Xung đột Nga-Ukraine và những thay đổi về thương mại năng lượng và lương thực toàn cầu

05:30' - 06/04/2022
BNEWS Theo bài viết trên báo The Straits Times, xung đột Nga-Ukraine sẽ dẫn đến những sự thay đổi trong thương mại năng lượng và lương thực, cũng như gây ra nhiều cú sốc hơn về chuỗi cung ứng trên toàn cầu.
Các bể chứa dầu tại một cơ sở dự trữ ở Carson, bang California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Các nhà kinh tế đã đưa ra khái niệm “hiện tượng trễ”. Khái niệm này có nghĩa là những tác động của một sự kiện có thể kéo dài rất lâu ngay cả sau khi sự kiện đó đã qua đi. Chúng ta đã chứng kiến điều này trong đại dịch COVID-19

Mặc dù dịch bệnh vẫn chưa hoàn toàn đi qua, nhưng nhiều ảnh hưởng của nó sẽ kéo dài mãi về sau này, như nhiều người hơn làm việc từ xa, nhiều tự động hóa và số hóa hơn; và sự đi lại do công việc sẽ ít hơn. Những sự thay đổi này có thể là vĩnh viễn.

“Hiện tượng trễ” cũng được áp dụng cho trường hợp xung đột Nga-Ukraine và những biện pháp trừng phạt kinh tế được áp đặt sau đó đối với Nga. Cuộc khủng hoảng này được dự báo sẽ dẫn đến những sự sắp xếp lại trong nền kinh tế toàn cầu và làm thay đổi cách ứng xử của các quốc gia và các công ty. Nhiều trong số những thay đổi này cũng sẽ là vĩnh viễn.

* “Cài đặt lại” thương mại năng lượng

Trên thị trường năng lượng và hàng hóa, cho đến nay, các vấn đề về an ninh quốc gia chưa bao giờ đóng nhiều vai trò trong việc quyết định các chính sách năng lượng ở phương Tây. Tuy nhiên, khi xung đột Nga-Ukraine diễn ra, những vấn đề này có vai trò hàng đầu và trung tâm. Mỹ và Canada đã chặn nhập khẩu dầu mỏ của Nga và Anh đã cam kết loại bỏ nó.

Khí đốt của Nga vẫn đang chảy sang châu Âu, nơi mà hơn một phần ba nhu cầu năng lượng của khu vực này phụ thuộc vào Nga. Tuy nhiên, Liên minh châu Âu (EU), đặc biệt là Đức, quốc gia phụ thuộc nhiều nhất trong tất cả, đã quyết tâm thay đổi điều này. Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đã cam kết rằng Đức sẽ gần như cắt đứt hoàn toàn khí đốt của Nga vào giữa năm 2024.

Những sự lựa chọn thay thế khác cũng đang được “đặt lên bàn cân”. Mỹ đã cam kết tăng cường xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang EU lên 15 tỷ mét khối vào cuối năm nay, tăng gần 70% so với mức năm ngoái. EU có kế hoạch tăng nhập khẩu LNG từ Mỹ thêm 50 tỷ mét khối một năm cho đến ít nhất năm 2030. Trong khi đó, khu vực này có thể nhập khẩu thêm khí đốt từ Algeria, tăng gấp đôi năng lượng tái tạo và khai thác năng lượng hạt nhân.

Mỹ đang đề nghị Venezuela, nước có nguồn dự trữ dầu mỏ lớn nhất thế giới, tăng nhập khẩu từ Venezuela để đổi lấy việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt. Các lệnh trừng phạt cũng có thể được dỡ bỏ đối với Iran, tạo điều kiện cho nước này gia tăng xuất khẩu dầu mỏ nhằm bù đắp hơn nữa cho tình trạng thiếu hụt nguồn cung từ Nga.

Việc chấm dứt sự phụ thuộc của phương Tây vào năng lượng của Nga có khả năng là vĩnh viễn. Điều này sẽ có những tác động rất lớn đến tương lai của các dòng chảy thương mại năng lượng. Đến năm 2024, Nga sẽ mất đi những khách hàng lớn nhất của mình cho xuất khẩu dầu khí, vốn chiếm khoảng 60% tổng doanh thu xuất khẩu và 40% ngân sách của nước này. 

Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia khác, những nước đã không trừng phạt Nga, có thể nhập thêm một ít năng lượng của Nga so với hiện nay, nhưng sự gia tăng đó sẽ không thể bù đắp cho việc mất đi các thị trường Mỹ và EU. Ngoài ra, sẽ cần thêm các đường ống dẫn dầu khí từ vùng Viễn Đông của Nga đến châu Á. Việc này sẽ mất nhiều năm mới được hoàn thành.

Giá năng lượng tăng vọt do cuộc chiến Nga-Ukraine cũng sẽ thúc đẩy những sự thay đổi trong các chính sách về năng lượng. Do những sự tắc nghẽn của các tuyến vận tải trên biển cũng như hình thức tự trừng phạt của các nhà kinh doanh dầu mỏ, rất nhiều công ty dầu mỏ của Nga – theo ước tính của JP Morgan là tới 1/3 – đã và đang phải vật lộn để tìm kiếm người mua và thoát ra khỏi thị trường, bất chấp phía Nga đưa ra những sự giảm giá. 

Tình trạng thiếu hụt do kết quả của điều đó đã đẩy giá dầu lên tới 120 USD/thùng đối với dầu thô Brent. Một số nhà kinh doanh dầu mỏ dự đoán giá dầu có thể lên tới 200 USD/thùng trước khi cung-cầu cân bằng trở lại.

Đối mặt với cú sốc về giá này, việc chuyển sang các lựa chọn thay thế là nhiên liệu hóa thách sẽ được đẩy nhanh. “Quả chín dưới thấp” ở đây là hạt nhân – nguồn năng lượng sạch mà các quốc gia thường bỏ qua do những lo ngại về độ an toàn. 

Tuy nhiên, giờ đây có những công nghệ hạt nhân thế hệ mới bao gồm các lò phản ứng nhỏ hơn và các nhà máy an toàn hơn. Năng lượng hạt nhân có khả năng mở rộng hơn và ít bị gián đoạn hơn so với năng lượng gió hay Mặt Trời, và cũng là năng lượng sạch. Hiện hạt nhân chỉ cung cấp khoảng 10% lượng điện của thế giới, vì vậy quy mô mở rộng của nó là rất lớn và có thể trở thành nguồn năng lượng đáng kể trong tương lai.

Thái độ đối với hạt nhân đang thay đổi: Đức đang cân nhắc việc kéo dài “tuổi thọ” cho ba lò phản ứng hạt nhân mà nước này có kế hoạch cho ngừng hoạt động trong năm nay. Nhật Bản đang bàn xem liệu có nối lại việc sử dụng năng lượng hạt nhân hay không, một lựa chọn mà Tokyo hầu như đã từ bỏ sau thảm họa nhà máy điện hạt nhân Fukushima năm 2011. Ngay cả Singapore cũng đang hướng tới việc đưa hạt nhân vào những lựa chọn năng lượng của nước này, ngoài LNG, Mặt Trời và các nguồn năng lượng truyền thống.

* Cú sốc về giá hàng hóa

Cuộc xung đột Nga-Ukraine cũng đã làm gián đoạn nguồn cung các hàng hóa khác. Nga và Ukraine chiếm khoảng 30% xuất khẩu lúa mì và 20% xuất khẩu ngũ cốc trên toàn cầu. Cùng với Belarus, quốc gia cũng bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến, ba nước nằm trong số những nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới về phân bón như nitrogen, potash, urea và ammonia. Điều này có tác động trực tiếp đến giá của nhiều loại ngũ cốc chủ yếu (đã tăng lên mức kỷ lục) và từ đó đẩy giá các mặt hàng lương thực cơ bản như bánh mỳ, mỳ ống và mỳ sợi cũng như các loại lương thực khác có thành phần là ngũ cốc.

Giá lương thực có tầm quan trọng rất lớn về chính trị, đặc biệt là ở các quốc gia thiếu hụt lương thực trong thế giới đang phát triển. Lần cuối cùng giá lúa mỳ đạt gần đến mức hiện nay là vào năm 2007-2008, chúng đã dẫn đến bất ổn xã hội lan rộng khắp khu vực Trung Đông và Bắc Phi.

Sự dễ tổn thương của các nước trước những cú sốc về giá lương thực có thể xảy ra một cách bất ngờ, sẽ làm thay đổi các chính sách lương thực ở nhiều quốc gia. Các loại lương thực chính sẽ ngày càng được coi có ý nghĩa quan trọng chiến lược và các quốc gia sẽ xây dựng nhiều hơn kho dự phòng – như nhiều nước châu Á đã làm đối với gạo và lúa mỳ – và ở Trung Quốc là cả thịt lợn và đường.

Những sự gián đoạn nguồn cung lương thực cũng sẽ tăng cường động lực cho việc tự cung tự cấp lương thực và đa dạng hóa hơn các nguồn nhập khẩu. Các nhà xuất khẩu lương thực mới sẽ nổi lên và các dòng thương mại về nông sản sẽ thay đổi.

* Tác động đối với các chuỗi cung ứng

Cuộc xung đột này đã làm gián đoạn hơn nữa các chuỗi cung ứng công nghiệp vốn vẫn chưa phục hồi hoàn toàn sau những sự đứt gãy do đại dịch COVID-19 gây ra.

Nga là nhà sản xuất chính các vật liệu cơ bản then chốt bao gồm aluminium, palladium và nickel mà không giống như dầu mỏ và khí đốt đang bị áp đặt các biện pháp trừng phạt và cũng bị ảnh hưởng bởi các vấn đề về logistics. Điều này đã tác động đến nhiều ngành công nghiệp, đặc biệt là sản xuất ô tô. 

Vốn đã gặp khó khăn bởi tình trạng thiếu hụt, ngành công nghiệp bán dẫn cũng đang bị tác động bởi những sự gián đoạn trong xuất khẩu khí neon mà Ukraine chiếm hơn một nửa sản lượng toàn cầu, và palladium cũng vậy. Chi phí cao hơn cho chất bán dẫn sẽ làm tăng giá cả một số mặt hàng sử dụng chúng như ô tô, đồ gia dụng và thiết bị điện tử tiêu dùng.

Tình trạng khó khăn kép do đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột tại Ukraine sẽ khuyến khích việc sản xuất các linh kiện đầu vào then chốt ở các quốc gia khác. Những quốc gia này sẽ tìm cách xây dựng nhiều chuỗi cung ứng theo chiều dọc hơn trong lĩnh vực điện tử. Mỹ và Trung Quốc đang tăng cường sản xuất trong nước, và ngay cả Ấn Độ cũng có các kế hoạch xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn của riêng mình.

Các phương thức kinh doanh cũng sẽ thay đổi. Ví dụ, công ty tư vấn Bain & Company chỉ ra rằng các công ty kinh doanh toàn cầu sẽ cần làm cho các chuỗi cung ứng của họ minh bạch hơn đối với khách hàng, những người sẽ đòi hỏi sự linh hoạt và bền bỉ cao hơn trong những trường hợp các trung tâm cung ứng được đặt ở những khu vực có rủi ro về địa chính trị, ngoài các rủi ro về biến đổi khí hậu và đại dịch.

Nói tóm lại, khủng hoảng Nga-Ukraine sẽ đẩy nhanh xu hướng vốn đã bắt đầu trong đại dịch là đưa sản xuất trở lại trong nước hoặc gần với quốc gia và sự đa dạng hóa lớn hơn việc sản xuất trong một loạt ngành công nghiệp.

Quốc phòng là một lĩnh vực khác trong đó có những thay đổi lớn. Cuộc xung đột này đã mở ra một kỷ nguyên mới về chi tiêu quốc phòng, đặc biệt là ở EU. Đáng chú ý nhất là Đức đã cam kết tăng chi tiêu quốc phòng lên hơn 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), từ mức 1,5% hiện nay, trước hết là việc tăng ngay lập tức 100 tỷ euro, gấp đôi so với mức chi tiêu quốc phòng của nước này trong năm 2021.

Đan Mạch, Phần Lan, Litva, Ba Lan, Rumani và Thụy Điển nằm trong số các quốc gia châu Âu khác có kế hoạch chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng. Có khả năng sẽ có sự thay đổi lâu dài, nếu không muốn nói là vĩnh viễn, trong tư thế phòng thủ của châu Âu. Trong khi đó, trong ngân sách mới nhất của mình, Mỹ đã đề xuất tăng 9,8% tài trợ cho quân đội, lên 773 tỷ USD.

* Những dàn xếp tài chính mới

Những biện pháp trừng phạt tài chính đối với Nga cũng có thể có ảnh hưởng nào đó. Hầu hết các ngân hàng của Nga đã bị loại khỏi hệ thông thanh toán SWIFT do châu Âu kiểm soát. Hệ thống này tạo điều kiện cho việc chuyển tiền thanh toán nhanh và an toàn.

Sự đóng băng dự trữ ngoại tệ mạnh của Nga được nắm giữ ở các nước phương Tây là một tín hiệu "lạnh lùng" cho thấy việc chỉ xây dựng một quỹ đặc biệt ngoại hối khổng lồ có thể không đem lại sự bảo vệ trong một cuộc khủng hoảng. Những khoản dự trữ đó được cất giữ ở đâu và dưới hình thức nào cũng rất quan trọng.

Việc vũ khí hóa đồng đô la Mỹ và hệ thống tài chính do đồng euro chi phối sẽ khiến nhiều nước tìm kiếm các cơ chế thanh toán thay thế cũng như thay đổi các phương thức quản lý nguồn dự trữ của họ. Tiến trình này đã tăng tốc.

Nga duy trì khoảng 13% dự trữ của mình bằng đồng nhân dân tệ mà Moskva có kế hoạch sử dụng để thanh toán cho Trung Quốc. Không còn Visa và Mastercard, các ngân hàng của Nga đang phát hành các thẻ tín dụng sử dụng thẻ thay thế của Trung Quốc – UnionPay. Moskva cũng đang thăm dò các dàn xếp thương mại trao đổi bằng đồng rupee và đồng rúp với Ấn Độ.

Đầu tháng Ba vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố rằng “các quốc gia không thân thiện” sẽ phải thanh toán bằng đồng rúp khi nhập khẩu năng lượng. Nghe nói Saudi Arabia đang đàm phán với Trung Quốc – khách hàng lớn nhất của nước này – về việc nhận thanh toán bằng đồng nhân dân tệ đối với dầu mỏ xuất khẩu của Saudi Arabia. Trung Quốc cũng đã thiết lập sự lựa chọn của riêng mình thay thế cho SWIFT được gọi là Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới.

Cùng với thời gian, những dàn xếp này, trong đó đồng nhân dân tệ đóng vai trò dẫn dắt, có thể thúc đẩy giao dịch, dẫn đến sự thay đổi trong các cơ chế thanh toán toàn cầu. Tuy nhiên, chúng vẫn còn phải đi một quãng đường dài. Đồng nhân dân tệ chỉ chiếm 3% các giao dịch toàn cầu và khoảng 2,5% nguồn dự trữ. Ngược lại, đồng đô la Mỹ chiếm từ 60% đến 80% giao dịch ngoại hối toàn cầu và khoảng 60% nguồn dự trữ - mặc dù tỷ lệ này đã giảm hơn 10 điểm phần trăm kể từ năm 2000 và có thể tiếp tục giảm hơn nữa khi tỷ lệ đồng nhân dân tệ tăng lên.

Tuy nhiên, triển vọng đồng nhân dân tệ phát triển thành một tài sản dự trữ có ý nghĩa sẽ gặp trở ngại bởi thực tế nó không phải là một loại tiền tệ tự do chuyển đổi. Các quốc gia và các nhà đầu tư cũng sẽ thận trọng với thực tế là Trung Quốc cũng có lịch sử áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với các nước khác và cũng có thể "vũ khí hóa" đồng nhân dân tệ.

Vì vậy, xung đột Nga-Ukraine và các biện pháp trừng phạt sau đó có khả năng có ảnh hưởng hạn chế đối với hệ thống tài chính toàn cầu, ít nhất là trong ngắn hạn. Tuy nhiên, những sự thay đổi trong thương mại năng lượng và lương thực, các chuỗi cung ứng cũng như những thỏa thuận quốc phòng sẽ nhanh chóng, đáng kể và lâu dài./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục