Boeing dự báo nhu cầu nhân sự trong ngành hàng không tăng mạnh

11:05' - 23/07/2024
BNEWS Nhà sản xuất máy bay Boeing ngày 22/7 dự báo nhu cầu nhân sự hàng không tiếp tục tăng mạnh trong 20 năm tới, khi đội bay thương mại toàn cầu tiếp tục mở rộng.

Theo báo cáo Dự báo về Phi công và Kỹ thuật viên năm 2024 (PTO) của Boeing, ngành hàng không sẽ cần gần 2,4 triệu nhân sự mới để hỗ trợ đội bay thương mại đang phát triển và đáp ứng sự gia tăng trong hoạt động vận tải hàng không trong dài hạn.

 

Theo báo cáo PTO mới nhất, đến năm 2043, các hãng hàng không thương mại sẽ cần 674.000 phi công, 716.000 kỹ thuật viên bảo trì và 980.000 tiếp viên hàng không để duy trì đội bay thương mại toàn cầu.

Ông Chris Broom, Phó chủ tịch Giải pháp Đào tạo Thương mại tại Boeing Global Services cho biết: "Do lưu lượng giao thông hàng không tăng cao hơn mức trước đại dịch, tình trạng hao hụt nhân sự và sự phát triển của đội bay thương mại, nên nhu cầu nhân sự hàng không đang tiếp tục tăng lên".

PTO cho biết hai phần ba nhân sự mới sẽ thay thế nhân sự nghỉ việc, trong khi một phần ba sẽ hỗ trợ cho sự phát triển của đội bay thương mại.

Trong đó, nhu cầu từ các thị trường Á-Âu, Trung Quốc và Bắc Mỹ sẽ chiếm hơn một nửa nhân sự mới của ngành.

Đầu tháng 6/2024, các hãng hàng không toàn cầu đã điều chỉnh nâng dự báo lợi nhuận doanh nghiệp trong năm 2024, với dự kiến doanh thu toàn ngành sẽ nằm ở mức xấp xỉ 1.000 tỷ USD, nhờ lượng khách du lịch bằng đường hàng không tăng lên ngưỡng cao kỷ lục.

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) kỳ vọng ngành công nghiệp hàng không toàn cầu sẽ tạo ra lợi nhuận khoảng 30,5 tỷ USD trong năm nay, cao hơn mức 27,4 tỷ USD đã được điều chỉnh tăng của năm 2023. Điều này có được một phần là nhờ các hãng vận chuyển đã giữ chi phí lao động ở mức cơ bản, bất chấp những cuộc đình công đòi tăng lương liên tục xảy ra thời gian gần đây.

Thông tin này hoàn toàn khác biệt so với bốn năm trước, khi ngành hàng không toàn cầu lâm vào tình trạng sụp đổ và chịu lỗ tới 140 tỷ USD trong năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Tổng giám đốc điều hành IATA Willie Walsh cho biết môi trường tốt hơn mong đợi, đặc biệt ở châu Á.

Tuy nhiên, đại diện ngành hàng không thế giới cảnh báo khả năng đáp ứng nhu cầu đi lại phục hồi mạnh mẽ của các hãng hàng không đang bị cản trở do sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, bao gồm cả việc giao hàng cho đội tàu bay của các hãng.

Theo dự báo kinh tế hai năm một lần của IATA, doanh thu hành khách tính theo đơn vị (trung bình số tiền hành khách trả để bay một dặm) dự kiến tăng 3,2% so với năm 2023. Điều này một phần là do năng lực vận chuyển bị hạn chế, dẫn đến giá vé trung bình tăng lên.

Ngược lại, con số tương ứng đối với vận chuyển hàng hóa dự kiến giảm 17,5% trong năm 2024 do thị trường vận tải hàng hóa đang quay trở lại mô hình bình thường sau thời kỳ bùng nổ trong đại dịch.

Hoạt động hàng không được coi là thước đo niềm tin của doanh nghiệp hoặc người tiêu dùng, cũng như thương mại. Ngành hàng không có chi phí cố định cao và các quy định hạn chế hầu hết các vụ sáp nhập xuyên biên giới, khiến ngành này vẫn bị phân mảnh.

Ông Willie Walsh cho biết mức lợi nhuận vẫn rất thấp, chỉ hơn 3%. Hiệu suất này vẫn thấp hơn nhiều so với nhu cầu của ngành.

Tại châu Á, mặc dù hoạt động du lịch quốc tế ở Trung Quốc phục hồi chậm chạp, song IATA đã tăng gấp ba lần dự báo lợi nhuận cho ngành trong năm 2024 lên 2,2 tỷ USD.

Boeing cho biết chỉ bán được 14 máy bay phản lực mới trong tháng Sáu vừa qua, phần lớn là bán máy bay chở hàng. Và một trong số đó là thay thế chiếc đã bị bung cánh cửa giữa lúc bay chỉ hơn sáu tháng trước.

Cụ thể, Boeing chỉ bán được 3 chiếc máy bay phản lực 737 Max, hai chiếc cho một khách hàng không rõ danh tính và một chiếc cho hãng hàng không Alaska Airlines để thay thế chiếc máy bay bị bung cửa trong chuyến bay ngày 5/1. 11 máy bay phản lực còn lại là mẫu 777 chuyên chở hàng.

Chiếc máy bay được bán cho Alaska Air cũng là chiếc 737 Max 10 để thay thế chiếc bị lỗi bung cửa. Boeing đã đồng ý mua lại chiếc máy bay đó, sau khi nó có thể hạ cánh mà không gây thương tích nghiêm trọng cho phi hành đoàn hoặc hành khách. Boeing từ chối cho biết kế hoạch của họ đối với chiếc máy bay này sau khi họ đã thu hồi nó.

Đây là một trong những tháng có doanh số bán hàng tốt nhất trong năm của Boeing, nhưng công ty vẫn kết thúc nửa đầu năm 2024 với tổng doanh thu giảm 70% so với cùng kỳ một năm trước. Doanh số đạt 14 máy bay của tháng Sáu tuy tăng so với 4 máy bay hồi tháng Năm và 7 máy bay trong tháng Tư, con số này đã giảm 95% so với tổng số 304 máy bay được bán ra vào tháng 6/2023.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục