Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: PVN cần xử lý sớm các dự án tồn tại yếu kém

13:03' - 19/07/2017
BNEWS Với thách thức rất lớn trong điều kiện hiện nay, Thủ tướng đặt 4 vấn đề yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Thành viên, Tổng Giám đốc quán triệt sâu sắc và giải trình với Thủ tướng.

Sáng 19/7, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm Tổ trưởng đã kiểm tra Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) về tình hình thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng giao và các giải pháp góp phần bảo đảm mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2017.

*PVN cần đoàn kết, thống nhất, vững tin

Chuyển lời của Thủ tướng động viên PVN trong thời điểm khó khăn nhất, càng phải quyết tâm lớn nhất, đoàn kết, thống nhất, vững tin, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: trong quá trình làm có kiểm tra, phát hiện sai sót, có sai, cần phải sửa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong vấn đề triển khai các dự án thăm dò khai thác để quản lý dòng tiền, quản lý nhân sự, nhất là công tác nội bộ.

“Vừa rồi các đồng chí cũng khủng hoảng, tâm tư nhưng không vì thế mà không thực hiện nhiệm vụ”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói; cho biết 6 tháng đầu năm 2017, PVN cơ bản hoàn thành tốt các chỉ tiêu, trong đó sản lượng dầu khai thác đạt 7,9 triệu tấn, sản lượng khai thác khí so với kế hoạch 6 tháng chưa đạt nhưng cũng bằng 49,5% cả năm, sản xuất đạm vượt 8,8% kế hoạch, tổng doanh thu đạt 247,1 ngàn tỷ đồng, vượt 15% so với kế hoạch 6 tháng, bằng 56% kế hoạch năm.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, với thách thức rất lớn trong điều kiện hiện nay, Thủ tướng đặt 4 vấn đề yêu cầu PVN, Chủ tịch Hội đồng Thành viên, Tổng Giám đốc quán triệt sâu sắc và giải trình với Thủ tướng.

Nội dung đầu tiên được Bộ trưởng đề cập, đó là mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% của cả nước, phải tìm giải pháp đạt mục tiêu này. 6 tháng đầu năm, tăng trưởng GDP mới đạt 5,73%, như vậy, 6 tháng cuối năm phải đạt 7,2% để đạt được mục tiêu tăng trưởng của cả năm là 6,7%.

Đây là chỉ tiêu thách thức lớn, cần có sự quyết tâm của các ngành, các cấp, trong đó PVN có đóng góp rất lớn cho mục tiêu tăng trưởng của đất nước.

Với tổng sản lượng khai thác quy dầu đạt hơn 13 triệu tấn trong 6 tháng đầu năm, PVN đã hoàn thành vượt kế hoạch Chính phủ giao.

“Tăng trưởng này không phải lấy tăng sản lượng để tăng trưởng, nhưng cũng vô cùng ý nghĩa. Tài nguyên không phải vô hạn nên phải tính toán để đảm bảo lâu dài nguồn năng lượng cho đất nước”, Bộ trưởng khẳng định.

Bộ trưởng lưu ý PVN triển khai kế hoạch thăm dò trong và ngoài nước, lấy chiến lược lâu dài; có kế hoạch, chủ trương khai thác hiệu quả, quản lý tốt tài chính, tài sản, đặc biệt là công tác điều hành của Tập đoàn.

Vấn đề thứ hai Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhắc đến là việc xử lý một số dự án đầu tư kéo dài, thua lỗ, kém hiệu quả như dự án sinh học Ethanol Phú Thọ, Dung Quất, xơ sợi Đình Vũ…

Vấn đề này đã được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo quyết liệt. PVN cần nghiêm túc rút kinh nghiệm và xử lý sớm các dự án tồn tại yếu kém, không hoạt động được, để thua lỗ kéo dài, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị.

Bộ trưởng nêu rõ, quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng là ngành Công Thương kiên quyết xử lý theo cơ chế thị trường với nguyên tắc tôn trọng tự chủ, tự chịu trách nhiệm, Nhà nước kiên quyết không cấp thêm vốn cho các dự án thua lỗ kéo dài.

Về một số dự án nhiệt điện đầu tư nhưng tiến độ chậm như: nhiệt điện Long Phú 1, Sông Hậu 1, Thái Bình 2, Bộ trưởng truyền đạt ý kiến của Thủ tướng, đề nghị PVN đẩy nhanh tiến độ đầu tư, đưa vào hoạt động hiệu quả, vì các dự án này đi vào hoạt động sẽ tác động rất mạnh cho vấn đề tăng trưởng của Tập đoàn cũng như cho nền kinh tế cả nước.

“Nếu như có một nhà máy, một sản phẩm mới ra đời sẽ góp phần rất tốt giải quyết việc làm, tạo doanh thu, thu nhập, tạo hiệu quả”, Bộ trưởng cho hay.

Trong cổ phần hóa, Bộ trưởng đề nghị PVN tiếp tục xem xét vấn đề hiệu quả đích thực, hạch toán chính xác đầy đủ, cơ cấu lại các đơn vị thành viên hoạt động kém hiệu quả.

Một vấn đề quan trọng khác được Bộ trưởng nhắc đến là PVN cần xây dựng niềm tin, trong đó có vấn đề kỷ cương, kỷ luật chấp hành các quy định của Đảng, Nhà nước trong quản lý cán bộ, trong điều hành. “Vừa qua có sự chững lại trong đôn đốc công việc, thay đổi tổ chức, sắp xếp cán bộ.

Thời điểm đấy chúng ta có chững lại rất nhiều, ảnh hưởng tâm tư, tình cảm của cán bộ Tập đoàn, đòi hỏi quyết tâm, đoàn kết nhất trí, khẳng định niềm tin với Tập đoàn, cần các biện pháp mạnh mẽ.

Thủ tướng có nói tôi, đề nghị lãnh đạo PVN cần tạo không khí làm việc tốt, đoàn kết cao để phấn đấu hoàn thành vượt các chỉ tiêu, góp phần cùng cả nước hoàn thành nhiệm vụ kinh tế cả nước trong năm 2017 và tạo nền tảng cho những năm tiếp theo”, Bộ trưởng nói.

Về các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, từ 1/1/2016 đến 10/7/2017, PVN được giao 189 nhiệm vụ, 141 nhiệm vụ đã hoàn thành, trong đó trong hạn là 130 nhiệm vụ, quá hạn là 11 nhiệm vụ. Hiện còn 48 nhiệm vụ chưa hoàn thành, trong đó 45 nhiệm vụ trong hạn, 3 nhiệm vụ quá hạn.

Nhiệm vụ của Tập đoàn được giao không nhiều nhưng số nhiệm vụ quá hạn so với các đơn vị được kiểm tra không phải là thấp. PVN tập trung chỉ đạo quyết liệt để không còn nhiệm vụ nào còn sót, quá hạn, Bộ trưởng đề nghị.

* Vào cuộc khắc phục tồn tại, khuyết điểm với quyết tâm cao nhất, quyết liệt nhất

Giải trình của Tổng Giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn cho thấy, đến hết ngày 10/7, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã hoàn thành, đảm bảo nội dung theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là 141/189 nhiệm vụ; đang triển khai thực hiện 45 nhiệm vụ trong thời hạn xử lý.

Trong số ba nhiệm vụ quá hạn có nhiệm vụ “yêu cầu Công ty nhiên liệu sinh học Dung Quất tiếp tục làm việc với Nhà thầu để xử lý dứt điểm các vướng mắc của Hợp đồng EPC, hạng mục xử lý nước thải và hoàn thành việc quyết toán Dự án đầu tư, xây dựng Nhà máy nhiên liệu sinh học Dung Quất trước ngày 31/3/2017”.

Tập đoàn đã tổ chức họp và thống nhất phương án xử lý.

Theo đó, Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam sẽ xây dựng hồ điều hòa, trước mắt sử dụng nguồn tài chính giữ lại của nhà thầu, sau khi hoàn thành sẽ căn cứ theo phán quyết của tòa án để xử lý tài chính, Công ty Cổ phần Nhiên liệu sinh học Dầu khí miền Trung (BSR-BF) đã xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí cho việc chạy lại nhà máy, từ năm 2018 có sản phẩm.

Phó Tổng Giám đốc PVN Lê Minh Hồng cho biết, kế hoạch tái cơ cấu Tập đoàn giai đoạn 2016- 2020 đã trình Chính phủ một năm nay và Điều lệ tổ chức hoạt động của Tập đoàn đã trình 1,5 năm, đến nay vẫn chưa được phê duyệt dẫn đến khó khăn trong thực hiện.

Ông Hồng đề nghị Chính phủ nhanh chóng phê duyệt Điều lệ để Tập đoàn làm cơ sở hoạt động, xử lý các vấn đề pháp lý.

Năm 2017 và những năm tiếp theo, Tập đoàn sẽ tiến hành cổ phần hóa ba đơn vị: PV Oil và Nhà máy Lọc dầu Bỉm Sơn và Tổng Công ty Điện lực Dầu khí.

Đây là ba đơn vị có số lượng tài sản lớn, trên 100 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước tại ba đơn vị này khoảng 60 nghìn tỷ đồng.

Đến nay, Tập đoàn đã trình phương án cổ phần hóa hai đơn vị là PV Oil và Bỉm Sơn, sẽ trình phương án của Tổng Công ty Điện lực Dầu khí trong tháng 7/2017.

Về kế hoạch thoái vốn giai đoạn 2012- 2016, trừ Ngân hàng PVcomBank thực hiện theo đề án tái cơ cấu của Ngân hàng Nhà nước và Công ty cổ phần xơ sợi Đình Vũ thực hiện theo chỉ đạo riêng của Chính phủ thì kế hoạch thoái vốn của Tập đoàn giai đoạn này khoảng 1.544 nghìn tỷ đồng, đã thoái vốn hơn 1.180 nghìn tỷ đồng, còn 366 nghìn tỷ đồng.

Phó Tổng Giám đốc Lê Minh Hồng bày tỏ rất tâm đắc với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, rằng, giai đoạn hiện nay, hơn lúc nào hết, PVN phải xây dựng niềm tin bằng tình đoàn kết. Ông khẳng định “người lao động PVN chưa bao giờ thiếu niềm tin”.

“Hiện tại, PVN rất khó khăn, hơn bao giờ hết, chúng tôi cần niềm tin của Đảng, Nhà nước, của các bộ, ngành vào những người làm dầu khí. Trong quá trình hoạt động và phát triển, ngành Dầu khí mắc phải một số tồn tại, khuyết điểm.

Từ đầu năm đến nay, PVN dành 30-40% thời gian để xử lý các vấn đề trong quá khứ, rất mất thời gian, thường xuyên tiếp các đoàn kiểm tra, thanh tra, rồi dành thời gian kiểm điểm.

Việc này là cần thiết nhưng chúng tôi đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu làm sao để gom lại, làm gọn hơn, tạo điều kiện cho PVN phát triển, tạo ra sản phẩm cho xã hội, tăng trưởng GDP... ”, ông Hồng nhấn mạnh.

Nói về việc khắc phục các dự án yếu kém, ông Hồng cho biết, đây là niềm trăn trở, là nỗi đau của những người làm Dầu khí.

“Chúng tôi xác định đây là lỗi của ngành, ngành phải khắc phục, phải vào cuộc một cách quyết tâm nhất, quyết liệt nhất nhưng vướng, khó vô cùng”, Phó Tổng giám đốc Lê Minh Hồng nói. Ông đề nghị các Chính phủ, các bộ, ngành hướng dẫn cho PVN giải pháp xử lý.

Làm rõ hơn vấn đề này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là các dự án thua lỗ, yếu kém nếu vận hành, đưa vào hoạt động, ra sản phẩm với giải pháp tích cực nhất, khắc phục tồn tại là tốt nhất.

Nếu không vận hành được, đề nghị Bộ Công Thương, PVN phải có giải pháp, không loại trừ là phá sản, bán nhà máy. Muốn bán được, phá sản được phải hoàn công, quyết toán, xác định giá trị ban đầu, tổng mức đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay các hồ sơ này cũng không hoàn thành được.

Bộ trưởng cho biết, các dự án này phải xử lý theo nguyên tắc thị trường và không điều tiết từ ngân sách nhà nước. Việc duy trì, bảo vệ, trông coi, xem xét vận hành là trách nhiệm của Chủ đầu tư để thực hiện cho tốt.

“Thực tế đã chứng minh, điều tiết từ ngân sách nữa thì cũng không thể khẳng định là sẽ thành công, sẽ hiệu quả được”, Bộ trưởng khẳng định./.

Xem thêm:

>>>PVN triển khai các giải pháp hoàn thành mục tiêu khai thác 13,28 triệu tấn dầu thô

>>>Chỉ tiêu tài chính của PVN tăng cao là nhờ giá dầu

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục