Bộ Tài chính Mỹ đề xuất thuế doanh nghiệp tối thiểu ở mức sàn 15%

14:17' - 21/05/2021
BNEWS Bộ Tài chính Mỹ đề xuất áp thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu ở mức ít nhất là 15%, thấp hơn nhiều so với mức thuế tối thiểu 21% mà nước này đề xuất đối với các công ty đa quốc gia của mình.

Đề xuất trên được Bộ Tài chính Mỹ đưa ra tại cuộc họp về thuế của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).

 

Tổ chức này đang đặt mục tiêu đạt được đồng thuận rộng rãi trong mùa Hè này để xây dựng lại các quy định đánh thuế các tập đoàn đa quốc gia và các công ty công nghệ lớn như Alphabet Inc và Facebook Inc.

Bộ Tài chính Mỹ đã đề xuất mức thuế tối thiểu toàn cầu nên ở mức ít nhất 15%. Cơ quan này nhấn mạnh rằng 15% là mức sàn và các cuộc đàm phán nên tiếp tục đẩy mức này lên cao hơn.

Theo phía Mỹ, một mức thuế tối thiểu toàn cầu "sẽ đảm bảo kinh tế thế giới phát triển dựa trên một sân chơi công bằng hơn".

Hồi tháng 4 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã đề xuất thuế doanh nghiệp tối thiểu ở Mỹ ở mức 21%.

Đây là một nội dung trong đề xuất chi tiêu cho cơ sở hạ tầng trị giá 2.200 tỷ USD của Tổng thống Joe Biden và cũng được xem là mức thuế khởi đầu cho các cuộc đàm phán mới của OECD về thuế tối thiểu toàn cầu.

Một quan chức của Bộ Tài chính Mỹ cho biết chính quyền của Tổng thống Biden sẽ tiếp tục ủng hộ mức thuế cao nhất có thể trên 15% và đề xuất trên không làm ảnh hưởng gì đến mức thuế tối thiểu 21% được đề xuất ở Mỹ.

Trong khi đó, Pháp và Đức ủng hộ mức thuế 15%, nhưng nhiều nước khác lại muốn có một mức thuế thấp hơn, khi các cuộc thảo luận trước đó của OECD về vấn đề này chỉ ở mức khoảng 12,5%, bằng với mức thuế hiện nay ở Ireland.

Cùng ngày, Bộ Tài chính Mỹ đã kêu gọi đánh thuế chuyển tiền kỹ thuật số giữa các doanh nghiệp để tăng nguồn thu tài trợ cho kế hoạch chi tiêu trị giá 1.600 tỷ USD với mục tiêu mở rộng giáo dục và bảo trợ xã hội.

Đề xuất này, vốn là một phần trong nỗ lực lớn hơn nhằm tài trợ cho Kế hoạch gia đình Mỹ trong đó bao gồm việc tăng thuế đối với người giàu, sẽ yêu cầu các doanh nghiệp nhận được các tài sản là tiền kỹ thuật số có giá trị thị trường trên 10.000 USD phải báo cáo với Sở Thuế vụ (IRS).

Các tài khoản hay dịch vụ thanh toán sử dụng tiền kỹ thuật số như đồng Bitcoin cũng sẽ phải tuân thủ yêu cầu mới trên.

Theo bộ trên, dù chiếm một tỷ lệ tương đối nhỏ trong doanh thu của doanh nghiệp hiện nay, các giao dịch bằng tiền kỹ thuật số có thể đóng vai trò quan trọng hơn trong thập kỷ tới, đặc biệt khi cơ chế khai báo tài khoản tài chính được áp dụng rộng rãi.

Việc đánh thuế các tài sản kỹ thuật số là một phần trong kế hoạch mà bộ trên đã công bố chi tiết nhằm tăng quyền lực của IRS với mục tiêu thu hẹp mức chênh lệch giữa số tiền nợ thuế và số tiền chính phủ thực nhận.

Bộ Tài chính Mỹ ước tính mức chênh lệch là gần 600 tỷ USD năm 2019 và sẽ tăng lên gần 7.000 tỷ USD trong thập niên tới.

Trong năm qua, mức độ phổ biến và giá trị của các đồng tiền kỹ thuật số như Bitcoin, dogecoin, ethereum và các tài sản kỹ thuật số khác đang ngày một gia tăng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 gây gián đoạn kinh tế toàn cầu và hoạt động của các doanh nghiệp.

Hiện Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đang xem xét phát triển một đồng tiền kỹ thuật số riêng.

Dự kiến, trong mùa Hè tới, FED sẽ công bố nghiên cứu về tác động của đồng tiền này đối với các hệ thống thanh toán và khả năng phát hành tài sản kỹ thuật số được Mỹ bảo đảm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục