Bộ Công Thương khẳng định có thể thay thế xăng RON 92 bằng E5 từ 1/1/2018

13:29' - 14/07/2017
BNEWS Bộ Công Thương cho rằng nguồn cung xăng E5 hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu thị trường khi thay thế toàn bộ xăng khoáng RON 92 bằng xăng nhiên liệu sinh học E5.
Bộ Công Thương khẳng định: Hoàn toàn có thể thay thế xăng RON 92 bằng E5 từ 1/1/2018. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN.

Tại buổi họp báo thường kỳ quý II tổ chức ngày 14/7, Bộ Công Thương khẳng định, nguồn cung xăng E5 hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu thị trường khi thay thế toàn bộ xăng khoáng RON 92 bằng xăng nhiên liệu sinh học E5 kể từ ngày 1/1/2018.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo kết luận số 255/TB-VPCP ngày 6/6/2017 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về việc thực hiện Đề án phát triển nhiên liệu sinh học và Lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống, Bộ Công Thương đã thành lập đoàn công tác làm việc với các đầu mối sản xuất và kinh doanh xăng dầu, nhà máy sản xuất ethanol sinh học, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn nhằm đôn đốc các đơn vị khẩn trương đẩy nhanh tiến độ và chuẩn bị đủ cơ sở hạ tầng vật chất, kỹ thuật, nghiêm túc triển khai kinh doanh xăng E5.

Vừa qua 6/7, Bộ đã làm việc với 26 đầu mối kinh doanh xăng dầu trên mặt đất để chỉ đạo các doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện kinh doanh xăng E5, đồng thời lắng nghe, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.

Theo báo cáo từ Bộ Công Thương, qua rà soát, tổng lượng xăng tiêu thụ trên địa bàn cả nước trong năm 2016 đạt khoảng 7,4 triệu m3; trong đó, xăng E5 khoảng 590.000 m3, chiếm 8% so với tổng lượng xăng tiêu thụ trên thị trường; xăng khoáng khoảng 6,81 triệu m3, chiếm khoảng 92%...

Bộ Công Thương nhận định, trong trường hợp chuyển toàn bộ việc tiêu thụ xăng RON 92 sang xăng sinh học E5 bắt đầu từ 2018, dự báo tổng lượng xăng E5 tiêu thụ trên cả nước đạt hơn 5,3 triệu m3… Tổng nhu cầu E100 trong năm 2016 chiếm khoảng 29.500 m3. Kể từ 2018, khi chuyển đổi dùng xăng E5 thì ước tính nguyên liệu E100 để pha trộn sẽ vào khoảng hơn 267.000 m3.

Trong khi đó, hiện việc cung cấp ethanol nhiên liệu để phối trộn E5 chủ yếu từ 2 nhà máy sinh học của Công ty TNHH Tùng Lâm với tổng công suất 200.000 m3/năm đủ để phối trộn 3,9 triệu m3 xăng sinh học E5/năm. Trong năm 2016, Công ty Tùng Lâm đã bán ra thị trường khoảng 2.000 m3/tháng nguồn ethanol.

Ngoài 2 nhà máy của Tùng Lâm hiện trong nước còn 2 nhà máy với công suất 100.000 m3/năm tại Dung Quất và Bình Phước đang tạm dừng sản xuất do chưa có thị trường tiêu thụ sản phẩm. Các nhà máy này đang khẩn trương xây dựng và triển hai kế hoạch để đưa nhà máy hoạt động trở lại, dự kiến sẽ khởi động lại chậm nhất là cuối năm 2017.

Cùng với đó, trong triển khai hệ thống phối trộn xăng E5, phía Bộ Công Thương cũng cho biết, trong số 26 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, 5 thương nhân có hệ thống phối trộn xăng E5 đang hoạt động là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng Công ty Dầu Việt Nam, Công ty TNHH MTV Dầu khí Tp. Hồ Chí Minh, Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Xăng dầu Quân đội, Công ty CP Thương mại đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu.

Cụ thể, Petrolimex hiện có 5 trạm trộn E5 đặt tại 5 tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Tp. Hồ Chí Minh, Cần Thơ; sử dụng công nghệ trộn in-line liên tục. Tổng công suất đạt khoảng 1,055 triệu m3/năm.

Petrolimex đang nâng cấp một số trạm trộn hiện có và đầu tư thêm các trạm trộn tại Hà Nội, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hà Nam, Nghệ An, Bình Định, Khánh Hòa, Bà Rịa Vũng Tàu. Tổng công suất phối trộn sau khi nâng cấp và đầu tư thêm đạt khoảng 3-3,4 triệu m3/năm.

Pv Oil hiện có 12 trạm trộn xăng E5 đặt tại 9 tỉnh, thành phố. Tổng công suất đạt khoảng 89.000 m3/tháng, tương đương khoảng 1,068 triệu m3/năm. Ngoài ra, PV Oil hiện đang đầu tư thêm 2 trạm tại Quảng Ninh, 1 trạm tại Thái Bình, 1 trạm tại Hà Tĩnh, 1 tại Cần Thơ, nâng tổng số trạm trộn lên 17 tạm. Một số trạm hiện hữu cũng đang được PV Oil nâng cấp, cải tạo. Tổng công suất các trạm trộn xăng E5 sau khi nâng cấp, cải tạo và đầu tư thêm của PV Oil đạt khoảng 1,668 triệu m3.

Các công ty còn lại như Saigon Petro, Xăng dầu Quân đội, Dầu khí Nam Sông Hậu có tông công suất phối trộn hơn 800.000 m3/năm.

Ngoài ra, còn có 2 thương nhân đầu mói đã triển khai trạm trộn xăng E5 nhưng chưa đưa vào hoạt động là Công ty TNHH MTV Thương mại Dầu khí Đồng Tháp và Tổng Công ty Thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ với tổng công suất 2 đơn vị khoảng 750.000-800.000 m3/năm.

Như vậy, tổng công suất các trạm trộn xăng E5 từ 7 thương nhân đầu mối trên có thể đạt đến 6,2-6,7 triệu m3/năm, hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu xăng E5 kể từ 2018.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục