Bộ Tài chính: Thu thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng là phù hợp, góp phần giảm phát thải

14:45' - 20/02/2023
BNEWS Bộ Tài chính vừa có văn bản trả lời kiến nghị cử tri về đề nghị giảm, bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt và ổn định nguồn cung xăng dầu để phục vụ đời sống người dân.
Theo Bộ Tài chính, theo quy định của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt thì chỉ thu thuế này đối với xăng các loại, không thu thuế đối với dầu. Mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng là 10%, xăng E5 là 8% và xăng E10 là 7%.

Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt cũng không quy định giảm thuế, miễn thuế đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế. Do đó, việc điều chỉnh mức thuế này thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Bộ Tài chính cho biết đã trình Quốc hội phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng và thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu. Tuy nhiên, trong báo cáo giải trình tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, đã nêu dự báo xu hướng giá dầu thô thế giới năm 2023 là thấp hơn so với năm trước.

Bên cạnh đó, với các chỉ số tích cực về kinh tế vĩ mô, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc thiết kế cơ chế “dự phòng” trong điều hành giá xăng dầu thông qua thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng là chưa thực sự cần thiết.

Ngoài ra, năm 2023 bên cạnh các biện pháp điều hành thị trường xăng dầu trong nước vẫn còn dư địa sử dụng công cụ thuế bảo vệ môi trường, nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xin phép Quốc hội cho phép không bổ sung nội dung này.

Trên cơ sở trả lời của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng cho phép dừng xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng và thuế giá trị gia tăng với xăng dầu.

Đồng thời, Bộ cũng trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn cho năm 2023 đối với xăng (trừ ethanol) là 2.000 đồng/lít, nhiên liệu bay và dầu diesel là 1.000 đồng/lít.

Về kiến nghị bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng, Bộ Tài chính cho rằng đây là loại thuế được thu vào các hàng hóa, dịch vụ mà Nhà nước không khuyến khích tiêu dùng, hoặc cần tiêu dùng tiết kiệm, điều tiết thu nhập (ô tô, máy bay, du thuyền…)

Trong khi đó, xăng là nhiên liệu gốc hóa thạch, không tái tạo, cần phải sử dụng tiết kiệm nên hầu hết các nước đều thu thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng. Chẳng hạn như: Pháp, Đức, Y, Anh, Hàn Quốc, Australia, Thái Lan, Trung Quốc, Campuchia, Lào.... Tại Việt Nam trong bối cảnh ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu đang là vấn đề toàn cầu, cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị COP26 về đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, cùng với các giải pháp khác thì việc thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng như hiện nay theo Bộ Tài chính vẫn là phù hợp, góp phần giảm phát thải.

Về việc ổn định nguồn cung xăng dầu, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định, Bộ Công Thương có trách nhiệm xác định nhu câu định hướng về tổng nguồn xăng dầu của năm tiếp theo; giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu phục vụ tiêu thụ nội địa cả  năm theo cơ cấu chủng loại cho từng thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Đồng thời, chịu trách nhiệm kiểm tra, bảo đảm tổng nguồn xăng dầu tối thiểu của các thương nhân, bảo đảm đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và tiêu dùng của xã hội. Vì vậy, đối với việc ổn định nguồn cung xăng dầu đề nghị Bộ Công Thương cơ quan chủ trì, quản lý nhà nước về xăng dầu trả lời./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục