BoJ mua vào lượng trái phiếu kỷ lục trong tháng 6/2022

17:00' - 07/07/2022
BNEWS Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đã mua số lượng trái phiếu chính phủ trị giá 16.200 tỷ yen (119 tỷ USD) trong tháng 6/2022.

Số liệu cho thấy Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đã mua số lượng trái phiếu chính phủ trị giá 16.200 tỷ yen (119 tỷ USD) trong tháng 6/2022, ghi nhận mức cao kỷ lục tính theo tháng, sau khi ngân hàng này tìm cách kiềm chế lợi suất dài hạn tăng vượt mức trần để đảm bảo chương trình nới lỏng tiền tệ.

 

Nỗ lực này của BoJ nhằm duy trì mức trần 0,25% của lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm được đưa ra do lợi suất dài hạn ở nước ngoài tăng đã kéo lợi suất trái phiếu tại Nhật Bản cao hơn. Việc BoJ mua vào trái phiếu để duy trì lợi suất siêu thấp - trái ngược với các ngân hàng của Mỹ và châu Âu, vốn đang tiến tới thắt chặt chính sách của mình - khiến đồng yen lao dốc.

Sau nhiều năm nới lỏng chính sách tiền tệ dưới thời Thống đốc Haruhiko Kuroda, BoJ đã nắm giữ lượng trái phiếu dài hạn kỷ lục trị giá 528.230 tỷ yen tính đến cuối tháng 6/2022, gần bằng 50% số nợ tồn đọng của chính phủ.

BoJ vẫn giữ chính sách nới lỏng tiền tệ dù cho áp lực thị trường kêu gọi điều chỉnh ngày càng tăng, trong bối cảnh ngân hàng này cho rằng lạm phát do giá hàng hóa tăng gần đây sẽ không bền vững và mục tiêu lạm phát 2% sẽ khó đạt được một cách ổn định.

Theo chương trình kiểm soát đường cong lợi suất (YCC), BoJ đặt lợi suất trái phiếu ngắn hạn ở mức âm 0,1%, trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm ở mức 0%. BoJ đã cho phép trái phiếu kỳ hạn 10 năm được dao động trong phạm vi từ  - 0,25% đến + 0,25%.

Trong tháng 4/2022, BoJ cho biết sẽ mua không giới hạn trái phiếu kỳ hạn 10 năm với lãi suất cố định 0,25%.

Lập trường chính sách tiền tệ của BoJ đã khiến đồng yen giảm mạnh, đặc biệt là so với đồng USD, xuống mức thấp nhất trong hơn 20 năm. Điều này đã gây khó khăn cho Nhật Bản, vốn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu năng lượng và nguyên liệu thô, trong bối cảnh các hộ gia đình bắt đầu cảm thấy sức ép khi giá hàng hóa ngày càng cao hơn.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã bước vào chu kỳ tăng lãi suất mạnh để kiềm chế lạm phát đang ở mức cao chưa từng thấy trong nhiều thập niên và Ngân hàng trung ương châu Âu dự kiến cũng sẽ hành động tương tự trong tháng này.

Về phần mình, Thống đốc Kuroda vẫn cho rằng đây chưa phải thời điểm thích hợp để xem xét việc bình thường hóa chính sách tiền tệ, song các nhà phân tích cho rằng bảng cân đối kế toán “phình to” của BoJ dự kiến sẽ đặt ra một thách thức khi ngân hàng này quyết định tìm lối thoát khỏi chương trình nới lỏng tiền tệ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục