Bối cảnh và nguyên nhân dẫn đến tình trạng lạm phát cao ở Mỹ

06:30' - 27/11/2021
BNEWS Bài viết trên báo Liên hợp buổi sáng phân tích các nhân tố dài hạn, trung hạn và ngắn hạn dẫn đến lạm phát trong lịch sử và đánh giá triển vọng đợt tăng lạm phát lần này của Mỹ.

Theo báo Liên hợp buổi sáng, kể từ khi các số liệu kinh tế tháng 10/2021 của Mỹ và Trung Quốc được công bố, thế giới lo ngại hơn về nguy cơ lạm phát, vốn đã không xuất hiện từ thập niên 1990.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2021 của nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, ghi nhận mức tăng lạm phát nhanh nhất kể từ thập niên 1990. Trong khi đó, Chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 10/2021 của Trung Quốc tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước, và cũng là mức tăng theo tháng lớn nhất kể từ năm 1995.
Trước thực tế này, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn kiên trì quan điểm lạm phát chỉ là tạm thời, nhưng thừa nhận ước tính trước đó đã đánh giá thấp lạm phát. Về phía Trung Quốc, “Báo cáo thực hiện chính sách tiền tệ” quý II/2021 của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) ghi nhận tình trạng lạm phát xảy ra nhưng tin rằng “sức ép lạm phát nhìn chung có thể kiểm soát được”.
Trong đợt giá cả tăng ở các nền kinh tế phương Tây lần này, mọi người phát hiện ra rằng các nhà hoạch định chính sách dường như vẫn chưa đánh giá được hết các kịch bản lạm phát trong một thế kỷ qua. Bài viết trên báo Liên hợp buổi sáng phân tích các nhân tố dài hạn, trung hạn và ngắn hạn dẫn đến lạm phát trong lịch sử và sau đó đánh giá triển vọng đợt tăng lạm phát lần này của Mỹ.
* Vai trò của Fed đối với lạm phát tại Mỹ
Phân loại theo kỳ hạn, lạm phát trung hạn đề cập đến việc giá cả tiếp tục tăng tương đối nhanh trong thời gian trên một năm. Phân loại theo tính chất, lạm phát ôn hòa là tỷ lệ lạm phát hàng năm thấp hơn 5%, lạm phát nghiêm trọng là từ 5%-10% và lạm phát phi mã là trên 10%.   
Nghiên cứu lịch sử kinh tế cho thấy, giá cả tiếp tục gia tăng trên quy mô lớn chỉ xuất hiện trong kỷ nguyên tiền pháp định (tiền được luật pháp công nhận). Các nhà kinh tế Carmen Reinhart và Kenneth Rogoff đã trở nên nổi tiếng trong cuộc khủng hoảng tài chính sau khi nghiên cứu biểu đồ tăng giá trong 225 năm của Mỹ (từ năm 1775-2012). Hai chuyên gia này đã phát hiện ra rằng chính sách của Fed vào năm 1913 đã khiến giá cả ở Mỹ tăng mạnh, trong khi giai đoạn 1775-1913 giá cả của Mỹ tăng tương đối ít. Tiền pháp định thiếu ràng buộc là nguồn gốc khiến giá cả tăng vọt.
Trong trung hạn, ngay cả khi ở kỷ nguyên tiền pháp định, lạm phát cũng có sự khác biệt lớn. Xem xét số liệu giai đoạn 1775-2012 có thể thấy rằng, chỉ trong thời gian xảy ra các cuộc chiến tranh thì lạm phát của Mỹ mới tăng tương đối cao liên tục vài năm. 
Chẳng hạn, trong chiến tranh giành độc lập Mỹ, chiến tranh năm 1812, nội chiến Mỹ, Chiến tranh Thế giới thứ nhất (1917-1920), CPI tăng lần lượt 17,8%, 17,3%, 15,2% và 15,5%.
Trong thời gian Chiến tranh Thế giới thứ hai (1941-1943), lạm phát lần lượt là 5,1%, 10,9% và 5,9%. Giai đoạn 1946-1949 sau chiến tranh, lạm phát của Mỹ lần lượt là 8,5%, 14,4% và 7,7%. 
Trong thời gian diễn ra chiến tranh, nguồn nhân lực đầu tư cho chiến tranh tương đối nhiều, nguồn cung sản xuất giảm, ngân hàng trung ương huy động vốn cho chính phủ, đây đều là nguồn gốc dẫn đến lạm phát trung hạn. Hội nghị Brussels năm 1921 kêu gọi tăng cường tính độc lập của ngân hàng trung ương, các nước đều ra luật cấm ngân hàng trung ương huy động vốn cho chính phủ.  
Cuối thập niên 1970 đến đầu thập niên 1980, lạm phát cũng diễn biến hết sức nghiêm trọng, lạm phát giai đoạn 1973-1982 luôn trên 6%, thậm chí xuất hiện lạm phát phi mã hai con số từ năm 1979-1981. Đến lúc này, các chuyên gia lại phát hiện nguyên nhân của lạm phát là do ngân hàng trung ương không huy động vốn nhiều cho chính phủ.
Sau đó, nhà kinh tế học nổi tiếng Edward Christian Prescott kết luận rằng phương pháp tiếp cận tùy ý của ngân hàng trung ương có tính đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế, mới là nguồn gốc của lạm phát.
Cựu Chủ tịch Fed, Paul Adolph Volcker, phản đối lạm phát và sau đó các nước đã xác lập cơ chế mục tiêu lạm phát. Vào thập niên 1990, tính độc lập của ngân hàng trung ương không những được nâng cao mạnh mẽ, hơn nữa ngân hàng trung ương tại một số nước kiên trì mục tiêu ổn định tiền tệ duy nhất. Lịch sử cũng đã chứng minh, lạm phát của các nước giảm xuống rõ rệt sau thập niên 1990, nhưng giá tài sản tăng vọt.
Xét về lịch sử lạm phát của Mỹ từ Chiến tranh Thế giới thứ nhất đến nay, lạm phát mang tính tạm thời của Mỹ chỉ xuất hiện một lần, đó là khi tỷ lệ lạm phát ở mức 5,4% vào năm 1990. Điều này có liên quan nhất định đến sự tan rã của Liên Xô, Đông Âu nhưng không xảy ra chiến tranh hỗn loạn lớn.
* Yếu tố ảnh hưởng đến lạm phát của Trung Quốc 
Trong hệ thống chỉ số giá tiêu dùng 69 năm của Trung Quốc giai đoạn 1951-2020 có thể thấy bối cảnh thời đại của lạm phát dài hạn, trung hạn và ngắn hạn tại nước này.
Từ năm 1951 cho đến cải cách mở cửa năm 1978, lạm phát bình quân trong thời kỳ kinh tế kế hoạch dài 28 năm của Trung Quốc chỉ ở mức 1,4%, trong khi CPI từ năm 1978-2020 tăng 4,84% (ở mức lạm phát ôn hòa).
Giai đoạn 1985-1989, Trung Quốc xảy ra lạm phát nghiêm trọng và lạm phát phi mã trong 5 năm liên tục, lần lượt là 9,3%, 6,5%, 7,3%, 18,8% và 18%. 
Từ năm 1992-1996, nước này lại tiếp tục ghi nhận lạm phát nghiêm trọng và phi mã trong 5 năm liên tục với chỉ số CPI lần lượt tăng 6,4%, 14,7%, 24,1%, 17,1% và 8,3%, nguyên nhân cơ bản đều là do cải cách thể chế cấp tiến. Sự “đột phá về giá” cuối thập niên 1980 khiến nền kinh tế phát triển quá nóng. Vấn đề then chốt là chính sách cải cách không kiên trì tư tưởng “tiến lên trong ổn định”, mà “táo bạo hơn” và “vội vàng hơn”.
Ngay cả trong thời kỳ kinh tế kế hoạch, Trung Quốc cũng đã xuất hiện tình trạng lạm phát tương đối cao trong một vài năm. Mức lạm phát 11,5% của năm 1951 có liên quan đến sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế nhưng nguồn cung không bắt kịp nhu cầu, tỷ lệ lạm phát 16,1% của năm 1961 có liên quan đến sự thất bại của “Đại nhảy vọt” - một chiến dịch chuyển đổi nền kinh tế được phát động trong giai đoạn 1958-1962.
Trong thời kỳ kinh tế thị trường, tỷ lệ lạm phát ở mức 5,9% trong năm 2008 của Trung Quốc có liên quan đến các nhân tố như kinh tế toàn cầu quá nóng, giá dầu tăng và Thế vận hội Mùa hè ở Bắc Kinh năm 2008… Lạm phát đạt 5,4% năm 2011 có liên quan đến chương trình kích thích 4.000 tỷ NDT của chính phủ.  
* Xu hướng lạm phát của Mỹ sắp tới
Thông qua so sánh lạm phát dài hạn, trung hạn, ngắn hạn giữa Mỹ và Trung Quốc, có thể thấy rằng nhân tố thể chế mới là cơ sở gây ra lạm phát cao kéo dài, chẳng hạn thể chế tiền pháp định và kinh tế thị trường. Xét về trung hạn, nguyên nhân dẫn đến lạm phát trên 5%, thậm chí là 10% trong nhiều năm liên tục là việc chính phủ huy động vốn và theo đuổi quá nhiều mục tiêu kinh tế. Trong khi đó, xác suất xuất hiện lạm phát mang tính tạm thời tương đối ít và đều liên quan đến cú sốc nguồn cung.  
Đợt tăng lạm phát của Mỹ lần này xuất hiện trong bối cảnh đại dịch tấn công nguồn cung, chính phủ cải cách cơ chế mục tiêu lạm phát bình quân. Cú sốc bên ngoài cộng với cải cách đã dẫn đến lạm phát của Mỹ phát triển theo khuynh hướng trung hạn.

Bên cạnh đó, kể từ khi xảy ra cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và dịch COVID-19, thế giới rơi vào “cục diện thay đổi trăm năm hiếm có”, chẳng hạn như xu hướng “tách rời” kinh tế Mỹ-Trung, quan điểm phản đối toàn cầu hóa trỗi dậy và các chính sách khí hậu được thúc đẩy… Đây đều là những yếu tố thể chế dẫn đến lạm phát tiếp tục tăng cao.    
Tuy nhiên, đến tháng 10/2021, CPI của Mỹ tăng 4,24% so với cùng kỳ, vẫn chưa đạt đến mức lạm phát ôn hòa. Nếu tính từ tháng 8/2018 theo đề xuất của cơ chế mục tiêu lạm phát trung bình, thì lạm phát trung bình 15 tháng của Mỹ đạt 3,26%, cao hơn so với mục tiêu 2%. Lần này, Fed kiên quyết chờ đến khi thị trường lao động phục hồi về mức trước dịch bệnh mới đạt đến điểm kích hoạt điều chỉnh chính sách, bản thân logic không hoàn chỉnh. 
Bởi vì các ngân hàng trung ương đều nhận thấy mối liên hệ giữa lạm phát thấp và tỷ lệ thất nghiệp trên thị trường lao động khá thấp. Theo lý thuyết kinh tế truyền thống, việc làm không phải là biến số thực tế mà chính sách tiền tệ có thể kiểm soát. Theo bà Lael Brainard - thành viên của Hội đồng thống đốc Fed, dữ liệu kinh tế tháng 10, 11 và 12/2021 rất quan trọng đối với diễn biến giả cả trong thời gian tới.
Trong bối cảnh cải cách thể chế phức tạp hiện nay, Chính phủ Mỹ vẫn còn có không gian chính sách để giảm tỷ lệ lạm phát, chẳng hạn như tăng cường hợp tác với thế giới để ứng phó dịch bệnh, tăng cường quan hệ thương mại Mỹ-Trung để sửa chữa chuỗi cung ứng. Nhưng nếu tình hình tiếp tục xấu đi, nước Mỹ có thể sẽ tiến gần đến nguy cơ lạm phát nghiêm trọng trong trung hạn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục