Boeing chịu sức ép gia tăng từ hoạt động giám sát an toàn

15:23' - 30/01/2024
BNEWS Ngày 29/1, tập đoàn sản xuất máy bay Boeing của Mỹ cho biết đã rút lại đề nghị gửi Cục Hàng không Liên bang (FAA) vào tháng 12/2023 xin miễn trừ tiêu chuẩn an toàn đối với máy bay 737 MAX 7.

Quyết định này được đưa ra khi Boeing đang phải chịu sức ép ngày càng tăng từ hoạt động giám sát an toàn của các cơ quan quản lý và lập pháp.

Trong đề xuất ban đầu, Boeing xin miễn trừ tiêu chuẩn an toàn cho máy bay 737 MAX 7 đến hết ngày 31/5/2026 - khoảng thời gian mà hãng cho là cần thiết để phát triển và chứng nhận các thay đổi thiết kế. Tuy nhiên, khó có khả năng FAA chấp thuận đề nghị này sau sự cố bung cửa sổ máy bay của hãng hàng không Alaska Airlines hồi đầu tháng này.

 
Thượng nghị sỹ Tammy Duckworth, người đứng đầu Tiểu ban an toàn hàng không của Ủy ban Thương mại Thượng viện Mỹ, cho biết bà đã yêu cầu Boeing rút lại yêu cầu miễn trừ trong cuộc gặp Giám đốc điều hành Boeing Dave Calhoun.

Theo bà Duckworth, yêu cầu miễn trừ của Boeing liên quan tới hệ thống chống đóng băng động cơ có thể bị quá nhiệt khi hoạt động, khiến vỏ động cơ có nguy cơ bị vỡ và rơi ra, gây nguy hiểm cho hành khách và an toàn bay.

Boeing cho biết tập đoàn tin tưởng đề xuất miễn trừ có thời hạn đối với hệ thống trên tuân thủ các quy trình FAA để đảm bảo hoạt động an toàn. Tuy nhiên, tập đoàn sẽ tìm cách hoàn thành một giải pháp kỹ thuật trong quá trình xin chứng nhận an toàn từ FAA.

Trước đó, hãng hàng không United Airlines cho biết đã tiếp tục sử dụng loại máy bay Boeing 737 MAX 9 để chở khách vào ngày 27/1 sau khi được các nhà quản lý "bật đèn xanh", vài tuần sau sự cố máy bay bị bung cửa giữa không trung trên chuyến bay của hãng hàng không Alaska Airlines hồi đầu tháng này.

Vụ bung cửa máy bay hi hữu ngày 5/1 trên chiếc Boeing 737 MAX 9 mới sử dụng được 8 tuần đã khiến FAA phải đình chỉ hoạt động tổng số 171 chiếc Boeing 737 MAX 9, dẫn đến việc hàng nghìn chuyến bay của Alaska Airlines và các hãng hàng không khác bị hủy.

FAA ngày 24/1 đã dỡ bỏ lệnh đình chỉ sau khi chấp nhận kết quả các cuộc kiểm tra và bảo trì, đồng thời khẳng định Boeing không thể mở rộng sản xuất 737 MAX hoặc bổ sung dây chuyền sản xuất trong khi chờ cải thiện chất lượng. Quy trình bảo trì kỹ lưỡng đối với Boeing 737 MAX 9 gồm kiểm tra các bu lông, ray dẫn hướng và phụ kiện cùng với việc kiểm tra chi tiết các chốt cửa thoát hiểm giữa khoang máy bay và hàng chục bộ phận liên quan.

Trước đó, Alaska Airlines đã nối lại dịch vụ chở khách sử dụng loại máy bay này vào ngày 26/1. Việc dừng hoạt động máy bay Boeing MAX 9 ảnh hưởng đến 20% đội bay của hãng.

Trong khi đó, Chủ tịch Boeing, ông Stan Deal, cho hay các nhân viên của hãng đã tích cực làm việc để đưa ra các tiêu chí kiểm tra giúp dòng máy bay này được đưa vào hoạt động trở lại và Boeing hiện đang trong quá trình đánh giá hàng trăm ý tưởng của nhân viên nhằm cải thiện chất lượng sản phẩm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục