BIS cảnh báo nguy cơ khủng hoảng ngân hàng gia tăng tại Trung Quốc

06:49' - 20/09/2016
BNEWS Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) vừa cảnh báo nguy cơ xảy ra khủng hoảng ngành ngân hàng tại Trung Quốc đang tăng cao.
BIS cảnh báo nguy cơ khủng hoảng ngân hàng gia tăng tại Trung Quốc. Ảnh: reuters

Theo báo cáo đánh giá hàng quý mới nhất của BIS, nguy cơ rủi ro đối với lĩnh vực ngân hàng tại Trung Quốc hiện cao gấp 3 lần, trên cả mức độ nguy hiểm.

Cụ thể, chênh lệch khoảng cách giữa tổng cho vay tín dụng với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong 3 tháng đầu năm 2016 của Trung Quốc đã tăng lên mức 30,1, trong khi BIS cho rằng chỉ cần khoảng cách này ở mức 10 đã cho thấy nguy cơ rủi ro tiềm tàng. Trước đó một năm, khoảng cách này ở mức 25,4.

Cách đánh giá chênh lệch giữa tổng cho vay tín dụng với GDP được BIS dựa trên việc thu thập các số liệu về hoạt động cho vay có liên quan tới quy mô kinh tế, sau đó so sánh với khuynh hướng dài hạn của mức độ chênh lệch này.

BIS nhấn mạnh tỷ lệ chênh lệch càng lớn thì nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng càng cao.

Cũng theo đánh giá của BIS, "sức khỏe" ngành ngân hàng của Trung Quốc đang trở thành mối quan ngại đối với các thị trường tài chính.

Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007-2008, đã có sự bùng nổ trong lĩnh vực cho vay tín dụng do Chính phủ Trung Quốc chủ trương thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, song một vài biện pháp đã không thực sự phát huy tác dụng và thậm chí Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo rằng các ngân hàng Trung Quốc có nguy cơ không thu hồi được các khoản nợ xấu trị giá 1,3 nghìn tỷ USD.

Tuy nhiên, do hệ thống ngân hàng của Trung Quốc phần lớn thuộc sở hữu hoặc nằm dưới sự giám sát của chính phủ nước này, nên giới chuyên gia kinh tế cho rằng chính quyền Bắc Kinh sẽ có thể tung ra các biện pháp hỗ trợ tài chính cần thiết đối với các ngân hàng.

Báo cáo của BIS cũng chỉ ra rằng các thị trường tài chính toàn cầu đã có nhiều biến động sau khi cử tri Anh ủng hộ nước này rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, trong cuộc trưng cầu ý dân hôm 23/6 vừa qua.

Ông Claudio Borio - phụ trách mảng tiền tệ và kinh tế thuộc BIS, nhận định tốc độ phục hồi của thị trường tài chính thế giới diễn ra khá bất ngờ, cho dù tình hình kinh tế và chính trị chịu tác động bất ổn hậu Brexit.

Tuy vậy, ông cũng cảnh báo rằng các thị trường tài chính toàn cầu vẫn đang trong giai đoạn khá nhạy cảm và chưa thực sự ổn định./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục