Bộ Thông tin và Truyền thông quyết liệt xử lý sim rác

17:47' - 14/07/2017
BNEWS Trong 6 tháng đầu năm 2017, Bộ Thông tin và Truyền thông mạnh tay xử lý nạn sim rác với quyết tâm làm "lành mạnh hóa” thị trường viễn thông Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn phát biểu. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN
Ngày 14/7, tại Hà Nội, chủ trì Hội nghị trực tuyến tại 67 điểm cầu trong toàn quốc triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2017, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã đề cập đến nhiều vấn đề "nóng" của ngành, nhất là lĩnh vực viễn thông và báo chí.

*Thu hồi gần 24 triệu sim rác

Trong 6 tháng đầu năm 2017, Bộ Thông tin và Truyền thông mạnh tay xử lý nạn sim rác với quyết tâm làm "lành mạnh hóa” thị trường viễn thông Việt Nam. Khoảng 24 triệu sim rác đã bị thu hồi. Theo thống kê của các nhà mạng, hiện Việt Nam còn khoảng 131 triệu sim thuê bao di dộng đã được phát hành. Dân số Việt Nam hiện là khoảng 92-93 triệu dân, trừ trẻ nhỏ, người dân vùng sâu, vùng xa chưa dùng di động, rõ ràng trên thị trường vẫn còn lượng khá lớn sim rác đang lưu hành. Bộ Trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh phải tiếp tục kiên quyết xử lý vấn nạn này, nếu không sẽ dẫn tới rất nhiều hệ lụy.

Hiện nay, mức xử phạt các hành vi vi phạm về đăng ký và quản lý thuê bao di động trả trước còn chưa mang tính răn đe. Bộ trưởng Trương Minh Tuấn kiến nghị các địa phương phải vào cuộc, cung cấp số điện thoại quảng cáo cho các nhà mạng yêu cầu khóa, xử lý ngay.

Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) Trần Mạnh Hùng đề xuất cho doanh nghiệp viễn thông cùng tham gia thu gom sim kích hoạt sẵn. Nhà mạng này được quyền tự động thu gom sim kích hoạt sẵn của các nhà mạng khác, nộp cho Sở Thông tin và truyền thông, sau đó Sở sẽ phạt nhà mạng vi phạm. Ông Trần Mạnh Hùng cho rằng: Cơ chế mới này, nếu được thực hiện, sẽ không còn tồn tại sim kích hoạt sẵn trên thị trường như hiện nay. Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đề nghị Cục Viễn thông cùng các nhà mạng lưu ý đề xuất này, đồng thời tìm mọi giải pháp, biện pháp để ngăn chặn sim rác, hệ lụy tin nhắn rác.

Trong những tháng cuối năm 2017, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục tập trung xây dựng chính sách nhằm quản lý thị trường viễn thông, thúc đẩy phát triển thuê bao di động trả sau, hạn chế sim rác. Đồng thời, Bộ sẽ tăng cường biện pháp thu hồi sim kích hoạt sẵn trên thị trường; hoàn thành chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định; phát triển bền vững dịch vụ viễn thông 4G. Mặt khác, Bộ triển khai Đề án cung cấp dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số thuê bao; tăng cường các biện pháp ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, mua bán lưu thông sim di động sai quy định...

Trong 6 tháng đầu năm, ngành Viễn thông nước ta đạt đạt mức tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm 2016 từ 10-20% về cả doanh thu và lợi nhuận. Trong đó, Tập đoàn VNPT đạt lợi nhuận 2.390 tỷ đồng, bằng 50,4% kế hoạch năm, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2016. Tập đoàn Viettel đạt 117.714 tỷ đồng, bằng 48,7% kế hoạch năm, lợi nhuận đạt 21.470 tỷ đồng. Tổng số thuê bao di động trên toàn cầu của Viettel đạt gần 100 triệu thuê bao, trong đó thuê bao trong nước đạt hơn 61 triệu. Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2017, Tổng Công ty Truyền thông đa phương tiện VTC đã chấm dứt giai đoạn lỗ tích lũy, bắt đầu vào giai đoạn hoạt động có lãi với mức doanh thu đạt 44% kế hoạch năm và lợi nhuận đạt 51% kế hoạch năm...

* Xử lý nghiêm các vi phạm về báo chí

Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã “mạnh tay" xử lý một số điểm nóng về thông tin, diễn biến phức tạp liên quan đến các mặt đời sống, kinh tế, xã hội, chính trị... Hàng loạt cơ quan báo chí, phóng viên sai phạm ở Trung ương và địa phương đã được xử lý nghiêm.

Thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề còn tồn tại của báo chí, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, hiện nay, vẫn còn tình trạng báo chí bị thương mại hóa, đăng tải thông tin, hình ảnh giật gân, câu khách, thiếu văn hóa, thiếu nhân văn và phản giáo dục. Tình trạng báo chí vòi vĩnh, ăn tiền doanh nghiệp chưa có dấu hiệu giảm. Nhiều trang thông tin điện tử đưa thông tin không phù hợp thuần phong mỹ tục, giật tít “giật gân, câu khách”. Nhiều bài báo rút tít phản cảm, nhẫn tâm, vô đạo đức... Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đề nghị Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử kiểm tra, xử lý nghiêm.

Đặc biệt, sau khi Thông tư 38/2016/TT-BTTT về cung cấp thông tin công cộng qua biên giới có hiệu lực từ 15/2/2017, đến nay, nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới như Google, Facebook đã chủ động, tích cực phối hợp với các đơn vị của Bộ Thông tin và Truyền thông. Điều này được phản ánh rất rõ nét thông qua việc các doanh nghiệp này đã phối hợp với các cơ quan chức năng thực xử lý hàng nghìn nội dung thông tin vi phạm pháp luật (Youtube đã gỡ bỏ hơn 3776 clip, 106 tài khoản giả mạo, Facebook đã xóa 600 tài khoản...).

Thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các cơ quan thông tấn, báo chí, hoạt động thông tin cơ sở, thông tin đối ngoại. Bộ tiếp tục chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm quy định của Luật Báo chí, quản lý chặt chẽ các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, tăng cường công tác quản lý nhà nước về vấn đề bản quyền, đặc biệt đối với bản quyền các chương trình truyền hình.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục