Bộ Công Thương góp ý về cải thiện môi trường kinh doanh năm 2024

15:37' - 17/10/2023
BNEWS Bộ Công Thương vừa có Công văn góp ý với dự thảo báo cáo rà soát quy định về điều kiện kinh doanh và dự thảo Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh năm 2024.

Bộ Công Thương vừa có Công văn số 7203/BCT-KHTC góp ý với dự thảo báo cáo rà soát quy định về điều kiện kinh doanh và dự thảo Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh năm 2024 và các năm tiếp theo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Theo đó, Bộ Công Thương kiến nghị xem xét, bổ sung về vướng mắc cũng như quy định của chính sách pháp luật hiện hành về điều kiện kinh doanh với lĩnh vực khoáng sản (từ khâu tuyển, chế biến, sử dụng và xuất nhập khẩu khoáng sản), điều kiện sản xuất trong lĩnh vực an toàn thực phẩm; phân cấp trong việc sản xuất, kinh doanh rượu tại Nghị định số 105/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017 của Chính phủ về kinh doanh rượu.

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương nghiên cứu, xây dựng Nghị định kinh doanh khoáng sản và Nghị định kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm và xây dựng Nghị định sửa đổi một số Nghị định về điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực của Bộ Công Thương để phân cấp đối với một số thủ tục hành chính của việc kinh doanh, sản xuất rượu.

Đối với giá bán điện cho trạm/trụ sạc xe điện, trên cơ sở tổng hợp ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương về các phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, Bộ Công Thương cho biết đã hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, thay thế Quyết định số 28/2014/QĐ- TTg (sau đây gọi tắt là dự thảo Quyết định), trong đó đã bổ sung cơ cấu biểu giả bán lẻ điện cho trạm/trụ sạc xe điện.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã thực hiện đăng dự thảo Quyết định trên trang thông tin điện tử của Chính phủ và Bộ Công Thương để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia ý kiến cũng như có Công văn số 4309/BCT- ĐTĐL ngày 4 ngày 7 tháng 2023 và Công văn số 5030/BCT-ĐTĐL ngày 1 tháng 8 năm 2023 lấy ý kiến các Bộ ngành, đơn vị và địa phương về dự thảo Quyết định theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Hiện nay, Bộ Công Thương tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý của các cơ quan, đơn vị để hoàn thiện dự thảo Quyết định để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định tại thời điểm phù hợp trong năm 2023.

Bộ Công Thương kiến nghị xem xét đưa ra khỏi dự thảo các nội dung ngành nghề kinh doanh có điều kiện kiến nghị thu hẹp phạm vi. Cụ thể, thương mại điện tử là hoạt động dựa trên nền tảng công nghệ, mô hình hoạt động ngày càng đa dạng, phức tạp với nhiều thủ đoạn, hành vi lừa đảo ngày càng tinh vi.

 

Bởi vậy, việc quy định các điều kiện kinh doanh trong hoạt động thương mại điện tử rất cần thiết nhằm tạo khuôn khổ pháp lý rõ ràng, minh bạch cho các thành phần kinh tế tham gia, góp phần tạo lập môi trường phát triển thương mại điện tử cạnh tranh và bền vững, bảo vệ tối đa lợi ích của người tiêu dùng.

Bộ Công Thương đã trình Chính phủ phương án cắt giảm tối đa điều kiện kinh doanh trong hoạt động thương mại điện tử nhưng vẫn đảm bảo quản lý đồng bộ từ nhu cầu thực tiễn. Theo đó, có tổng cộng 11 điều kiện kinh doanh trong thương mại điện tử áp dụng cho 4 thủ tục hành chính và được thực hiện trực tuyến mức độ 4 thông qua Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử.

Vì vậy, việc tiếp tục thu hẹp phạm vi điều kiện kinh doanh của hoạt động thương mại điện tử là không khả thi trong tiến trình chuyển đổi số của lĩnh vực thương mại; đồng thời, đề xuất này cũng chưa được đánh giá cụ thể tại dự thảo báo cáo.

Đối với lĩnh vực kinh doanh rượu, Bộ Công Thương nêu rõ, hiện nay, khung khổ pháp lý về quản lý kinh doanh rượu đã tương đối đầy đủ, đáp ứng được vai trò quản lý nhà nước; đồng thời, hỗ trợ đổi đa hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, theo đúng tinh thần Chính phủ kiến tạo. Do đó, nhiều điều kiện kinh doanh rượu đã được bãi bỏ (đã cắt giảm 9/22 điều kiện kinh doanh rượu; 8/22 yêu cầu về hồ sơ cấp phép kinh doanh rượu – tương đương khoảng 50% điều kiện kinh doanh), được các doanh nghiệp kinh doanh rượu đồng thuận và đánh giá cao.

Tuy nhiên, theo Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia (khoản 2, điều 3) có nêu: “Ưu tiên hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông, giảm tính sẵn có, dễ tiếp cận của rượu bia; giảm tác hại của rượu, bia; tăng cường quản lý sản xuất rượu thủ công; thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia đối với trẻ em, học sinh, sinh viên, thanh niên, phụ nữ mang thai".

Hơn nữa, đây là mặt hàng không khuyến khích tiêu dùng, chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, vì vậy, việc cắt giảm thủ tục hành chính trong lĩnh vực kinh doanh rượu như hiện nay đã tạo điều kiện thuận lợi cho các thương nhân tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh rượu nhưng chưa hướng theo quy định của Luật.

“Từ thực tiễn quản lý kinh doanh rượu cho thấy, cần nghiên cứu, rà soát sửa đổi các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh rượu theo hướng quản lý chặt chẽ hơn, tăng các điều kiện kinh doanh rượu để giảm nguồn cung theo quy định của Luật”, Bộ Công Thương chỉ rõ.

Đối với kinh doanh khí, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay, Bộ Công Thương đang chủ trì phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 85/NĐ-CP ngày 15 tháng 6 năm 2018 của Chính phủ về kinh doanh khí và dự kiến trình Chính phủ trong tháng 11 năm 2023.

Ngày 24 tháng 7 năm 2023, Bộ Công Thương đã có văn bản số 4827/BCT- TTTN về việc góp ý Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 85/NĐ-CP ngày 15 tháng 6 năm 2018 của Chính phủ về kinh doanh khí gửi các bộ, ban, ngành, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các doanh nghiệp kinh doanh khí. Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, thu hẹp phạm vi về điều kiện kinh doanh khí trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Nghị định.

Liên quan đến nội dung về lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, theo Bộ Công Thương, thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Công Thương đã phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/NĐ-CP ngày 3 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Theo đó, việc thu hẹp phạm vi trong lĩnh vực này đã được nghiên cứu, sửa đổi tại Dự thảo Nghị định nêu trên theo hướng bãi bỏ loại hình thương nhân là Tổng đại lý kinh doanh xăng dầu.

Đối với dự thảo Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh năm 2024 và các năm tiếp theo, tại nội dung tại ý thứ 2, mục 8(b), trang 10 của Dự thảo Nghị quyết, Bộ Công Thương đề nghị điều chỉnh lại “Kịp thời cập nhật, tuyên truyền, phổ biến về các hàng rào kỹ thuật, các biện pháp phòng vệ thương mại trong thương mại quốc tế hỗ trợ doanh nghiệp chủ động nắm bắt, ứng phó kịp thời với các vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam".

Tại Phụ lục 5, đối với 02 chiến lược, gồm “Chiến lược phát triển ngành sữa giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2045” và “Chiến lược phát triển ngành giấy giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2045", đề nghị chỉnh sửa thời hạn hoàn thành là năm 2024.

Bổ sung tại mục II.1 về “Mục tiêu tổng quát” nội dung: “Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập ..".

Bộ Công Thương cũng đề xuất bổ sung nội dung Mục 8, Điểm b (trang 10) về nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp: Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan. Cùng đó, triển khai sâu rộng các hoạt động cung cấp thông tin, kết nối, mở rộng thị trường cho doanh nghiệp trong nước; Kịp thời cập nhật, tuyên truyền, phổ biến về các hàng rào kỹ thuật, các biện pháp phòng vệ trong thương mại quốc tế; hỗ trợ doanh nghiệp chủ động nắm bắt, điều chỉnh và thích ứng.

Ngoài ra, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về quản lý, phát triển cụm công nghiệp (CCN) theo hướng tăng cường hiệu quả, quản lý chặt chẽ, khắc phục những bất cập của các quy định hiện hành về quản lý cụm công nghiệp. Đặc biệt, thực hiện có chất lượng, hiệu quả chương trình khuyến công quốc gia, bảo đảm phát huy tối đa nguồn lực, năng lực hiện có của các cơ sở công nghiệp nông thôn trên cả nước; tăng cường phát triển mạng lưới tư vấn viên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục