Boeing ngừng sản xuất máy bay 737 MAX: Vẫn chưa có ngày trở lại

08:44' - 18/12/2019
BNEWS Ngày 16/12, hãng sản xuất máy bay Boeing của Mỹ thông báo sẽ tạm dừng sản xuất máy bay 737 MAX từ tháng 1/2020.

Quyết định trên được Boeing đưa ra trong một cuộc họp Hội đồng Quản trị kéo dài hai ngày, bắt đầu từ ngày 15/12, trong bối cảnh các cuộc điều tra do Cơ quan An toàn Hàng không Mỹ (FAA) tiến hành sẽ còn kéo dài tới hết năm 2020.
* Cái kết tất yếu của vụ bê bối kéo dài

Máy bay Boeing 737 MAX 7 tại Seattle, Washington, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong một tuyên bố, Boeing nói rằng: “Nhiều yếu tố đã dẫn đến quyết định này, bao gồm khó khăn trong việc thời hạn cấp phép bị kéo dài trong năm 2020, trong khi chúng tôi mong muốn có thể ưu tiên giao nhận các đơn hàng máy bay còn tồn đọng”.

Tuy nhiên, ông Adam Pilarski, Phó Chủ tịch công ty tư vấn hàng không Avitas, lại cho rằng: “Không có gì ngạc nhiên khi họ dừng sản xuất những chiếc máy bay không được giao hàng".
737 MAX từng là loại máy bay bán chạy nhất của Boeing trước khi bị "cấm bay" từ tháng 3/2019 sau hai vụ tai nạn thảm khốc trong vòng chỉ năm tháng ở Indonesia và Ethiopia, khiến tổng cộng 346 người thiệt mạng.

Cho đến nay, việc 737 MAX bị "cấm bay" đã khiến Boeing thiệt hại hơn 9 tỷ USD. Không chỉ thiệt hại tài chính, cuộc khủng hoảng này còn khiến Boeing bị các cơ quan chức năng trên toàn cầu tăng cường giám sát an toàn.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân của sự cố một phần bắt đầu từ việc để cạnh tranh với dòng máy bay A320neo của Airbus, Boeing đã quyết định điều chỉnh thiết kế của chiếc 737 thay vì xây dựng một cỗ máy hoàn toàn mới.

Phiên bản 737 MAX được cải tiến với động cơ lớn hơn, tiết kiệm nhiên liệu hơn. Hãng đã buộc phải đặt khối động cơ ở xa hơn về phía trước và kết quả là máy bay có xu hướng chếch lên và tròng trành trong một số tình huống nhất định.

Ngoài ra, lỗi phần mềm liên quan đến hệ thống tăng cường tính năng điều khiển bay cũng là nguyên nhân gây nên những tai nạn…
* Kinh tế Mỹ ảnh hưởng, các nhà thầu phụ lao đao
Theo hãng tin Bloomberg, đây là lần đầu tiên trong 20 năm hãng chế tạo máy bay Mỹ phải dừng sản xuất máy bay 737 MAX - động thái này có thể sẽ gây tác động lớn đối với nền kinh tế Mỹ.

Nhà nghiên cứu kinh tế của Bloomberg Andrew Husby ước tính việc Boeing ngừng sản xuất 737 MAX có thể khiến GDP của Mỹ trong quý I/2020 giảm 1 điểm phần trăm, trong khi đó, nhà kinh tế trưởng của JPMorgan Chase Michael Feroli nói rằng việc dừng vô thời hạn có thể sẽ khiến GDP "mất" 0,5 điểm phần trăm.

Trong khi đó, ông Henry Harteveldt, người sáng lập công ty tư vấn du lịch Atmosphere Research Group, cũng cho rằng: “Việc Boeing thông báo rằng họ tạm ngừng sản xuất, mặc dù không biết kéo dài trong bao lâu thực sự tạo ra sự hỗn loạn cho các hãng hàng không. Nó sẽ gây ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế Mỹ”.

Hạ nghị sỹ Mỹ Rick Larsen nói rằng, quyết định của Boeing "là một đòn giáng vào các công nhân và nền kinh tế khu vực".
Quyết định đình chỉ của Boeing cũng khiến hàng ngàn chuyến bay bị huỷ bởi các hãng hàng không trên thế giới, các hãng đang đợi máy bay mới được giao, hoặc đã mua những chiếc máy bay hiện đang bị "cấm bay".

Không chỉ bản thân Boeing, khoảng 600 nhà cung cấp phụ tùng máy bay cho Boeing và hàng trăm nhà thầu phụ khác cũng lao đao, bất chấp những lời hứa hẹn của hãng này về việc không sa thải bất kỳ lao động nào trong số 12.000 người đang làm việc tại nhà máy ở thành phố Renton (bang Washington), tiếp tục trả lương cho họ trong thời gian dừng sản xuất.
Giới phân tích cho rằng rất khó để đánh giá đúng tác động của việc dừng sản xuất dòng máy bay trên của Boeing đối với các nhà sản xuất nằm trong mạng lưới chuỗi cung của Boeing.

Chịu áp lực lớn nhất trong số này phải kể đến các nhà cung cấp khung máy bay, với cái tên lớn nhất là Spirit AeroSystems - doanh nghiệp sản xuất thân máy bay 737 MAX.

Máy bay 737 MAX 8 của hãng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. Ảnh: AFP/ TTXVN

Các công ty cung cấp khung máy bay nhỏ hơn cũng đang phải chịu tình trạng căng thẳng tài chính khi dồn lực tăng sản xuất cho 737 MAX, trong khi Boeing kéo dài thời hạn trả chi phí từ 90 ngày lên 120 ngày.

Mặc dù rất nhiều trong số những công ty này vẫn cung cấp các bộ phận cho các dòng máy bay khác của Boeing cũng như cho các hàng sản xuất khác như Airbus, nhưng 737 MAX của Boeing vẫn chiếm tỷ lệ nhiều nhất trong công việc của các công ty này. Một nửa doanh thu của Spirit là từ việc chế tạo thân máy bay cho Boeing.
* Các hãng hàng không nghe ngóng
Các hãng hàng không đang sở hữu máy bay 737 MAX như Southwest Airlines Co, United Airlines Holdings Inc và Fiji Airways ngày 17/12 cho biết đang đánh giá thông báo dừng sản xuất dòng máy bay 737 của Boeing và hiện chưa thể đưa ra bình luận về tác động của động thái này tới hoạt động kinh doanh của họ.
Đối với các hãng hàng không trên thế giới, giới phân tích cho rằng, việc 737 MAX bị ngừng sản xuất sẽ không có ảnh hưởng ngay lập tức tới những hãng hàng không đã từ chối đơn hàng mua dòng máy bay này.

Tuy nhiên, nó đánh dấu một cột mốc mới cho cuộc khủng hoảng mà Boeing đang phải gánh chịu trong suốt thời gian qua: sản phẩm bán chạy nhất bị "hắt hủi", đánh giá an toàn bay sụt giảm, khách hàng đòi bồi thường và mối quan hệ với FAA trở nên căng thẳng.
Ngoài ra, những hãng hàng không này sẽ phải lắp đặt một phần mềm mới của Boeing chạy các chương trình bảo dưỡng đối với các máy bay 737 MAX đang bị “đắp chiếu” và thực hiện các chương trình đào tạo phi công theo khuyến nghị, tùy vào từng quốc gia. Quy trình này có thể sẽ mất ít nhất khoảng một tháng sau khi có sự chấp thuận của FAA.
* Vẫn chưa có ngày trở lại
Theo các quan chức Mỹ, dự kiến FAA sẽ không thông qua việc chấp thuận cho 737 MAX  bay trở lại ít nhất cho đến tháng Hai năm tới hoặc thậm chí có thể trì hoãn sang tháng Ba.

Trong khi đó, các cơ quan quản lý hàng không khác trên thế giới, trong đó có châu Âu và Trung Quốc, cho biết việc cấp phép hoạt động trở lại cho máy bay 737 MAX có thể còn kéo dài hơn.

Hiện nay, một số hãng hàng không đang lên lịch đưa 737 MAX trở lại khai thác từ tháng 3/2020, nhưng không có gì đảm bảo các cơ quan an toàn bay của nhiều quốc gia sẽ chấp thuận điều này.
Trong khi đó, Boeing cho biết ngay khi nhận được sự phê chuẩn của FAA, hãng sẽ tập trung vào việc giao hàng khoảng 400 chiếc 737 MAX đã sản xuất và đang để trong kho. Hiện Boeing vẫn đang tồn kho khoảng 400 máy bay 737 MAX.

Các nhà phân tích ước tính hãng này có thể cung cấp tối đa khoảng 70 chiếc mỗi tháng, đồng nghĩa với việc để giải quyết số hàng tồn kho cần tới khoảng 6 tháng kể cả khi Boeing tạm dừng sản xuất hoàn toàn trong thời gian này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục