Bộ Công Thương đề nghị GWEC hỗ trợ để hiện thực hóa Net Zero vào năm 2050

17:39' - 06/04/2022
BNEWS Việt Nam đang triển khai những giải pháp vừa giảm được phát thải khí CO2 vừa tăng được năng lượng tái tạo, nhưng vẫn bảo đảm cân đối các nguồn điện, khả năng tài chính của các đối tượng sử dụng điện..
Điện than hay điện khí đều là nguồn điện nền rất quan trọng để thực hiện những cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26); đồng thời, Việt Nam đang triển khai những giải pháp vừa giảm được phát thải khí CO2 vừa tăng được năng lượng tái tạo, nhưng vẫn bảo đảm cân đối các nguồn điện, khả năng tài chính của các đối tượng sử dụng điện.

 
Thông tin này được Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đưa ra tại buổi làm việc với ông Mark Hutchinson – Chủ tịch Nhóm công tác Đông Nam Á của Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) nhằm trao đổi về chính sách phát triển điện gió ngoài khơi của Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, những tuyên bố mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam tại COP26 thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong vấn đề chuyển dịch nguồn năng lượng truyền thống sang các nguồn năng lượng xanh, sạch. Tuy nhiên, để thay đổi từ điện than sang điện gió hoặc điện khí là một quá trình dài với nhiều khó khăn và thách thức.

Bộ Công Thương đề nghị GWEC hỗ trợ để hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng “0” - Net Zero vào năm 2050, nhất là đẩy mạnh các hoạt động phát triển điện gió ngoài khơi trong thời gian tới.

Cụ thể như đưa ra những tư vấn chính sách đúng đắn và phù hợp với Việt Nam; thông tin để mở rộng nhận thức đối với các cơ quan chức năng, người dân và xã hội; tư vấn về nguồn tài chính với những ưu đãi lâu dài; hỗ trợ công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực; đầu tư và hợp tác đầu tư trong sản xuất điện gió ngoài khơi cũng như trong chuỗi cung ứng các ngành công nghiệp hỗ trợ cho điện gió ngoài khơi.

Ngoài ra, đầu tư và hợp tác đầu tư xây dựng lưới điện thông minh, sản xuất năng lượng sạch như Hydrogen và Amoniac xanh hoặc các năng lượng sạch.

Tại buổi làm việc, ông Mark Hutchinson - Chủ tịch Nhóm công tác Đông Nam Á của Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc thể hiện mạnh mẽ vai trò của mình với những cam kết tại COP26.

Đặc biệt, GWEC sẵn sàng cùng Bộ Công Thương tổ chức các hội thảo về lĩnh vực năng lượng tái tạo, chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác vận hành, quản lý và phát triển năng lượng tái tạo một cách bền vững. Bên cạnh đó, GEWC hỗ trợ về chuỗi cung ứng cũng như đào tạo nguồn nhân lực cho ngành điện gió ngoài khơi của Việt Nam.

Theo ông Mark Hutchinson, sau dịch COVID-19, để đáp ứng nhu cầu phụ tải tăng nhanh, Việt Nam cần xây dựng thêm hệ thống lưới điện nên có thể thu hút nguồn vốn tư nhân vào lưới điện truyền tải.

Nhóm công tác của GWEC sẽ tìm hiểu Việt Nam cần làm gì để thu hút nguồn tài chính ưu đãi trong và ngoài nước; đồng thời, đưa ra những đánh giá để cùng các tổ chức tài chính, ngân hàng tháo gỡ những vướng mắc về nguồn vốn trong đầu tư phát triển điện gió ngoài khơi.

Trong giai đoạn vừa qua, tổng công suất lắp đặt hệ thống điện đã tăng nhanh chóng, đạt gần 80.000 MW trong năm 2021, đáp ứng nhu cầu phụ tải của nền kinh tế tăng khoảng 10%/năm thời gian qua cũng như trong thời gian tới.

Nhờ các quyết sách kịp thời của Chính phủ, thị trường điện năng lượng tái tạo đã đạt được một số kết quả. Đến thời điểm này, tổng công suất lắp đặt nguồn điện năng lượng tái tạo đạt khoảng 20,7 GW, chiếm hơn 27% tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện. Kết quả thực tế năm 2021, sản lượng điện phát từ nguồn điện năng lượng tái tạo đạt khoảng 30 tỷ kWh.

GWEC là Tổ chức quốc tế đại diện cho ngành năng lượng gió, với trên 1.500 doanh nghiệp và tổ chức thành viên ở hơn 80 quốc gia trên thế giới. GWEC làm việc với các Tổ chức quốc tế và Chính phủ các nước để góp phần xây dựng môi trường chính sách tốt hơn cho ngành năng lượng gió thông qua việc chia sẻ thông tin, thị trường, hỗ trợ hoạt động xây dựng năng lực, tổ chức hội thảo, truyền thông./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục