Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Các giải pháp hỗ trợ chưa thực sự như mong đợi

16:20' - 02/07/2020
BNEWS Cho đến nay, các giải pháp hỗ trợ nhìn chung chưa thực sự đáp ứng được sự mong đợi của doanh nghiệp và cũng rất ít doanh nghiệp tiếp cận được các gói hỗ trợ do nhiều yêu cầu không khả thi.

Đánh giá về tình hình thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương tổ chức ngày 2/7, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, cần hơn những giải pháp tích cực, kịp thời về cải thiện môi trường kinh doanh để giúp doanh nghiệp an tâm đầu tư kinh doanh, sáng tạo nhằm vượt qua khủng hoảng.

“Trong 6 tháng đầu năm 2020, do tác động của dịch COVID-19 nên việc triển khai Nghị quyết số 02 có phần chững lại. Các bộ, ngành, địa phương tập trung chủ yếu thực hiện các giải pháp chống dịch và các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

Cho đến nay, các giải pháp hỗ trợ nhìn chung chưa thực sự đáp ứng được sự mong đợi của doanh nghiệp và cũng rất ít doanh nghiệp tiếp cận được các gói hỗ trợ do nhiều yêu cầu không khả thi”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.  

Qua theo dõi việc triển khai Nghị quyết cho thấy nửa đầu năm 2020, các giải pháp về cải cách quy định, đơn giản hóa quy trình, thủ tục có xu hướng chậm lại và ít được quan tâm, chú ý.

Chỉ một số ít bộ, ngành, địa phương tiếp tục duy trì nỗ lực cải cách và có kết quả được ghi nhận rõ ràng (như các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Tư pháp, Công Thương; Bảo hiểm xã hội Việt Nam và địa phương như Quảng Ninh, Đồng Tháp, Cần Thơ,...).

Trong khi đó, ở một số ít bộ, ngành khác chưa dành sự quan tâm, chỉ đạo đủ mức cần thiết để đảm bảo thực thi thực chất và hiệu quả các nhiệm vụ theo yêu cầu của Nghị quyết.

Tính đến ngày 25/06/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận được báo cáo 6 tháng về tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết số 02 của 18 bộ, ngành  và 41/63 tỉnh, thành phố.

Nhìn chung, báo cáo của đa số các bộ, ngành có hàm lượng thông tin tương đối bám sát nội dung theo yêu cầu của Nghị quyết. Ở cấp địa phương, các tỉnh, thành phố gửi báo cáo kịp thời và đầy đủ hơn.

Rà soát các báo cáo cho thấy, một số bộ, ngành (như Tư pháp, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Chính phủ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam,...) và một số địa phương (như Quảng Ninh, Đồng Tháp,...) có nội dung báo cáo với hàm lượng thông tin phong phú, cập nhật, tương đối đầy đủ và bám sát yêu cầu của Nghị quyết.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, báo cáo của một số bộ, ngành và của nhiều địa phương có hàm lượng thông tin ít thay đổi (có sự giống nhau về nội dung và ít khác biệt qua các quý, các năm).

Đơn cử như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo tình hình và kết quả 6 tháng đầu năm 2020 thực hiện Nghị quyết số 02, nhưng nội dung trong báo cáo là các hoạt động đã thực hiện từ các năm trước đó.

Ngoài ra, hầu hết báo cáo nêu thành tích, kết quả, song chưa nêu những nội dung công việc chưa hoàn thành và chưa lý giải nguyên nhân.

Để thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện Nghị quyết số 02 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Chính phủ: yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo, chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình và đánh giá kết quả thực hiện Chương trình, Kế hoạch thực hiện các Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng yêu cầu các bộ, cơ quan nghiên cứu, đánh giá hiệu quả các hoạt động cải cách về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực bộ, ngành quản lý giai đoạn 2016-2020; nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật sửa đổi các luật có liên quan để đơn giản hóa điều kiện kinh doanh được quy định tại các luật chuyên ngành theo phương án đã được phê duyệt.

Ngoài ra, tiếp tục thực hiện cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN; đồng thời, nghiên cứu, đánh giá hiệu quả áp dụng dịch vụ công trực tuyến và kết nối thủ tục qua Cơ chế một cửa quốc gia trong lĩnh vực bộ, ngành quản lý.

Cùng với đó, yêu cầu Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng theo dõi, đánh giá độc lập thường xuyên về tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết để đảm bảo những cải cách đem lại thay đổi thực chất cho doanh nghiệp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục