đã xuất hiện bệnh lở mồm long móng và dịch tả lợn châu Phi cục bộ tại một số huyện như: Phù Mỹ, Tuy Phước, Hoài Ân. Mặc dù, dịch bệnh đã đã kiểm soát, chưa phát sinh ổ dịch mới nhưng nguy cơ tái bùng phát là rất cao./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục