Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Sẽ có báo cáo Chính phủ về việc lắp camera với xe kinh doanh vận tải

13:31' - 01/12/2021
BNEWS Tính đến giữa tháng 11 mới có hơn 25.000 trong tổng số hơn 200.000 phương tiện kinh doanh vận tải đã lắp đặt camera, đạt tỷ lệ hơn 12%.

Liên quan đến kiến nghị của các hiệp hội vận tải ô tô địa phương và mới đây nhất là kiến nghị của Hiệp hội vận tải thành phố Hà Nội về việc lùi thời hạn lắp camera đối với xe ô tô kinh doanh vận tải vì lý do ảnh hưởng của dịch COVID-19 dẫn đến khó khăn trong sản xuất kinh doanh, trao đổi với phóng viên TTXVN ngày 1/12, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ sẽ có báo cáo Chính phủ xem xét về vấn đề này.

Theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, Bộ đã nhiều lần có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan đốc thúc các doanh nghiệp kinh doanh vận tải triển khai lắp camera trên ô tô vận tải theo đúng lộ trình. Theo đó, Bộ đã yêu cầu Thanh tra Bộ; Tổng cục Đường bộ Việt Nam; Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ và đôn đốc thực hiện quy định về lắp camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải theo quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải.

Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các Sở Giao thông Vận tải địa phương chỉ đạo, hướng dẫn đơn vị vận tải kinh doanh vận tải thực hiện nghiêm việc lắp đặt camera trên xe để ghi, lưu trữ hình ảnh trong quá trình tham gia giao thông đối với các phương tiện thuộc diện phải lắp camera theo quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP. Thời gian thực hiện xong trước ngày 31/12/2021 theo Nghị quyết số 66/NQ-CP của Chính phủ.

Đối với bến xe khách, xe hàng, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo các đơn vị kiểm tra các phương tiện ra, vào bến thực hiện nghiêm các điều kiện về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định. Bên cạnh đó, tuyên truyền đến lái xe, đơn vị kinh doanh vận tải lắp đặt camera trên xe ô tô để tránh bị xử phạt từ ngày 1/1/2022.

Đặc biệt, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các Sở Giao thông Vận tải giao Thanh tra giao thông phối hợp kiểm tra các phương tiện trước khi xe xuất bến. Trong quá trình khai thác hoạt động kinh doanh, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm không lắp camera trên xe theo quy định và báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 5/12/2021.

Trước đó, ngày 1/7/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 66/NQ-CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6 năm 2021. Để tháo gỡ khó khăn trong thực hiện quy định lắp camera trên phương tiện ô tô kinh doanh vận tải do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, Chính phủ quyết định lùi xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức chưa lắp camera giám sát trên xe tải, xe khách quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP đến hết ngày 31/12/2021.

 

Như vậy, chỉ còn một tháng nữa để xe kinh doanh vận tải hoàn thành việc lắp camera giám sát theo quy định nếu không muốn bị xử phạt. Tuy nhiên, tỷ lệ phương tiện kinh doanh vận tải phải lắp camera giám sát theo Nghị định 10/2020/NĐ-CP rất thấp.

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, đã có nhiều văn bản yêu cầu Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố đôn đốc các đơn vị kinh doanh vận tải khẩn trương thực hiện lắp camera trên xe kinh doanh vận tải theo lộ trình tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP. Tuy nhiên, số lượng phương tiện đã lắp camera chiếm tỷ lệ rất thấp so với tổng số phương tiện phải lắp camera theo quy định. Tính đến giữa tháng 11 mới có hơn 25.000 trong tổng số hơn 200.000 phương tiện kinh doanh vận tải đã lắp đặt camera, đạt tỷ lệ hơn 12%.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho biết, hiệp hội đã có nhiều văn bản kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành có liên quan tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các đơn vị vận tải bị thiệt hại nặng nề do đại dịch COVID-19, đặc biệt là kiến nghị về lùi thời hạn lắp camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải khách từ 9 chỗ ngồi trở lên, xe kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo. Tuy nhiên, Chính phủ đã cho phép lùi thời hạn xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm chưa lắp camera đến hết 31/12/2021

“Trên cơ sở các kiến nghị của các hiệp hội thành viên và hội viên trực thuộc, tại Hội nghị ngày 17/11, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã tiếp tục có kiến nghị đến Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải xin lùi thời hạn xử phạt vi phạm về chưa lắp camera theo quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP và Thông tư 12/2020/TT-BGTVT đến 31/12/2022, nhưng Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã không đồng ý và yêu cầu các đơn vị vận tải có xe thuộc đối tượng phải lắp camera theo đúng hạn định là trước ngày 31/12/2021”, ông Nguyễn Văn Quyền chia sẻ.

Vì vậy, ông Nguyễn Văn Quyền cho hay, để đẩy nhanh tiến độ lắp camera theo đúng chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, hiệp hội đề nghị các hiệp hội thành viên và hội viên trực thuộc thực hiện khẩn trương lắp camera cho các phương tiện của đơn vị mình theo quy định trước ngày 31/12/2021.

Về vấn đề lựa chọn loại camera, ông Nguyễn Văn Quyền cho biết, hiện cơ quan chức năng đã có lộ trình thay thế dần công nghệ 2G. Do đó, trong quá trình thay thế hoặc mua thiết bị mới giám sát hành trình và camera, các đơn vị vận tải nên cân nhắc sử dụng loại thiết bị có tối thiểu công nghệ từ 4G trở lên để tránh lãng phí về sau này.

Theo đại diện Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải), đầu tháng 11, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành TCVN 13396:2021 về camera giám sát hành trình dùng trên xe ô tô – yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử. Theo đó, sản phẩm được cấp giấy chứng nhận TCVN 13396:2021 có công nghệ tối thiểu 4G và được tích hợp thiết bị giám sát hành trình với đầu thu camera, phù hợp với Nghị định số 10/2020/NĐ-CP và Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT. Vì vậy, các đơn vị vận tải có thể căn cứ vào tiêu chuẩn này trang bị các thiết bị camera phù hợp.

Liên quan đến băn khoăn về việc lãng phí thiết bị camera mà nhiều đơn vị vận tải đã lắp trước đó có thể không phù hợp với tiêu chuẩn hiện hành, một chuyên gia giao thông cho hay, thời gian vừa qua để phục vụ cho việc quản lý kinh doanh và giám sát phương tiện nhiều chủ doanh nghiệp đã tự trang bị lắp camera và thiết bị giám sát hành trình các xe của đơn vị. Nhìn chung, các thiết bị này đều mới được lắp nên có thể vẫn phù hợp với tiêu chuẩn hiện nay.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng đồng cảm với tình hình khó khăn của doanh nghiệp khi nhiều tháng qua phải hoạt động cầm chừng. Với quy định trên, doanh nghiệp phải chịu thêm chi phí khi thay mới hoặc nâng cấp các thiết bị giám sát hành trình và camera tương thích với quy định hiện nay.

Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt đối với lái xe, doanh nghiệp vi phạm lắp camera như sau: Đối với lái xe: phạt từ 1 - 2 triệu đồng với người điều khiển xe ô tô kinh doanh vận tải khách và hàng hóa không lắp camera theo quy định. Hoặc, có lắp camera nhưng không ghi, không lưu trữ được hình ảnh trên xe trong quá trình xe tham gia giao thông theo quy định.

Đối với doanh nghiệp, phạt từ 5 - 6 triệu đồng với cá nhân, từ 10 - 12 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải sử dụng xe ô tô kinh doanh vận tải không lắp camera theo quy định. Hoặc, có lắp camera nhưng không ghi, không lưu trữ được hình ảnh trên xe, người lái xe trong quá trình xe tham gia giao thông theo quy định.

Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung bị tước quyền sử dụng phù hiệu từ 1 - 3 tháng đối với xe vi phạm.

Trong khi đó, Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Trước ngày 1/7/2021, ô tô kinh doanh vận tải hành khách từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên và xe vận tải hàng hoá bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe trong suốt quá trình xe tham gia giao thông. Tuy nhiên, thời hạn này được lùi đến 31/12/2021 để hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch COVID-19…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục