Bộ Giao thông Vận tải đề nghị VietinBank tiếp tục giải ngân cho dự án hầm Đèo Cả

17:28' - 23/11/2022
BNEWS Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản gửi Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả.

Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản gửi Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả về việc xử lý một số khó khăn, vướng mắc liên quan tới phương án tài chính dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả.

 

Theo Bộ Giao thông Vận tải, dự án xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả là dự án trọng điểm quốc gia, có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh các tỉnh khu vực miền Trung và Tây nguyên.

Nhờ sự quyết tâm, nỗ lực của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, sự hỗ trợ của các địa phương, đặc biệt là sự đồng hành của VietinBank, đến nay toàn bộ các công trình dự án đã hoàn thành, đưa vào khai thác theo đúng mục tiêu đầu tư, phù hợp với quy hoạch được duyệt, giải quyết triệt để tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1 qua đèo, nâng cao hiệu quả khai thác cho tuyến Quốc lộ 1, tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Duyên hải miền Trung.

"Đây là dự án điển hình được thực hiện theo mô hình đầu tư PPP thành công nhất từ trước đến nay, là cơ sở thực tiễn để cơ quan nhà nước và các bên liên quan nghiên cứu, hoàn thiện mô hình đầu tư theo phương thức PPP lĩnh vực giao thông vận tải", Văn bản do Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ nêu rõ.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện dự án đã phát sinh một số vướng mắc do nguyên nhân khách quan như chưa bố trí đủ phần vốn tham gia của nhà nước theo cam kết ban đầu; xử lý vướng mắc, bất cập tại trạm La Sơn - Túy Loan theo Nghị quyết 437/NQ-UBTVQH14 2017 ngày 21/10/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm ảnh hưởng đến phương án tài chính của dự án.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2018 với trách nhiệm là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Bộ Giao thông Vận tải đã nỗ lực cùng với các bộ, ngành, nhà đầu tư và ngân hàng cung cấp tín dụng phối hợp nghiên cứu và thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhằm hạn chế ảnh hưởng đến phương án tài chính của dự án.

Đến nay, về cơ bản những khó khăn, vướng mắc liên quan đến phương án tài chính của dự án đã được tháo gỡ hoặc có phương án khả thi để tháo gỡ. Cụ thể, rà soát, tiết giảm tổng mức đầu tư, thông qua việc điều chỉnh giải pháp thiết kế hầm Đèo Cả; rà soát, giảm một số hạng mục chưa cấp thiết tại hầm Hải Vân; đẩy nhanh tiến độ thi công để giảm chi phí lãi vay, chi phí dự phòng... Qua đó đã tiết giảm tổng mức đầu tư dự án từ 26.154 tỷ đồng xuống còn khoảng 19.530 tỷ đồng.

Cùng với đó, các bên liên quan đã thống nhất giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập về trạm thu phí để hoàn vốn cho hạng mục hầm Hải Vân (thuộc dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả) và dự án BOT xây dựng hầm Phú Gia - Phước Tượng.

Đối với nguồn vốn nhà nước tham gia dự án, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, trong đó dự kiến bố trí 1.180 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước cho dự án xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Trên cơ sở ý kiến thống nhất của các bộ, ngành, hiện nay Bộ Giao thông Vận tải đang hoàn thiện các thủ tục theo quy định để sớm giải ngân phần vốn đã bố trí trong năm 2022 và năm 2023.

Đối với quyền thu phí tại trạm La Sơn - Túy Loan, Chính phủ đã thông qua và có Tờ trình 402 ngày 11/10/2022 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định giải pháp theo hướng bổ sung vốn tham gia của nhà nước để hỗ trợ dự án nhằm bảo đảm phương án tài chính và thay thế quyền thu phí tại trạm La Sơn - Túy Loan. Đồng thời xây dựng đề án thu phí cao tốc La Sơn - Túy Loan để nộp ngân sách nhà nước, giảm phân chia lưu lượng giao thông với tuyến Quốc lộ 1 đi qua hầm Hải Vân.

"Như vậy, đến thời điểm hiện nay những khó khăn, vướng mắc về phương án tài chính của dự án đã được các bên thống nhất hướng giải quyết và đạt được những kết quả tích cực, đồng thời doanh nghiệp dự án cũng đã thực hiện tốt nghĩa vụ trả nợ theo cam kết", văn bản Bộ Giao thông Vận tải nêu rõ.

Bộ Giao thông Vận tải cho hay, theo báo cáo của Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả, từ thời điểm VietinBank chấp thuận điều chỉnh phương án tín dụng đến nay, doanh nghiệp dự án đã thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ thanh toán với VietinBank, số tiền trả nợ gốc và lãi vượt 108 tỷ đồng so với lịch trả nợ đã thống nhất điều chỉnh.

"Do vậy, trường hợp VietinBank thực hiện chuyển nhóm nợ xấu sẽ làm tăng thêm những khó khăn, ảnh hưởng xấu đến tính khả thi, hiệu quả của phương án tài chính và dòng tiền phục vụ công tác quản lý, vận hành và bảo trì các công trình dự án; có thể gây tác động tiêu cực đến tiến độ, hiệu quả của các giải pháp xử lý vướng mắc mà các bên đang nỗ lực phối hợp thực hiện", Bộ Giao thông Vận tải khẳng định.

Bộ Giao thông Vận tải đề nghị VietinBank tiếp tục đồng hành, chia sẻ với những khó khăn đã được các bên thống nhất hướng giải quyết; phối hợp với doanh nghiệp dự án thực hiện điều chỉnh phương án tín dụng (giữ nguyên nhóm nợ) theo tình hình thực tế và những kết quả giải quyết khó khăn, vướng mắc của dự án. Dự kiến giải ngân 1.180 tỷ đồng vốn nhà nước tham gia hỗ trợ trong năm 2022, năm 2023; thay thế quyền thu phí tại trạm La Sơn - Túy Loan bằng việc bổ sung vốn tham gia của nhà nước trong giai đoạn 2021-2025.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị VietinBank tiếp tục giải ngân vốn tín dụng để thanh toán phần khối lượng đã hoàn thành, xem xét điều chỉnh giảm lãi suất vốn vay phù hợp để cùng chia sẻ với những khó khăn của dự án.

Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả có trách nhiệm ưu tiên nguồn thu phí để thực hiện công tác quản lý vận hành, khai thác và bảo trì các công trình dự án theo quy định tại hợp đồng dự án và kế hoạch được chấp thuận, đảm bảo chất lượng công trình dự án, bảo đảm khai thác an toàn cho người và các phương tiện sử dụng công trình dự án. Đối với nguồn tiền thu phí còn lại và nguồn vốn nhà nước tham gia hỗ trợ dự án được thực hiện theo các quy định của hợp đồng dự án và các quy định của pháp luật có liên quan.

Trong trường hợp phát sinh vướng mắc, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị các bên có liên quan làm việc để thống nhất hướng giải quyết phù hợp. "Với vai trò là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp chặt chẽ với các bên trong quá trình giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến dự án. Trường hợp các bên không thống nhất được hướng giải quyết, Bộ Giao thông Vận tải sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét chỉ đạo, tránh những ảnh hưởng tiêu cực đến dự án", Bộ Giao thông Vận tải nêu rõ…/.  

>>>Trình Thủ tướng duyệt Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc trị giá 17.200 tỷ đồng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục